Vụ Vedan: “Hỗ trợ 20 tỷ đồng là chưa thỏa đáng”
2009.04.15

Đền bù không thỏa đáng
Tin của báo chí trong nước cho biết, phía Vedan xác nhận đã gởi công văn cho các Hội Nông Dân thuộc các tỉnh Dong Nai, Ba Ria - Vung Tau va thành phố Ho Chi Minh. Tuy nhiên, phía Hội Nông Dân Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh nói rằng họ chưa nhận được các công văn ấy.
Công ty Vedan đề xuất mức hỗ trợ cho người trực tiếp bị thiệt hại tổng số tiền 20 tỷ đồng. Trong số này, Đồng Nai được 7 tỷ, Sài Gòn 7 tỷ và Bà Rịa - Vũng Tàu 6 tỷ.
Nói với Đài Á Châu Tự Do vào ngày 15 tháng Tư, ông Nguyễn Văn Rãnh, Chủ Tịch Hội Nông Dân Thành Phố Hồ Chí Minh, cho rằng đây mới là mức “thăm dò” do Vedan đưa ra; Hội Nông Dân sẽ xem xét và trao đổi với nông dân trước khi trả lời Vedan.
Trong khi đó, theo bản tin của báo Tuổi Trẻ ngày 15 tháng Tư, thì Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai là ông Trần Văn Quang cũng nói “số tiền Vedan hỗ trợ nông dân mỗi tỉnh, thành phố nếu như vậy là quá ít so với những thiệt hại mà hàng ngàn nông dân phải gánh chịu trong thời gian dài.”
Vẫn theo bản tin, thì phía Vedan đề nghị các Hội Nông Dân quy định rõ mức hỗ trợ cụ thể phù hợp với tính chất của từng khu vực. Các tiêu chí được đưa ra để xác định các tính chất này gồm có: thiệt hại thực tế, khu vực ảnh hưởng trực tiếp từ chất thải của Vedan, tài sản thiệt hại là tài sản hợp pháp, người được hỗ trợ không thuộc diện đã được nhận hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp từ năm 1996 đến 1997.
Ông Hoàng Như Vĩnh, luật sư đại diện của Vedan đã từng nói với đài chúng tôi hồi trung tuần tháng Ba, rằng Vedan “không nói là không làm thiệt hại môi trường” nhưng “giữa hành vi vi phạm với thiệt hại có phải là quan hệ nhân quả hay không thì không ai chứng minh được cả. Tức là, thiệt hại này không chứng minh được là do Vedan gây ra.”
“Hỗ trợ” chứ không “bồi thường”
Luật sư Vĩnh khẳng định, phía Vedan chỉ “hỗ trợ” chứ không “bồi thường” người nông dân.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Chủ Tịch Hội Nông Dân Thành Phố Hồ Chí Minh thì từng xác định, là Hội và công ty Vedan đã có những cuộc trao đổi sơ khởi. Hội chọn phương hướng hỗ trợ, còn phía Vedan cần sớm đưa ra tiêu chí hỗ trợ một khi cả 2 phía cùng thống nhất giải pháp này. Ông nói: “Hướng đi là khiếu nại trước. “Hỗ trợ” hay “bồi thường” là cách dùng chữ. Miễn làm sao người nông dân được hưởng phần mà họ đã bị hại. Còn nếu Vedan không đồng ý thì mới kiện sau. Trước hết là phải hiệp thương.”
Vẫn theo báo Tuổi Trẻ, đề xuất hỗ trợ mà phía Vedan đưa ra gần đây cũng bao gồm khoản “hỗ trợ gián tiếp 5 tỉ đồng để lập một quỹ phúc lợi hỗ trợ nghề nghiệp cho nông dân, phát triển hạ tầng tại các huyện Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai), huyện Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu), huyện Cần Giờ (TP.HCM).”
Cho đến nay, tư cách đại diện nông dân của các Hội Nông Dân vẫn còn là một vấn đề khiến vụ Vedan có thể sẽ kéo dài.
Một số luật sư thì cho rằng Hội Nông Dân không có tư cách pháp nhân đại diện. Một số nông dân thì muốn kiện riêng, không qua sự đại diện của Hội Nông Dân. Luật sư Hoàng Như Vĩnh nói rằng “Vedan nhận được 800 đơn của nông dân. Các đơn ghi là ‘khởi kiện,’ có đơn ghi là ‘khiếu nại.’ Các đơn này không đúng quy trình pháp luật, vì cần phải nộp tại tòa chứ không phải tại công ty Vedan.”
Trong khi đó, thì báo chí trong nước nói hiện có hơn 7 ngàn đơn của nông dân khiếu nại yêu cầu Vedan bồi thường thiệt hại. Trong số này, 4 ngàn đơn là của Đồng Nai; 2 ngàn đơn của thành phố Hồ Chí Minh; số còn lại thuộc về Bà Rịa – Vũng Tàu.
Cho đến nay, chưa một đơn kiện nào của nông dân được tòa sơ thẩm thụ lý.