Khủng hoảng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu suy giảm
2009.04.26

Bộ Trưởng Tài Chính của các cường quốc kinh tế Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý và Nhật, thường được gọi là nhóm G7, trong buổi gặp để thảo luận về phương cách đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính ngày càng lan rộng thời gian qua, đưa ra nhận định rằng giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái hồi thập niên 30 của thế kỷ trước sắp chạm đáy.
Thế giới có tiến bộ
Nhận định trong thông cáo đưa ra sau cuộc họp nêu rõ các dữ liệu gần đây cho thấy là tốc độ suy giảm đang chậm lại và bắt đầu xuất hiện những chỉ dấu bình ổn.
Thế giới đã có những tiến bộ trong việc cứu vãn nền kinh tế của các quốc gia ra khỏi cơn suy thoái.
Bộ Trưởng Tài Chính Hoa Kỳ Timothy Geithner
Lên tiếng trong phiên họp, Bộ Trưởng Tài Chính Hoa Kỳ Timothy Geithner nói thế giới đã có những tiến bộ trong việc cứu vãn nền kinh tế của các quốc gia ra khỏi cơn suy thoái.
Tuyên bố này được sự hậu thuẫn của các đại biểu có mặt trong cuộc thảo luận. Bộ Trưởng Tài Chính Mỹ cũng lưu ý rằng lạc quan là điều đúng, tuy nhiên sẽ là một sai lầm nếu kết luận là các nền kinh tế đã gần thoát khỏi hố sâu suy thoái kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi đầu mùa thu vừa qua.
Cũng với sự dè dặt đó, Bộ Trưởng Tài Chính Nhật Kaoru Yosano lên tiếng là còn phải đặt câu hỏi về sự ổn định hiện nay của nền kinh tế các nước.
Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Timothy Geithner tuyên bố các chính phủ cần phải đặt nền móng cho một sự hồi phục mạnh mẽ hơn và quân bằng hơn của kinh tế toàn cầu. Ông nhấn mạnh, đó phải là một phục hồi ít lệ thuộc hơn vào sự tăng trưởng nhảy vọt của kinh tế; một phục hồi với sự phát triển bền vững hơn, và được tạo nên bởi sự tăng trưởng nội địa của tất cả các nền kinh tế lớn.
Cam kết của nhóm G7
Trong văn bản đúc kết cuộc họp, nhóm G7 khẳng định sẽ cùng nhau tiếp tục hành động để đưa kinh tế thế giới ra khỏi tình trạng hiện nay. Các nước cam kết sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để phục hồi nền kinh tế toàn cầu như tái tạo công ăn việc làm, tái lập hệ thống cho vay, và bơm vốn cho các cơ chế tài chính.
Sau cuộc họp Bộ Trưởng Mỹ không quên cảnh báo rằng kinh tế thế giới vẫn còn chưa thoát khỏi tình trạng ảm đạm lâu nay, và nhắc nhở là các chính phủ cần thực hiện các cam kết đã hứa.
Sau cuộc họp Bộ Trưởng Mỹ không quên cảnh báo rằng kinh tế thế giới vẫn còn chưa thoát khỏi tình trạng ảm đạm lâu nay, và nhắc nhở là các chính phủ cần thực hiện các cam kết đã hứa.
Cuộc họp về các vấn đề liên quan đến nền kinh tế toàn cầu của nhóm các cường quốc công nghiệp G7 diễn ra hôm thứ Sáu vừa qua. Nhóm G20, tập hợp thêm nhiều nền kinh tế khác, trong đó có các nền kinh tế đang nổi lên như Trung Quốc và Ấn Độ, cũng vừa gặp gỡ sau cuộc họp của nhóm G7 tuy nhiên đã không ra một tuyên bố chung nào. Bộ Trưởng Tài Chính Mỹ nói rằng tất cả đều có chung một vấn đề để nghị luận. Đó là, các nước đến nay đã làm gì, và đã thực hiện đầy đủ chưa những biện pháp cần thiết để cứu vãn cuộc khủng hoảng hiện nay, đặt nền móng cho một sự hồi phục sớm và vững bền hơn của kinh tế toàn cầu?
Từ hôm qua và hôm nay hai định chế tài chính quốc tế là Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) và Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) cũng có hội nghị tại Washington. Các Bộ Trưởng Tài Chính và quan chức Ngân Hàng Trung Ương của các nền kinh tế lớn cũng như các nền kinh tế đang trỗi dậy sẽ thảo luận về việc ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay.
Nhã Trân tường trình từ Washington DC.