Có nhất thiết phải chạy theo chỉ số GDP?

Mới đây đã có ý kiến cho rằng Quốc Hội Việt Nam luôn đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP hàng năm cho chính phủ theo đó thực hiện trong chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, và điều này đã khiến chính phủ chạy theo con số một cách máy móc mà không phát huy được tính năng động cần có để thúc đẩy nền kinh tế.

0:00 / 0:00

Bên cạnh đó, con số thâm hụt ngân sách trong năm 2009 là gần 9.5% cũng là vấn đề đáng lo ngại cho Việt Nam hiện nay. Mặc Lâm phỏng vấn bà Phạm Chi Lan, nguyên cố vấn Văn Phòng Thủ Tướng, để tìm hiều thêm về vấn đề này.

GDP ở 5% cũng là còn khó

Mặc Lâm : Thưa bà, theo tình hình chung của thế giới hiện nay chính phủ đã buộc phải điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng của năm 2009 xuống còn 5%. Bà có đánh giá gì về con số này?

Năm nay mà vẫn giữ chỉ tiêu cao như đã đề ra hồi cuối năm ngoái thì sẽ là không hợp với điều kiện thực tế. Thật ra tôi cho ngay cả đạt 5% cũng là khó đối với kinh tế Việt Nam hiện nay.

Bà Phạm Chi Lan : Tôi nghĩ việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng xuống như thế cũng là hợp lý, đúng với bối cảnh kinh tế hiện nay còn rất khó khăn. Còn năm nay mà vẫn giữ chỉ tiêu cao như đã đề ra hồi cuối năm ngoái thì sẽ là không hợp với điều kiện thực tế. Thật ra tôi cho ngay cả đạt 5% cũng là khó đối với kinh tế Việt Nam hiện nay.

Mặc Lâm : Thường thì Quốc Hội đưa ra chỉ tiêu tăng trường cao hơn con số đạt được trên thực tế. Bà có cho rằng vấn đề này cần phải xem lại hay không?

Bà Phạm Chi Lan : Không nhất thiết phải có một chỉ tiêu tăng trưởng cao mà cái chính là làm sao bình ổn được kinh tế, giải quyết được các công chuyện như việc làm, giải quyết cho tốt, làm sao đỡ đi tình trạng thất nghiệp thì sẽ tốt hơn rất nhiều. Chớ còn cái chỉ tiêu mà về bội chi ngân sách thì tôi nghĩ là nó cũng là chuyện bất đắc dĩ thôi.

Mặc Lâm : GDP tăng trưởng của năm 2009 được dự báo là 5% có phù họp với thực tế hay không, thưa bà? Và có phải vì lý do này mà bội chi ngân sách trong năm nay sẽ cao gấp đôi so với năm ngoái hay không?

Bà Phạm Chi Lan : Thật ra năm nay có hai vấn đề lớn, một là nguồn thu ngân sách kém đi do chính phủ phải giảm thuế cho một số ngành, rồi nhập khẩu giảm đi rất nhiều thì cũng giảm đi nguồn thu từ thuế nhập khẩu, xuất khẩu như dầu thô thì giá cũng xuống nhiều nên nguồn thu từ xuất khẩu cùng bị hạn chế.

Năm nay có hai vấn đề lớn, một là nguồn thu ngân sách kém đi do chính phủ phải giảm thuế cho một số ngành, rồi nhập khẩu giảm đi rất nhiều thì cũng giảm đi nguồn thu từ thuế nhập khẩu, xuất khẩu như dầu thô thì giá cũng xuống nhiều nên nguồn thu từ xuất khẩu cùng bị hạn chế.

Lâu nay dầu thô cũng đóng góp nhiều cho ngân sách nhưng bây giờ bị hạn chế đi. Thành ra trong khi nguồn thu giảm xuống mà nhu cầu chi tiêu lại tăng lên, nhất là những giải pháp kích cầu lại phải dùng ngân sách để bù đắp cho một số việc, cho doanh nghiệp, cho các khu vực, thì như vậy là rõ ràng mức dự chi ngân sách phải tăng lên rồi, từ đó nó dẫn tới bội chi nhiều hơn.

Kế hoạch cứu nguy phải minh bạch và chính xác

Mặc Lâm : Theo bà, con số thâm hụt ngân sách này sẽ đưa ra một hình ảnh nào đáng lo ngại nhất ?

Bà Phạm Chi Lan : Điều tôi lo nhất là cái phần bội chi đó được sử dụng như thế nào? Tức là ngân sách bỏ ra cho giải pháp kích cầu được sử dụng như thế nào.

Cái chính là phải tính toán để sử dụng thật là cẩn thận, thật là hiệu quả, thật là minh bạch trong việc sử dụng đồng tiền đó, để làm sao đừng có phải chấp nhận mức bội chi thì nó cũng mang lại được những kết quả tích cực, nhất là về mặt việc làm, rồi về mặt bình ổn lại để chuẩn bị cho thời gian sau này.

Mặc Lâm : Vấn đề tiết giảm chi tiêu công đã được nhiều định chế tài chánh cảnh báo và mới đây nhất là Ngân Hàng Phát Triển Á Châu cũng lên tiếng về vấn đề này. Bà nghĩ sao trước những cảnh báo có vẻ ngày một nhiều hơn như thế ?

Bà Phạm Chi Lan : Đây cũng là điều mà từ năm ngoái khi lạm phát cao và bất ổn kinh tế vĩ mô, vào năm ngoái đấy, trước khi có suy thoái toàn cầu, thì cũng đã có nhiều ý kiến ở trong nước kể cả về phía chính phủ khi đưa ra 8 nhóm giải pháp để chống bất ổn kinh tế vĩ mô và giảm lạm phát, thì (chính phủ) cũng đã rất quan tâm tới việc kiểm soát chi tiêu công, tiết giảm chi tiêu công.

Cái chính là phải tính toán để sử dụng thật là cẩn thận, thật là hiệu quả, thật là minh bạch trong việc sử dụng đồng tiền đó, để làm sao đừng có phải chấp nhận mức bội chi thì nó cũng mang lại được những kết quả tích cực

Trước đó chính phủ cũng đã yêu cầu tất cả các ngành rà soát lại, các cơ quan phải giảm bớt các chi tiêu của mình cho những công việc của công.

Thế thì đây cũng là yêu cầu cần thiết mà tôi nghĩ đối với Việt Nam là phải làm không những là trước mắt trong lúc khó khăn này mà cả về lâu dài nữa, tại vì chi tiêu công hoặc đầu tư công ở Việt Nam vẫn là một phần rất là lớn trong đầu tư xã hội, cho nên phải làm sao giảm dần chi tiêu hoặc đầu tư công.

Những cái đầu tư công, ngoài chi tiêu thường xuyên không nói làm gì, nhưng đầu tư công thì nên giảm xuống để chuyển dần cho các khu vực của doanh nghiệp, của người dân để họ đứng ra làm thì tốt hơn.

Chớ còn chi tiêu công thì cũng vẫn phải giảm, vẫn phải tiết kiệm trong điều kiện nền kinh tế khó khăn, vẫn rất cần phải tiết kiệm. Chớ còn lâu nay chi tiêu công thì qua nhiều kỳ họp quốc hội cũng đã có những ý kiến phản ánh là có nhiều chi tiêu vẫn là lãng phí, không hợp lý và nó thậm chí còn có thể có tình trạng tham nhũng ở đó nữa.

Chỉ tiêu chỉ là định hướng không có tính chất pháp lệnh

Mặc Lâm : Thưa theo một số chuyên gia kinh tế nhận định thì việc đặt ra con số nhất định nào đó cho chỉ tiêu tăng trưởng thì có vẻ cản trở cho những chính sách kinh tế vĩ mô hơn là giúp cho các chính sách này phát triển một cách đồng bộ. Điều này cũng đi ngược lại với thông lệ quốc tế hiện nay. Ý kiến của bà ra sao trước vấn đề này?

Thực ra các chỉ tiêu tăng trưởng ở trên đặt nó xa thành một cái định hướng để nỗ lực thôi, chứ còn cũng không nhất thiết thành một cái chỉ tiêu mang tình chất pháp lệnh.

Bà Phạm Chi Lan : Chúng tôi cũng nghĩ là chúng ta cũng nên theo cái chung của quốc tế. Thực ra các chỉ tiêu tăng trưởng ở trên đặt nó xa thành một cái định hướng để nỗ lực thôi, chứ còn cũng không nhất thiết thành một cái chỉ tiêu mang tình chất pháp lệnh.

Nhưng đối với quốc hội thì thời gian sau này, nhất là năm ngoái, khi đề ra mức 6,5% tăng trường GDP cho năm nay thì quốc hội cũng định hướng là đưa ra để mang tính chất định hướng thôi, chứ không phải là một chỉ tiêu bắt buộc để rồi bằng mọi giá phải đưa tiền đầu tư thật nhiều để đạt được mục tiêu đó.

Bởi vì mục tiêu về tăng trưởng GDP - như tôi nói từ đầu - nói cho cùng nó không quan trọng bằng những chỉ tiêu khác, ví dụ như là tạo công ăn việc làm cho người dân, hoặc là phát triển các việc sản xuất kinh doanh của ngành này ngành khác như công nghiệp hoặc là các ngành nông nghiệp chẳng hạn, chứ không nhất thiết phải theo đuổi một chỉ tiêu GDP quá cao mà lại phải đầu tư rất nhiều.

Và chăng những năm vừa qua Việt Nam tuy đạt được tốc độ tăng trưởng GDP cao nhưng chỉ số ICOR nó cũng cao lên, tức là phải đầu tư rất nhiều để đạt được 1% tăng trưởng, thì cái đó cũng rất nên xem lại cái đường hướng đó. Làm sao phải giảm ICOR xuống, phải tiết kiệm hơn trong đầu tư, không nhất thiết phải theo chỉ tiêu tăng trưởng cao.