
Vi Thùy Linh là một nữ thi sĩ trẻ tuổi, gây nhiều sóng gió trong dư luận và cô luôn tạo cảm giác bất ổn cho nhiều người qua những bài thơ nóng bỏng nhưng đầy ấp sáng tạo khiến thơ của cô đứng rất riêng và cũng từng bị cấm in trong nhiều năm. Vi Thùy Linh được biết đến như một hiện tượng thơ qua ba tập thơ: "Khát", "Linh" và tập cuối cùng là "Đồng tử".
Linh thổi vào văn đàn thơ mới một cơn lốc mãnh liệt với khát vọng tình yêu đắm say, cuồng nhiệt.
Mới đây Vi Thùy Linh tái xuất hiện trên thi đàn bằng tập thơ mới được in song ngữ Việt – Pháp với sự chuyển ngữ của các dịch giả nổi tiếng Dương Tường, Phạm Toàn (Châu Diên) và dịch giả trẻ bằng tuổi với cô - Cao Việt Dũng. Vi Thùy Linh cũng là nhà thơ nữ đầu tiên (sau hai nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và Nguyễn Việt Hà) được Trung tâm Văn hóa Pháp mời giao lưu với độc giả tại L'Espace HN.
Sau 12 năm cầm bút, cuối cùng Vi Thùy Linh cũng được kết nạp vào Hội Nhà Văn Việt Nam, trở thành hội viên trẻ nhất ở tuổi 27.
Sinh năm 1980, lớn lên trong gia đình nghệ thuật. Ông nội và chú là họa sĩ, bố là đạo diễn, Vi Thùy Linh được nuôi dưỡng trong không khí nghệ thuật và là một người đa cảm từ thủa bé. Nhà báo ThanhThảo đã có những nhận xét rất xác đáng về người nữ thi sĩ này như sau:
"Vi Thùy Linh là một hiện tượng của thơ Việt Nam hiện đại. Đó là chín sớm trong thơ, và cả trong đời. Cô gái mới hơn 20 tuổi đã có những khát khao dữ dội về chức năng làm mẹ, và nghĩ một cách thâm trầm, sâu sắc đến không ngờ về thiên chức người mẹ trong thế giới. Bằng cú pháp thơ già dặn, cách nói thơ đơn giản và trực diện. Những bài thơ của Vi Thùy Linh như hồ nước sâu chứa những con sóng ngầm từ bên dưới."
Tự bỏ tiền in thơ
Mặc Lâm : Cảm ơn nhà thơ trẻ Vi Thuỳ Linh đã cho chúng tôi cuộc nói chuyện ngày hôm nay. Kể từ nhiều năm qua, sau nhiều lần bị cấm đoán cũng như những khó khăn vây bủa, thì cái bàn viết hiện nay của Vi Thùy Linh có còn tiếp tục theo đuổi những trang thơ mà trước đây đã không ít lần làm phiền muộn cho mình hay không? Và theo Thùy Linh thì các nhà thơ trẻ Việt Nam hôm nay có những trăn trở gì so với thế hệ trứơc đây?
Vi Thuỳ Linh : Chúng tôi phải tự bỏ tiền túi ra in thơ và sợ tự mình phải sống trong cái cảnh phải chịu những sự đòi hỏi và áp lực của công chúng, của đồng nghiệp, thì thực sự chỉ có những người liều mạng và cả gan thì mới theo đến tận cùng.
Đêm nào cũng cắt bỏ giấc ngủ của mình đến 3 giờ sáng để cặm cụi trên trang giấy. Và phải lao động âm thầm ấy chỉ để chờ một ngày nào đó, mình rất thích cảm giác mình có thể được khóc vì có một người đọc ra một câu thơ của mình, chẳng hạn như bài "Vợ chồng nga" của tôi rất nhiều người thích":
Cài thêm tiếng khóc cuả em
Bằng đôi môi anh.
Chỉ cần mình được vỗ về, được sưởi ấm bằng một sự hiểu như vậy thì mình mới có thể tiếp tục.
Mặc Lâm : Vi Thuỳ Linh đến với lãnh địa văn học từ lúc nào và Linh có thể cho biêt đối nét mà nhiều người cho rằng khá gian nan khi chọn khi chọn làm nghề nghiệp cho mình, đặc biệt là lĩnh vực thơ ca?
Vi Thuỳ Linh : Theo nghệ thuật là do truyền thống của gia đình từ thời cụ của tôi là một nho sĩ cho đến ông nội tôi là hoạ sĩ, bố tôi là một đạo diễn. Thoạt đầu đến với tôi tự nhiên như một cảm giác bản năng, như là bản năng, nhưng về sau tôi đã say mê nó là bởi vì trong một cái tuổi thơ thiếu thốn và rất nghèo của tôi thì cha tôi thuờng dùng những đồng lương nhỏ hẹp của mình để mua sách và chở tôi đến rạp xiếc bằng chiếc xe đạp cũ.
Thế cả ký ức ấy, sự hun đúc ấy đã truyền vào tôi và cho đến giờ phút này tôi là đứa cháu duy nhất của ông nội tôi mà theo nghệ thuật. Tính từ bài thơ đầu tiên trên báo Tiền Phong tháng 9-1995 thì đến nay tôi đã bước sang năm thứ 13 của động thơ. Và thực ra tôi biết rằng mình là người có một trữ lượng dồi dào có thể phô diễn khả năng của mình với cái lượng hình ảnh, ý tưởng tràn trề trong nhiều lãnh vực, không phải chỉ thơ mà tuỳ bút, truyện ngắn mà tôi đã từng.
Thế nhưng tôi không muốn xây chung cư, không muốn làm nhiều nhà một lúc, nhưng muốn làm nhà nào ra nhà nấy, có nghĩa là làm một nhà thơ trước. Và sau bài thơ thứ tư sắp tới đây 2008, song ngữ, tiếng Anh, thì tôi sẽ tạm ngừng thơ để chuyển sang lãnh vực văn xuôi.
Động cơ cầm bút
Mặc Lâm : Mới đây được biết Vi Thùy Linh đã được Hội Nhà Văn Việt Nam kết nạp làm hội viên chính thức. Có điều gì đáng nói chung quanh sự việc này không?
<b>Vi Thuỳ Linh :</b> Tôi hoàn toàn viết không nhằm mục đích để được vào Hội Nhà Văn. Tôi không coi đấy là động cơ cầm bút của mình. Tôi nhận thấy rằng trong rất nhiều đồng nghiệp mà tôi kính trọng như nhà thơ - dịch giả Dương Tường, nhà thơ Linh Công Vũ, nhà thơ Nguyễn Bình Phương, nhà phê bình văn học Nguyễn Hoà, Phạm Xuân Nguyên, những người ấy là những người nếu như vào Hội Nhà Văn thì làm sang cho Hội, nhưng họ không vào.
Có một lần tôi hỏi ông Dương Tường "Tại sao Bác không vào?", ông có nói rằng là "bản chất của các hội nghề nghiệp, Việt Nam mình có rất nhiều hội nghề nghiệp như Hội Nhà Văn, Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh, Hội Điện Ảnh, Hội Mỹ Thuật, Hội Kiến Trúc, Hội Nghệ Sĩ Múa, đấy là những hội nghề nghiệp, nhưng mà trong pháp lệnh về các hội này thì cách đây một số năm thì đã thêm vào cái cụm từ - thay vì hội nghề nghiệp thì nó thành hội chính trị nghề nghiệp.
Và đấy là điều mà ông Dương Tường từng tâm sự với tôi rằng thay vì để nghề nghiệp phía trước thì đàng này là chính trị nghề nghiệp, ông không muốn vào. Thì đấy là lý do của ông Dương Tường và những người khác thì tôi không biết, nhưng mà có thể vì một điều gì đó họ không thích.
Mặc Lâm : Nhiều cây viết trẻ trong nước than phiền là họ bị phân biệt đối xử, riêng Linh thì sao? Linh có kinh nghiệm gì về vấn đề này đối với những người lớn tuổi hơn mình? đối với những thế hệ trước mình?
Vi Thuỳ Linh : Thực ra có rất nhiều phe phái trong giới văn nghệ. Riêng Hội Nhà Văn cũng vậy. Có những người lớn tuổi, già, họ không chấp nhận những người trẻ, không chấp nhận những cái làm mới của người trẻ, không phải vì họ mâu thuẫn đến chết vì chúng tôi trong đời thực mà vì, theo tôi phân tích có 3 khả năng :
(1) Họ không hiểu được, (2) Họ có một sự ghen tị đâý, đố kỵ một chút về cái tuổi trẻ, tức là cái thời tuổi trẻ của họ lớn lên bị sống trong những năm tháng khốn khó và bây giờ chúng tôi được sung sướng hơn thì họ không có hài lòng, cho nên họ hơi ghen tị một chút. Nhiều khi không phải hơn một chút nữa đấy!
(3) Họ không thể làm được những cái vẫy của mình nữa. Họ hết thời gian rồi. Họ cũng hết sinh lực để đột phá đổi mới những gì họ làm đuợc. Nói một cách khoa trương là họ đã làm xong nghĩa vụ của mình rồi. Họ không thể nào vùng vẫy thêm được nữa, cho nên họ cũng có lòng ghen với chúng tôi.
Sự thiếu vắng các nhà phê bình văn học
Mặc Lâm : Linh nghĩ sao về sự thiếu vắng các cây viết phê bình văn học hiện nay?
Vi Thuỳ Linh : Việc thiếu vắng các nhà phê bình, theo tôi là quốc nạn chứ không phải riêng gì bên Hội Nhà Văn. Điện ảnh cũng vậy. Nhiếp ảnh cũng vậy. Cực kỳ thiếu vắng những nhà phê bình chuyên nghiệp, có nghĩa là được đào tạo bài bản. Nhưng mà Hội Nhà Văn thì tôi nghĩ là thiếu phê bình văn học thê thảm nhất, là bởi vì, vì sao tôi dùng từ ấy? Là bởi vì văn học là gốc của các loại hình khác.
Nó có tác động đến cả điện ảnh, sân khấu và các loại hình khác. Văn học được mùa, mất mùa nó còn liên quan đến vấn đề kịch bản, phim ảnh cũng như sân khấu. Thế nhưng mà chúng ta thực sự thiếu những cái đầu mới, chúng ta vệ sinh thân thể hàng ngày nhưng mà rất ít người dám vệ sinh não, nghĩa là loại thải những cái cũ đi để mà chịu đọc, chịu đối thoại, chịu hợp lưu những cái mới, mà cứ quen dùng thước đo tâm trí của những năm 60 để mà đo những cái mớí, và dồn quá nhiều lực lượng chiến tranh cách mạng về nông thôn, về người lính mà họ cố tình đánh vào những nhà sáng tác, cố tình làm các nhà đương đại, vì họ không đủ sức để bắt nhịp với thời đại. Và đến phiên các nhà phê bình cũng vậy.
Mặc Lâm : Và Linh có thể nói cụ thể hơn về vấn đề này được hay không ạ?
Vi Thuỳ Linh : Vâng. Vương Trí Nhàn thì ông mãi bàn về Đặng Thuỳ Trâm, về Xuân Diệu; ông cố tình trấn vào lãnh vực đương đại, nếu như tôi không nhầm thì ông đã từng viết là ông chỉ ghi nhận đến thời kỳ Phan Thị Vàng Anh là hết, vậy thì mười mấy năm qua ông hoàn toàn bỏ qua luôn thế hệ những nhà thơ chúng tôi.
Một người rất xung kích như ông Nguyễn Hoà thì ông thưòng đi vào những vụ án. Và ông thú thật là "Tôi lười lắm. Sách văn học thật cho nên tôi ít những bài phê bình sách mà thường chỉ ra những cái sai của các giáo sư, những cái vụ việc trong giới."
Thế còn ông Phạm Xuân Nguyên là người rất chăm giới thiệu sách, thường xuyên về mặt giới thiệu nhiều hơn. Gần đây là ít khi có bài phê bình cho ra món.
Thực sự mà nói trong các nhà phê bình trẻ hôm nay thì có anh Thu Trương, Nguyễn Thanh Sơn, bây giờ có anh gì kết hôn với chi diễn viên Hồng Ánh nhưng anh mãi kinh doanh hơn là viết. Chứ còn Ngô Văn Lá thì chịu khó sáng tác bên Viết Văn Nguyễn Du, bây giờ làm văn hoá thì chuyên nghiên cứu về Vũ Bằng là những người đã mất rồi, tức là những người đang sống bị hoàn toàn bỏ quên, mà họ chỉ hâm nóng những người đã khuất thôi.
Thực là buồn tẻ khi không có những con mắt xanh để cổ vũ ghi nhận kịp thời những thành tự của chúng tôi, những nỗ lực của chúng tôi, những người làm thơ mà, tham vọng đổi mới. Chiến tranh đã qua 32 năm và tính cái thời những đứa trẻ sinh năm 86 thì đã 21 năm rồi mà hoàn toàn người ta cố tình không thèm nhắc đến văn học đương đại, sứca sống của đương đại, mà đây chính là thế hệ chúng tôi.
Và với những người của thời kỳ Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Huy Thiệp cũng không được ghi nhận một cách xác đáng. Và điều đó làm chảy máu chất xám, làm lụi tàn, làm phân tán và buồn tẻ đời sống hiện nay.
Lĩnh vực giới tính
Mặc Lâm : Quay về với thơ của Vi Thùy Linh, dư luận có lúc cho rằng thơ của Linh đôi khi sa đà quá vào những lĩnh vực giới tính, đặc biệt là biểu cảm đối với dục tính có khi quá mạnh, Linh nghĩ sao về những suy nghĩ này?
Vi Thuỳ Linh : Trong thơ tôi, tôi có đề cao những vẻ đẹp của đức hạnh, của truyền thống, của ước mơ những đứa con, cùng với việc yêu chung thuỷ một người, một người đàn ông, một mối tình lớn, chứ tôi không cổ suý cho những cái gì mà nó đồi truỵ, bệnh hoạn, bởi vì tôi là một người thờ một chữ lớn, đó là "duy mỹ".
Tôi rất duy mỹ, tôi thờ chữ "Mỹ" mà, cho nên trong tinh thần của tôi, trong giáo dục và văn hoá của tôi bao giờ cũng là những luồng phóng khoáng, khoáng đảng, phong lưu và trong sạch, chứ không bao giờ một sự tục. Vì tôi không nghĩ như vậy thì trong từ vựng của tôi, trong tát cả những gì thể hiện trên giấy 200 bài thơ đến giờ phút này chưa bao giờ có một từ nào tục hết.
Vậy thì cái sự đồi truỵ, cái sự tục, nói như một tác giả nước ngoài mà tôi thường đọc, nó là nằm trong tinh thần của người đọc và chính những người đó cần phải vệ sinh não. Nếu như những người đọc cứ nhìn thấy vú, thấy đùi mà nghĩ là đồi truỵ, thế thì họ nghĩ thế nào, chắc là họ sẽ đập vỡ những trống đồng Đông Sơn, Ngọc Lũ, đập vỡ những đền đài chẳng hạn như là UNESCO đã công nhận (như) Mỹ Sơn chẳng hạn, ở trong những đền tháp, trong đó đầy nhũng hình ảnh nam nữ giao hoan.
Đấy là đồi truỵ ư? Người ta thờ cả linga, yuni như một tín ngưỡng thì đấy là sự tục tỉu ư? Và những người ấy nếu mà đến những thành phố hoa lệ và đầy tác phẩm khoả thân như tác phẩm "nude" trong bảo tàng, trên đường phố như Paris, chắc họ cầm búa họ đập vỡ tất cả vì họ nghĩ rằng vì ở đấy có rất nhiều những bộ phận sinh thực khí mà. Nếu như vẫn còn những người nói là tôi viết sống sượng thì chứng tỏ những người đó không hề gặp tôi.
Mặc Lâm : Vâng. Như vậy thì chúng ta có thể cùng nghe lại bài thơ nguyên văn của nó như thế nào mà đã tạo ra những tranh cãi chung quanh về thơ của Vi Thuỳ Linh. Mời quý vị theo dõi:
Vi Thuỳ Linh : (đọc thơ)
Khoả thân trong chăn,
thèm chồng,
thèm có chồng ở bên
Chỉ cần anh gối lên đùi
Mình ôm lấy
Anh ôm mình
Biết sự bình yên của mặt đất
Trong chăn
Những câu nói mê toả hơi nước
Đầu rổng
Tôi tập chết để biết mình đang sống
Em chỉ cần anh ở bên em thôi
Để biết rằng
Để ôm lấy nhau
Để biết rằng
Trái Đất đầy bạo động này
Đầy lọc lừa và gian dối này
Đầy âm mưu và biến động này
Vẫn còn bình yên
Bởi vì sự che chở của tình yêu
Và chúng ta ở bên nhau
Những giờ thú vị nhất