Vì sao cùng lúc nhiều nhà báo bị thu thẻ hành nghề?

Thứ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Đỗ Quý Doãn đã ký quyết định thu hồi thẻ nhà báo của 7 cán bộ và phóng viên, với lý do là vì các đương sự có vi phạm nghiêm trọng trong hoạt động và thông tin trên báo chí.

0:00 / 0:00

Tuy nhiên, dư luận vẫn còn nhiều thắc mắc xung quanh việc nhiều ký giả liên tục bị kỷ luật trong thời gian gần đây. Vậy đâu là cốt lõi của những quyết định từ cơ quan quản lý báo chí nhà nước? Đỗ Hiếu tìm hiểu và trình bày thêm chi tiết cùng với góp ý của hai nhà báo, một luật sư, và hai nhân vật đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền từ Việt Nam.

Những cán bộ và phóng viên bị thu hồi thẻ nhà báo gồm các ông Nguyễn Quốc Phong, phó tổng biên tập báo Thanh Niên, Bùi Văn Thanh, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ thành phố Hồ Chí Minh, Huỳnh Kim Sánh, tổng thư ký tòa soạn báo Thanh Niên, Dương Đức Đà Trang, trưởng văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ thành phố Hồ Chí Minh tại Hà Nội và ông Trần Đình Dũng tự Việt Dũng, phóng viên báo Khoa Học và Đời Sống.

Hai trường hợp khác bị khởi tố về tội tham ô tài sản và thiếu trách nghiệm, gây hậu quả nghiêm trọng là hai bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, phó tổng biên tập báo Người Cao Tuổi và bà Hoàng Tuyết Oanh, cán bộ báo Người Cao Tuổi.

Một nhà báo từ Việt Nam (xin được giấu tên) cho đài RFA chúng tôi biết là mới chiều hôm qua, tin này đã được đài truyền hình loan tải, trên toàn quốc:

"Cái này thì là nó phát trên truyền hình hôm nay đấy ạ. Có dấu hiệu vi phạm, tức là lợi dụng chức vụ..."

tuoitre_05132008_250.jpg
Báo Tuổi Trẻ số ra hôm 13-5-2008 đăng tải một loạt bài trên trang nhất, với nội dung cho rằng dư luận vô cùng bất bình trước việc các phóng viên đi đầu trong việc phanh phui tham nhũng đã bị bắt giam. (Trang web báo Tuổi Trẻ.)

Một ký giả khác của tờ Tuổi Trẻ , yêu cầu đừng sử dụng lời ông phát biểu, nhưng đồng ý cho chúng tôi tóm lược ý kiến của ông, nói rằng sự việc này đang được dư luận trong và ngoài nước theo dõi, trên các trang web và internet.

Chủ trương kiểm soát báo chí

Trong khi đó, luật sư Trần Lâm, từng nhiều lần tham gia hội luận trên Đài Á Châu Tự Do chúng tôi, nhấn mạnh rằng đây là một chủ trương kiểm soát báo chí vì đã có 2 nhà báo ngồi tù vì loạt phóng sự liên hệ tới vụ án tham những PMU 18 tại Bộ Giao Thông - Công Chánh:

"Nhà nước quản lý báo chí như thế nào thì hiện nay đang có câu chuyện đó. Hiện nay là nó rầm rộ lắm. Nó rầm rộ là cả hai ông phóng viên còn bị bắt cơ mà. Hai ông phóng viên về cái vụ PMU18 - Nguyễn Việt Tiến đấy, còn bị bắt trong vụ ấy. Đấy, hai ông đi tù, bây giờ 7 ông bị thu phép.

Tôi thấy chuyện này thì đúng là có câu chuyện là báo chí hiện nay người ta quan tâm rất là ghê gớm mà có cái biểu hiện như là muốn các báo chí phải im hơi lặng tiếng hơn, đại để có cái xu hướng ấy, chứ còn cụ thể thì tôi chưa trả lời được với bác."

Từ Hà Nội, kỹ sư Phạm Đức Chính, một nhà hoạt động dân chủ, nhấn mạnh việc thu hồi thẻ nhà báo nhằm che giấu những sự thật bất lợi cho nhà cầm quyền:

"Họ có cái chủ trương gì đó để mà khống chế công tác của ngành báo. Nó (báo chí) là công tác rất đặc biệt, nó là cái phản hồi của xã hội, cái phản diện để mà mình giải quyết các vấn đề khúc mắc trong cuộc sống chẳng hạn, thì nếu trong bối cảnh như thế chắc là họ có cái chủ trương gì đó."

Phần cô Lê Thị Kim Thu , một dân oan ở Đồng Nai từng ra Hà Nội nhiều lần đấu tranh khiếu kiện, nói với phóng viên Ban Việt Ngữ chúng tôi rằng một nhà nước bưng bít thông tin thì biện pháp đơn giản nhất là thu hồi giấy phép hành nghề của họ:

"Thu thẻ của 7 nhà báo đó chứng tỏ rằng Việt Nam không bao giờ có nhân quyền và họ đang ra tay và thẳng tay họ trừng trị và họ đàn áp. Họ bịt miệng báo chí. Nói là tự do ngôn luận nhưng điều đó chứng tỏ rằng Việt Nam không hề có những gì mà nhà nước đã tuyên truyền.

Nếu họ dùng biện pháp thu hồi 7 thẻ nhà báo đó thì anh cũng thừa biết là bất cứ một nhà báo nào cũng do đảng (cộng sản) chỉ đạo hết, cũng phải do tiếng nói của đảng. Nếu mà nói hay thì đảng mới cho đăng.

Sự thật mà nói trung thực phản ảnh tình hình đất nước thì dĩ nhiên là họ sẽ không cho đăng, vì nó ảnh hưởng dến quyền lợi của họ, đến ngôi vị của họ thì họ sẽ không bao giờ cho đăng. Vì đã nói nó là đảng độc tài rồi, làm cái gì cũng phải kiểm soát."

Cô Kim Thu cho biết là ngay trong lòng thủ đô Hà Nội, người dân cũng mong muốn đất nước phải thay đổi để quyền tự do ngôn luận, dân chủ, nhân quyền được tôn trọng, như nhà nước từng khẳng định:

"Bây giờ là có cả một sức mạnh của cộng đồng hải ngoại để gây sức ép. Bây giờ nguyên là nhà nước cộng sản này đã ký WTO, vào Hội Đồng Bảo An LHQ, là thành viên của Hội Đồng Bảo An LHQ thì phải biết trách nhiệm mình phải làm gì, những điều cam kết mình phải thực hiện.

Những ngày gần đây thì dân oan ở phía Nam thấy rất là đông, rất là nhiều, hầu như gần hết cái Miền Nam, để đấu tranh đòi công lý, đòi tài sản bị cướp đoạt một cách phi pháp. Thì trong những ngày qua người dân Hà Nội họ rất là bức xúc. Và cái chế độ này sẽ phải thay đổi mà thôi chứ không thể tồn tại mãi như vậy được.

Những người này đã an cư lạc nghiệp rồi mà họ còn nói lên được tiếng nói đó huống hồ chi những người đã bị cướp đoạt mất hết đất đai nhà cửa, mất hết cả các quyền căn bản con người. Thành ra cái việc đấu tranh sắp tới đây có thể là sẽ bùng phát lớn hơn nữa khi người dân uất ức và không còn gì để mất."

Đài RFA chúng tôi đang thu thập thêm chi tiết về việc này và sẽ gởi đến quý vị thính giả những diễn biến mới, sau khi ghi nhận được.