Nhóm Tam Phương

Trong sinh hoạt ca nhạc hải ngoại, Trung tâm Asia vào mùa Hè năm ngoái, đã tạo cơ hội cho các ca sĩ mà nghệ danh khởi đầu bằng tên Phương hát với nhau: đó là Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Quế và Phương Hồng Ngọc.

0:00 / 0:00

Với Phương Hoài Tâm và Phương Hồng Ngọc thì là tái xuất hiện trên sân khấu sau nhiều năm vắng bóng.

MC Nam Lộc cho biết là Trung tâm Asia có mời Phương Hồng Hạnh nhưng Phương Hồng Hạnh nhất định không ra sân khấu nữa.

Ba ca sĩ kể trên xuất hiện bên nhau trong chương trình Asia DVD 55 với ca khúc “Chiều làng em” …

Tiết mục này được khán thính giả đón nhận nhiệt tình nên Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Quế và Phương Hồng Ngọc được Trung tâm Asia đặt tên là “Nhóm Tam Phương” để tiếp tục trình diễn trong các chương trình kế tiếp của Asia.

Về việc ca hát của các ca sĩ này, chắc người biết nhiều hơn cả, là nhạc sĩ Nguyễn Đức vì chính ông đã đào tạo ra các tiếng hát ấy.

Sau khi xem thấy nhóm Tam Phương trong chương trình ca nhạc của trung tâm Asia, Thy Nga điện thoại sang Toronto, hỏi chuyện nhạc sĩ Nguyễn Đức, trước tiên là về cảm nghĩ của ông lúc thấy học trò cũ của mình hát với nhau như thế.

Thưa cô Thy Nga, tôi … cái buồn và cái vui, nó lẫn lộn, và có thể nói rằng có một lần, nước mắt tôi cũng lưng tròng, là khi tôi nhìn lại ba em đó hát, giống như hồi khi xưa mà tôi đã chỉ dẫn cho các em từng lời, từng hơi thở để mà hát được ra những tiếng hát tốt cho người nghe. Tôi rất lấy làm xúc động.

Vui, rất vui nhìn lại ba phong cách trình diễn của ba em họ Phương, tôi thấy tiếng hát vẫn còn mượt mà, vẫn còn kỹ thuật mà hồi xưa, tôi đã hướng dẫn, chỉ bảo.

Khán giả nhiệt tình vỗ tay, cổ võ, điều đó làm cho tôi rất vui mừng vì khán thính giả vẫn còn yêu mến ba ca sĩ họ Phương trong đại gia đình văn nghệ của tôi. Tôi nghĩ là họ cũng vẫn muốn thấy và nghe hát như hồi xưa đã từng nghe vậy.

Thy Nga : Đối với khán thính giả trẻ thì ông thấy sự đón nhận như thế nào?

có ưa thích các giọng ca cũ như vậy không?

Nhạc sĩ Nguyễn Đức : Người ta chắc có lẽ cũng quý và vẫn thích những tiếng hát mà có kỹ thuật cao, thứ nhất là cái phong cách trình diễn rất tốt. Tôi nghĩ rằng người ta dành sự ưu ái đó cho "Tam Phương".

Thy Nga : Theo như ông là người đào tạo, tức là chuyên về kỹ thuật thì chắc hẳn, các làn hơi của họ không bằng như hồi trước, phải không ạ.

Nguyễn Đức : Tôi thấy rằng ba em đó hát, giọng cũng còn rất khỏe, rất tốt.

Cái duyên dáng, tôi thấy là ba cô này mặc dù đã lớn tuổi rồi nhưng mà nhìn lại thì khó ai đoán được số tuổi.

Thy Nga : Khi mà họ đến lớp học của ông thì họ bao nhiêu tuổi ạ?

Nguyễn Đức : Lúc đó, 9 tuổi có, 10 tuổi, 12, 13 tuổi có.

Thy Nga : Chẳng hạn với ba cô này thì ông đào tạo trong bao nhiêu lâu?

Nguyễn Đức : Có nhiều người đến học, cha mẹ họ hỏi thế này: Con tôi bao lâu mới thành công? Tôi nói: Cái đó nên hỏi cháu, là tại vì thế này: từ nơi cháu có năng khiếu hay không. Thí dụ như là ba cô đó học, thời gian học là thời gian đang phục vụ đài phát thanh và các đài truyền hình.

Mỗi lần học là kỹ thuật mỗi cao hơn. Cho nên, mấy cô đó, có thể nói là từ 6 tháng hoặc 1 năm và hơn nữa. Mỗi ngày đều có những bài mới cho đài phát thanh và đài truyền hình. Các em phải ở lại học để mà trình bày trên các đài luôn.

“Chim sáo ngày xưa” Phương Hồng Ngọc hát …

“Lò Nguyễn Đức” là tên mà người ta thường gọi lớp dạy hát do ông mở tại Saigon hồi đó. Các ca sĩ kể trên đến với “Lò Nguyễn Đức” khi còn bé, được ông dạy những thanh âm đầu tiên, đưa vào ban Việt Nhi trên đài phát thanh, chăm sóc và dìu dắt trên bước đường ca hát.

Một số ca sĩ do ông đào tạo, mang nghệ danh khởi đầu bằng Phương. Về chuyện này, nhạc sĩ Nguyễn Đức giải thích:

Dạ, cái đó thì ai cũng thắc mắc, luôn cả mấy đứa học trò mang họ Phương nó cũng thắc mắc, và mãi tới nay, có nhiều đứa chưa biết. Như thế này: Hồi khi xưa, có một em tên Phương 12 tuổi, đẹp lắm và hát rất hay. Tôi rất mến em đó. Một hôm, em đó xin phép đi về Đà Lạt thăm bố mẹ trong vòng hai tuần, sẽ trở lại. Nhưng không dè, chừng một tuần thì cha mẹ nó cho biết là nó đã mất vì bệnh thương hàn.

Tôi thương nó nên tôi muốn là những em nào xuất thân trong giai đoạn đó, thì sẽ mang họ Phương.

Một số các em sau khi học xong lớp nhạc của tôi, xin “Phương” làm cái họ để kỷ niệm những ngày học với tôi, những ngày hát được thành công của các em, muốn mượn cái tên để làm kỷ niệm. Tôi sẵn sàng cho các em đó có tên Phương đứng đầu.

Học trò đầu tiên mang tên Phương, là Phương Hoài Tâm.

Sau này thì có Phương Minh Nguyệt, Phương Thảo Ngọc, Phương Diễm Hạnh, Phương Hồng Diễm Mai nữa …

Thy Nga : Các học trò cũ có giữ liên lạc với ông không?

Nguyễn Đức : Dạ thưa, vẫn liên lạc và thân mật. Tôi thấy ngày càng gần nhau nhiều hơn. Có lẽ vì tuổi đời tôi xế chiều cho nên vào giờ chót, các em đứa nào cũng mến tôi. Và tôi cũng vậy, mỗi lần mà tôi nghe các em hát trong dĩa hát hoặc DVD thì … xin lỗi cô Thy Nga, tôi khóc đó.

Thy Nga : Biến cố tháng Tư 1975 xảy tới, cuộc sống của nhạc sĩ Nguyễn Đức bị đảo lộn, như bao nhiêu người khác.

Tới năm 1991 thì ông cùng gia đình sang Canada định cư ở Toronto. Chỉ một thời gian ngắn (là không đầy hai năm), ông bắt tay vào việc mở lớp dạy nhạc.

Lớp này đến lớp khác, từ trong nước ra hải ngoại, số nhạc sinh là bao nhiêu, ông không nhớ nổi, chỉ biết là rất nhiều.

Học trò cũ gọi ông một cách thân tình là “Anh Hai Nguyễn Đức”.

Họ thỉnh thoảng điện thoại hỏi han sức khỏe, và khi có dịp đến Toronto thì lại thăm ông, như Phương Hồng Quế mỗi lần sang Toronto hát, đều không quên tới thăm thày.

Vào tháng 5 năm ngoái, nhân sinh nhật nhạc sĩ Nguyễn Đức,

Phương Hồng Quế đã cùng Phương Hồng Ngọc phối hợp với các học trò của ông ở Canada, tổ chức buổi vinh danh Thày.

Cuộc họp mặt này của “đại gia đình văn nghệ Nguyễn Đức” còn có Thanh Lan, Hoàng Oanh, và Kim Loan từ Đức sang.

“Chúc Xuân” nhạc bản của Thanh Sơn, Nhóm Tam Phương trình bày …

Về cuộc sống của “Tam Phương” thì Phương Hoài Tâm rời Việt Năm năm 75 sang định cư ở Mỹ. Tới năm 88, mở cơ sở về thẩm mỹ, và kinh doanh mỹ phẩm ở San Jose.

Phương Hồng Ngọc sang Pháp năm 85. Tới năm 89, qua Mỹ sinh sống tại Houston, Texas.

Phương Hồng Quế qua Mỹ tháng 3, 1991 định cư tại vùng Quận Cam làm dịch vụ lữ hành, địa ốc, mở tiệm bán hoa, …

Và khi chương trình này đến với quý thính giả thì hai tiếng đồng hồ nữa, Phương Hồng Quế sẽ đóng góp tiếng hát trong đại nhạc hội gây quỹ giúp thương binh và quả phụ Việt Nam Cộng Hòa, tổ chức tại Quận Cam, thủ phủ của người Việt tỵ nạn.

“Giờ này anh ở đâu” …

Thy Nga xin kết thúc chương trình, và hẹn tái ngộ quý thính giả vào kỳ tới.

“Giờ này anh ở đâu” …