Phe áo vàng phe áo đỏ
Thái Lan bị lâm vào tình trạng bất ổn chính trị khó có lối thoát kể từ năm 2006, khi quân đội thực hiện cuộc đảo chánh không đổ máu và lọai Thủ tướng Thaksin Shinawatra vốn được lòng dân nghèo ở thôn quê và thành thị. Và từ mùa Thu năm ấy tới nay, xứ Chùa Vàng hầu như triền miên thúc thủ trước sự khống chế của tình trạng được xem là đám đông phe phái – hết “phe áo vàng” chống Thaksin tới phe “phe áo đỏ” ủng hộ cựu thủ tướng này.
Thái Lan bị lâm vào tình trạng bất ổn chính trị khó có lối thoát kể từ năm 2006, khi quân đội thực hiện cuộc đảo chánh không đổ máu và lọai Thủ tướng Thaksin Shinawatra vốn được lòng dân nghèo ở thôn quê và thành thị
Sau 3 năm chia rẽ và hiềm khích chính trị, cùng những hành động quá khích kèm theo, chẳng hạn như “phe áo vàng” chiếm đóng hai phi trường quốc tế và quốc nội ở Bangkok hồi cuối năm ngoái khiến ảnh hưởng nặng đến kinh tế và uy tín Thái Lan trên trường quốc tế.
Và “phe áo đỏ” mới đây làm gián đọan hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Pattaya, hiện vẫn không có phe nào đạt được thắng lợi quyết định, khiến cái vòng lẩn quẩn hiềm thù đó có nguy cơ tiếp diễn khó lường.
Thậm chí trong thời gian gần đây, một số chuyên gia nổi tiếng ở Bangkok nhiều lần đề cập tới nguy cơ nội chiến.
Theo sử gia nổi tiếng của Thái Lan, ông Charnvit Kasetsiri, thì cơn chấn động chính trị có thể lắng dịu trong lúc này, nhưng tình trạng căng thẳng âm ỷ giữa đa số dân quê ủng hộ ông Thaksin và tầng lớp thị dân ăn trên ngồi trốc được quân đội hậu thuẫn chính là nguyên nhân chủ chốt khiến xứ Chùa Vàng bất ổn ngày càng đáng ngại.
Sự thống trị của đám đông hỗn tạp
Tờ Financial Times của Anh số ra hôm thứ Tư có bài tựa đề tạm hiểu là “Thái Lan bị rơi vào sự thống trị của đám đông hỗn tạp”,với đọan nhận xét rằng căn nguyên của sự bất ổn dai dẳng hiện giờ là do giai cấp cai trị Thái Lan hoàn toàn thiếu khả năng thích ứng với ảnh hưởng chính trị của những người ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin.

Các phân tích gia cho rằng mặc dù vị thế của đương kim Thủ tướng Abhisit Vejjajiva được củng cố sau khi ông thành công trong việc ngăn chận phong trào biểu tình, nhưng hiện ông Abhisit phải đương đầu với trọng trách lớn lao là tạo sự đoàn kết quốc gia, nhất là phải chú trọng giải quyết những than phiền của nhóm “áo đỏ” vẫn còn luyến tiếc cựu Thủ tướng Thaksin.
"Thái Lan bị rơi vào sự thống trị của đám đông hỗn tạp",với đọan nhận xét rằng căn nguyên của sự bất ổn dai dẳng hiện giờ là do giai cấp cai trị Thái Lan hoàn toàn thiếu khả năng thích ứng với ảnh hưởng chính trị của những người ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin.
Financial Times của Anh
Theo GS Thitinan Pongsudhirak, nhà phân tích chính trị nổi tiếng của Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, thì phong trào “áo đỏ” có thể lắng dịu trong lúc này, nhưng nhiệt huyết của họ vẫn còn đó và thậm chí lan rộng, với những yêu sách chính là đòi hỏi công lý xã hội cùng sự chia phần công bình hơn giữa phe “ăn trên ngồi trốc” trụ sở ở Bangkok và giới dân nghèo ở nông thôn và thành thị.
Tạp chí The Economist với bài tựa đề bóng bẩy là “Không có đèn xanh”, mà chỉ có “áo vàng” và “áo đỏ”, cảnh báo rằng nền chính trị xứ Chùa Vàng đang trở thành một cuộc đấu đá trả hận thù, và đợt biểu tình bạo động vừa rồi ở đường phố Bangkok có thể đưa sự thù hận xem chừng như vô tận trên chính trường Thái Lan tới một mức độ mới nguy hiểm hơn.
Phản ứng thái quá rất dễ xảy ra khi không tôn trọng bầu cử
Qua mục Diễn Đàn Kinh Tế vừa rồi trên làn sóng Đài ACTD, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, cũng là nhà phân tích thời cuộc sâu sắc, nhận định rằng:
“…hố sâu giàu nghèo có thể dẫn tới phản ứng tạm gọi là ‘đấu tranh giai cấp’. Dân nghèo tại nông thôn thì tin tưởng – và vì vậy biểu tình ủng hộ - ông Thaksin, trong khi thành phần khá giả tại đô thị thì nhân danh hoàng gia đòi tiêu diệt ảnh hưởng của phe Thaksin mà họ kết tội là ‘khi quân’ ”… “Ngày nay, thay vì tôn trọng dân chủ và kết quả bầu cử, cả hai phe đều huy động quần chúng để tác động vào chính trường nên những phản ứng thái quá rất dễ xảy ra”.
Theo kinh tế gia Danny Richards thuộc Cơ quan Tình báo Kinh tế, thì vì không có phe nào chiếm ưu thế vượt trội, nên họ lại triệt hạ lẫn nhau khiến xứ Chùa Vàng tiếp tục từ thái cực này rơi sang thái cực khác.
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa nhận xét thêm rằng:
Ô. N.X.Nghĩa: “…
sự phá sản của các thành phần lãnh đạo, từ các tướng lãnh đến chính khách, có thể khiến xứ này loạn to trong thời gian tới, thậm chí, chế độ Quân chủ của Thái sẽ bị lung lay”.
Theo các nhà phân tích thì kịch bản rất có thể diễn ra là đương kim Thủ tướng Abhisit Vejjajiva duy trì được quyền lực trong lúc này, nhưng tình trạng bế tắt chính trị ở Thái Lan vẫn không có lối thoát, khi phe “áo đỏ” kiên quyết áp lực chính phủ cho tổ chức cuộc tuyển cử mới, vì cho rằng nội các Abhisit lên cầm quyền qua con đường bất chính và nhờ sự hậu thuẫn của quân đội.
Rồi một khi diễn ra cuộc bầu cử mới, phe thân Thaksin rất có thể trở lại nắm quyền vì vị cựu Thủ tướng này hiện vẫn còn được đông đảo cư tri mến mộ. Chừng đó, phe quân đội, giới tư pháp và đám đông hỗn tạp “áo vàng” có thể sẽ lại ra sức gây phương hại cho chính quyền thân Thaksin.
Theo kinh tế gia Danny Richards thuộc Cơ quan Tình báo Kinh tế, thì vì không có phe nào chiếm ưu thế vượt trội, nên họ lại triệt hạ lẫn nhau khiến xứ Chùa Vàng tiếp tục từ thái cực này rơi sang thái cực khác.