Cuộc phỏng vấn cuối cùng với Nhà thơ Lê Đạt
2008.04.22
Nhà thơ Lê Đạt là một thành viên đầu tiên cùng với Hoàng Cầm sáng lập tờ Giai Phẩm Mùa Xuân năm vào tháng 1 năm 1956.
Mặc Lâm có cuộc phỏng vấn với ông vào tháng trước khi nhà thơ chưa ngã bệnh và đây có thể là âm thanh cuối cùng của nhà thơ được phát đi trên các luồng sóng truyền thông. Đài Á Châu Tự Do phát bài phỏng vấn cuối cùng như một lời chia buồn đến gia đình nhà thơ về sự mất mát này.
Người tài cần phải được trọng dụng
Mặc Lâm: Kính thưa nhà thơ Lê Đạt, mới đây báo Tia Sáng Online có đăng bài viết của ông với chủ đề có nên trải thảm đỏ để chào đón nhân tài hay không. Xin ông cho biết từ những nguyên nhân nào khiến ông từ một nhà thơ lại bước qua lĩnh vực xã hội như vậy, thưa ông?
Nhà thơ Lê Đạt: Tôi đã nói ở trong bài ấy rồi, như thế là mình vừa thừa vừa thiếu. Nhân tài trong nước thì nhiều nhưng mình phải dùng được họ thì mới nhiều chứ nếu không dùng được họ thì vẫn thiếu. Cũng như người ta thường nói đất nước buồn nhất là đất nước thừa quặng mà thiếu mỏ. Người tài phải được sử dụng thì mới trở thành giá trị xã hội, chứ nếu không được sử dụng thì chỉ phí đi thôi.
Mặc Lâm: Thưa ông câu hỏi thường gặp trong xã hội hiện nay là lấy thước đo nào để thẩm định được tài năng của một người để biết tài năng của họ, khi mà hiện nay bằng cấp không còn được tin cậy tuyệt đối?
Nhà thơ Lê Đạt: Mình phải xác định cái cần của mình, mình cần gì? đừng nói chung chung vì không có tài năng chung chung đâu. Những người tài giải quýêt những nhu cầu gì thì mình phải xác định nhu cầu thì mới tìm ra người tài. Khi xác định được nhu cầu rồi thì mình nghĩ ra cách mơì người ta về chứ mình cứ nói tài chung chung thì chẳng dùng vào được việc gì cả.
Mặc Lâm: Có ý kiến cho rằng việc thu dụng người tài thật sự ở Việt Nam vẫn chưa thỏa đáng. Theo ông thì ý kiến này có chính xác hay không? Và nếu muốn thay đổi cung cách này thì phải làm gì?
Nhà thơ Lê Đạt: Vấn đề đó rất đơn giản chứ chẳng cần trải thảm đỏ gì cả. Mình cứ gặp họ mình nói chuyện thực tế và ký hợp đồng mời họ về thế thôi. Với những điều kiện cụ thể hai bên thỏa thuận, đó là vấn đề cụ thể chứ nói trải thảm đỏ thì là rất văn chương.
Trải thảm đỏ tức là cái gì? tức là mình kính trọng họ chứ bây giờ chúng ta thường nghĩ rất sai lầm là mình nghĩ vấn đề tiền! Không phải đâu. Những người tài thật sự không phải họ nghĩ đến tiền nhưng mình phải kính trọng họ. Việc kính trọng họ là quan trọng. Tạo điều kiện cho họ làm việc cái đấy quan trọng hơn tiền nong.
Tôi thấy vấn đề này nếu nói rằng chúng ta chưa có tiền nên không mời người tài là rất sai lầm. Những người tài năng thật sự không phải mình trả tiền là mình chiếu cố cho họ mà mình trả tiền cho họ để họ có điều kiện phục vụ đất nước thôi chứ chẳng phải là đắt đỏ gì và cũng đừng nên nghĩ là mình chiếu cố họ.
Mặc Lâm: Theo như ông nói thì xem ra rất đơn giản nhưng cho tới nay tại sao Việt Nam vẫn chưa thành công trong việc tiếp đón nhân tài làm việc cho đất nước thưa ông?
Nhà thơ Lê Đạt: Tại vì chúng ta chưa cần họ, chưa thật cần họ. Mình nói mình yêu mến họ nhưng mình có thật cần họ chưa? Nếu cần họ thì rất đơn giản, các bộ, các cơ quan nào cần và cần gì cụ thể thì đề ra rồi tìm người rồi đặt vấn đề trao đổi với họ, trao đổi rất lễ phép đôi khi chẳng cần phải tốn tiền gì cả.
Tâm lý lãnh đạo
Mặc Lâm: Thưa, cũng có nhận xét rằng sở dĩ tình trạng chậm chạp xảy ra là vì lãnh đạo của các cơ quan cấp cao có tâm lý đố kỵ vì sợ mất ghế hay mất uy tín cá nhân, ông nhận xét thế nào về điều này thưa ông?
Nhà thơ Lê Đạt: Cái đó cũng có, cái đó cũng có. Tại vì anh chưa thấy cần mà cần là cần cho đất nước chứ không phải cần cho bản thân một vài ông lãnh đạo, cái đó là sai lầm. Đất nước cần là tại vì những người lãnh đạo được nhân dân giao phó cho việc tìm người tài và làm cho đất nước phát triển. Đó là nhiệm vụ chứ.
Anh nên chú ý đến câu tôi viết là mỗi bên có một nghĩa vụ. Người tài có nghĩa vụ đem hết tài năng của mình ra cống hiến đất nước. người quản lý với tư cách được nhân dân ủy quyền thì phải bận tâm lo lắng săn tìm người tài và tạo điều kiện cho họ giúp nước.
Cả hai bên, bên người tài và bên quản lý cũng đều phải trả lời trước lương tâm và đất nước về cái nghĩa vụ của mình.
Mặc Lâm: Lại cũng có trường hợp thực tế là khi thu nhận người tài về thì công ty quốc doanh hay cơ quan nhà nước không cung cấp nổi phương tiện làm việc như máy móc, nguyên vật liệu cho thí nghiệm hay nghiên cứu. Câu hỏi này phải được giải quyết bằng cách nào?
Nhà thơ Lê Đạt: Mình phải tạo điều kiện cho họ tối đa mình có thể chứ không phải tạo nên điều kiện lý tưởng khi mình cần họ. Chúng ta chưa hiểu gì về người trí thức cả. Họ không phải đòi hỏi quá nhiều điều kiện đâu. Họ chỉ đòi hỏi điều kiện tối thiểu để làm việc được để giúp nước được. Mình đừng nghĩ phải nhiều tiền, phải đầy đủ phương tiện vật chất họ mới về. Cái đó là sai lầm. Một quan niệm sai lầm.
Mặc Lâm: Xin cứ tạm đồng ý rằng họ có thể làm việc theo tình trạng hiện có của đất nước trong khi chờ đợi kinh tế nước nhà khá hơn. Thế nhưng còn cơ chế thì sao?
Nhà thơ Lê Đạt: Cái cơ chế thì phải lâu dài, vì thế mình phải ký hợp đồng. Bây giờ anh về anh cần cái gì và tôi cần anh cái gì phải có hợp đồng cụ thể. Cái đó là cái quan trọng nhất đề sử dụng người tài. Nó phải cụ thể và mình phải kính trọng họ.
Họ không phải là người đi làm thuê. Cái quan trọng nhất là mình phải kính trọng họ. Mình phải thấy cái cần của mình, và cái cần của họ mình phải tạo điều kiện. Tôi vẫn thấy nhà nước chưa thấy việc cần cụ thể.
Mặc Lâm: Nếu tập trung chú ý quá nhiều về tài năng ở nước ngoài thì có thể gây ra những bất công đối với nhân tài trong nước. Ông nghĩ sao về việc này thưa ông?
Nhà thơ Lê Đạt: Tôi nói tài năng nói chung cho cả người tài trong nước và người tài ở ngoài nước chứ không phải chỉ ở ngoài nước mới có người tài. Ở trong nước cũng rất nhiều người tài nhưng mình chưa sử dụng hết.
Ta nói trải thảm đỏ nhưng ta chưa trải thảm đỏ gì cả. Cái thảm của chúng ta hình như có rách rưới gì đấy. Nói là một chuyện nhưng từ nói đến làm là một việc rất quan trọng.
Mặc Lâm: Vâng xin được cám ơn nhà thơ.
(Quý vị vừa nghe những âm thanh cuối cùng của nhà thơ Lê Đạt nói về những suy nghĩ của ông trước việc trải thảm đỏ chào đón nhân tài của chính quyền hiện nay. Tưởng cũng xin nhắc lại nhà thơ Lê Đạt vừa qua đời vào sáng hôm qua tại Hà Nội.)