Thành phố HCM cho thành lập 5 văn phòng thừa phát lại

Sở Tư Pháp thành phố Hồ Chí Minh vừa chấp thuận cho thành lập 5 văn phòng thừa phát lại, được gọi là 5 thí điểm chế định thừa phát lại đầu tiên trên cả nứơc.

0:00 / 0:00

Thanh Trúc: Thưa Luật sư Cù Huy Hà Vũ, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vừa cấp phép thành lập năm văn phòng Thừa phát lại, những tổ chức đầu tiên thuộc loại hình này ở Việt Nam , theo đề nghị của Sở Tư pháp thành phố . Vậy xin Luật sư cho biết…

CuHuyHaVu-150.jpg
Luật sư Cù Huy Hà Vũ. RFA file photo (RFA file photo)

Để tìm hiểu ý kiến của một ngừơi trong ngành lật tại Việt Nam, Thanh Trúc hỏi chuyện tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ về vấn đề đó:

LS Cù Huy Hà Vũ: Xin lỗi, chị vừa nói văn phòng gì?

Thanh Trúc: Văn phòng Thừa Phát Lại, thưa Luật sư.

LS Cù Huy Hà Vũ : Nhưng theo tôi Thừa phát lại không có nghĩa.

Thanh Trúc: Trứơc nay ngừơi ta vẫn gọi là thừa phát lại?

LS Cù Huy Hà Vũ: Người Việt mình hay nói theo thói quen, nghĩa là không cần biết khái niệm mà mình xướng lên có nghĩa , có logic hay không.

Trong khái niệm “thừa phát lại” thì “lại” có nghĩa là viên chức sơ cấp như trong châm ngôn”quan tham lại nhũng”. Vấn đề là ở chỗ “thừa phát”.

“Thừa” có nghĩa là “thừa ủy quyền”, còn “phát” có lẽ mọi người hiều là hành vi “tống đạt” mà trong trường hợp này là “tống đạt” văn bản của Tòa án cho đương sự. Nhưng như vậy thì vô nghĩa vì không ai lại thừa ủy quyền của hành vi, thừa ủy quyền của “tống đạt” cả.

Ngoài ra, không lẽ “thừa phát lại” có nghĩa tống đạt rồi mà vẫn còn thừa văn bản tố tụng dân sự thì tống đạt tiếp cho đương sự cho chắc ăn?

Thanh Trúc: Vậy theo Luật sư thì phải gọi là thế nào ạ ?

LS Cù Huy Hà Vũ: Theo tôi phải gọi "thừa pháp lại" mới đúng. Thực vậy, trong "thừa pháp lại", thì "pháp" là pháp luật nói chung, tòa án nói riêng. Vậy "thừa pháp lại" là viên chức thừa ủy quyền của luật pháp nói chung, thừa ủy quyền của tòa án nói riêng để thực hiện một số công việc của tố tụng dân sự như tống đạt văn bản của tòa án, lập vi bằng, tức lập biên bản xác nhận những sự kiện, hành vi, xác minh điều kiện thi hành án…

Thanh Trúc: Vâng, nhưng ở đây xin cứ gọi là Thừa Phát Lại như mọi ngừơi vẫn dùng. Thưa ông, tại sao ở miền Bắc sau năm 1954 và ở miền Nam sau năm 1975 thì vai trò Thừa Phát Lại không còn tồn tại?

LS Cù Huy Hà Vũ: Lý do là ý thức hệ cộng sản theo đó tư nhân không được quyền tham gia một cách riêng rẽ vào đời sống chính trị, kinh tế, xã hội... Do Thừa Phát Lại là hoạt động tư nhân, văn phòng thừa phát lại là tổ chức tư nhân nên dĩ nhiên thừa phát lại không thể tồn tại dưới chế độ cộng sản hay "xã hội chủ nghĩa".

Ngoài ra, cũng do ban lãnh đạo cộng sản đã không tách bạch được vai trò quản lý của nhà nước với hoạt động hỗ trợ mà ta gọi là “dịch vụ công”.

Bây giờ khi hiểu ra, hay nói đúng hơn là do ngân sách Nhà nước không kham nổi dịch vụ công trong mọi lĩnh vực, trên mọi địa bàn nữa thì ban lãnh đạo cộng sản mới phải “tư nhân hóa” dịch vụ công trong đó có “thừa phát lại”.

Thanh Trúc: Vậy trước đó thì công việc của Thừa phá t lại do ai đảm trách?

LS Cù Huy Hà Vũ: Lẽ dĩ nhiên là do Nhà nước đảm trách. Cụ thể là việc tống đạt các văn bản của tòa án, việc điều tra, xác minh các vụ việc dân sự vẫn do tòa án tiến hành có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương mà ở đây là các cán bộ đặc trách tư pháp cấp phường, xã, các phòng tư pháp của quận, huyện…việc thi hành án dân sự do cơ quan thi hành án dân sự trực thuộc Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đảm trách.

Tuy nhiên công việc của Thừa pháp lại đa dạng hơn vì còn bao gồm lập vi bằng, thậm chí tổ chức thi hành án dân sự , tức đóng vai trò của cơ quan thi hành án dân sự thuộc biên chế Nhà nước.

Thanh Trúc: Thưa Luật sư, ông có thể cho biết nội dung công việc của Thừa phát lại trong giai đoạn thí điểm hiện nay?

LS Cù Huy Hà Vũ: Theo Nghị định số 61 ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ thì việc thí điểm Thừa pháp lại chỉ thực hiện ở thành phố Hồ Chí Minh.

Thừa phát lại có bốn loại công việc. Một là tống đạt văn bản của cơ quant hi hành án dân sự và của tòa án. Hai là lập vi bằng. Ba là xác minh điều kiện thi hành án dân sự . Và bốn là trực tiếp thi hành bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự.

Thanh Trúc: Vậy ai có thể làm Thừa pháp lại, ai có thể cấp phép thành lập văn phòng Thừa pháp lại?

LS Cù Huy Hà Vũ: Người muốn làm Thừa phát lại hoặc lập Văn phòng Thừa pháp lại trước hết phải là công dân Việt Nam, rồi phải có bằng cử nhân luật, đã công tác trong ngành pháp luật trên 5 năm hoặc đã từng là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư; Chấp hành viên, Công chứng viên, Điều tra viên từ trung cấp trở lên, không kiêm nhiệm hành nghề Công chứng, Luật sư, phải có chứng chỉ hoàn thành lớp tập huấn về nghề Thừa phát lại do Bộ Tư pháp tổ chứcvà đặc biệt không có tiền án.

Thừa phát lại do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh. Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cấp phép thành lập văn phòng Thừa phát lại trên cơ sở thẩm định của Sở Tư pháp thành phố.

Thanh Trúc: Thưa Luật sư, tại sao Thừa phá t lại phải đáp ứng điều kiện không có tiền án trong khi Luật sư thì không?

LS Cù Huy Hà Vũ: Đơn giản là Luật sư không làm công việc của Tòa án hay của cơ quan thi hành án dân sự trong khi Thừa pháp lại thực hiện công việc của mình trên cơ sở ủy quyền của Tòa án hoặc của Nhà nước trong trường hợp thi hành án dân sự. Nghĩa là Thừa pháp lại hoạt động như viên chức ngành tư pháp và vì vậy không thể là cựu tội phạm.

Thanh Trúc: Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính phát biểu rằng việc Nhà nước Việt Nam cho phép thành lập các văn phòng Thừa pháp lại là nhằm mục đích "xã hội hóa" một số hoạt động của các cơ quan tư pháp, Thừa pháp lại được trao quyền lực Nhà nước rất lớn, có giá trị pháp lý cao, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người dân và do vậy các văn phòng Thừa pháp lại phải hoạt động rất thận trọng, chặt chẽ và đúng luật. Luật sư nghĩ sao về phát biểu này của ông Chính?

LS Cù Huy Hà Vũ: Phải nói thẳng là ngoại trừ yếu tố độc tôn của đảng cộng sản, đồng nghĩa phủ nhận vai trò của tư nhân, thì Việt Nam nói đúng hơn là đang phát triển tư bản chủ nghĩa với việc nhà nước tập trung vào chức năng quản lý xã hội còn chức năng sản xuất và dịch vụ thì chuyển dần cho tư nhân.

Trong lĩnh vực tư pháp thì sự ra đời của các tổ chức hành nghề luật sư lấy bảo vệ lợi ích hợp pháp của thân chủ làm mục đích thay cho các luật sư “công chức hóa” hay “quốc doanh”, đặt ệ chế độ lên trên lợi ích của thân chủ cùng với sự ra đời của các phòng công chứng tư nhân phá bỏ độc quyền của Nhà nước trong lĩnh vực công chứng là những bằng chứng rõ ràng về Việt Nam “diễn biến hòa bình” từ chủ nghĩa xã hội sang chủ nghĩa tư bản.

Tư nhân hóa dịch vụ công trong lĩnh vực tố tụng dân sự dưới hình thức Thừa pháp lại càng khẳng định “diễn biến hòa bình” là xu thế không thể đảo ngược.

Tuy nhiên do xung đột lợi ích giữa đảng cộng sản và quốc gia nên quan chức Việt Nam nói chung, thứ trưởng Chính nói riêng vẫn phải luôn né tránh thuật ngữ “tư nhân hóa” và thay vào dó thuật ngữ “xã hội hóa”. Thế nhưng những quan chức cộng sản này lại không hiểu được rằng “xã hội hóa” là “xã hội chủ nghĩa hóa” viết gọn, đồng nghĩa với quốc hữu hóa hay ngược 180 độ với tư nhân hóa

Mặc dầu vậy, tôi cũng đồng ý với Thứ trưởng Chính là hoạt động Thừa pháp lại cần được Nhà nước giám sát rất chặt chẽ bởi tư nhân mà được trao quyền lực Nhà nước thì rất dễ lạm quyền, không chỉ gây thiệt hại cho người dân mà còn cho chính cả Nhà nước.

Thanh Trúc: Xin cảm ơn luật sư Cù Huy Hà Vũ về thời giờ ông dành cho bài phỏng vấn này.