Ngày 3/10 tại Diễn Đàn Doanh Nghiệp-Ngân Hàng-Chứng Khoán tổ chức tại Hà Nội, Hiệp Hội Doanh Nghiệp vừa-và-nhỏ đưa ra cảnh báo rằng 20% doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, 60% đang khó khăn đình trệ và chỉ có 20% số doanh nghiệp là thích nghi với lạm phát, thậm chí tìm được cơ hội phát triển ngay trong thời kỳ lạm phát.
Ông Lý Đình Sơn Phó Chủ Tịch Hiệp Hội nhận định rằng, các doanh nghiệp vừa-và-nhỏ ở VN chịu tác động mạnh nhất đối với tình trạng lạm phát. Theo Vietnam Net, Ông Sơn so sánh các doanh nghiệp vừa-và-nhỏ như những ngôi nhà yếu, ít được phòng bị nên khi cơn bão lạm phát ập đến đã bị tàn phá nặng nề.
Nguyên nhân phá sản
Trong số hơn 60 ngàn doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, khoảng một nửa đã thực sự ngừng hoạt động hoặc chuyển hướng. 30 ngàn doanh nghiệp còn lại đang ở trong tình trạng đầy khó khăn chịu tác động lạm phát.
Ông Cao Sĩ Kiêm
Ngay từ đầu tháng 8, nhiều chuyên gia kinh tế trong đó có TS Lê Đăng Doanh ở Hà Nội từng đưa ra nhận định rằng hạn chế tín dụng làm cho các doanh nghiệp ít tiếp cận được với nguồn vốn vay, điều này làm cho nhiều doanh nghiệp khó có khả năng hoạt động.
Ngoài ra trong thời kỳ lạm phát chi phí đầu vào tăng cao cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Đó là chưa kể tình trạng những doanh nghiệp vừa-và-nhỏ khó tiếp cận nguồn ngoại tệ, gặp khó khăn trong lãnh vực xuất nhập khẩu. TS Lê Đăng Doanh tiếp lời:
“Một số chuyên gia đánh giá rằng có thể vào cuối năm 2008 đầu năm 2009, lúc đó cũng lại rất gần với Tết Âm Lịch năm nay đến sớm, thì có thể có một số doanh nghiệp nhỏ-và-vừa sẽ không còn đủ sức để tiếp tục duy trì. Tôi nghĩ là tình huống đó có thể xảy ra.
Vì vậy tôi rất mong chính quyền các địa phương và các cơ quan nên đặc biệt lưu ý đến các doanh nghiệp nhỏ-và-vừa, là các doanh nghiệp đang tạo phần lớn công ăn việc làm cho người lao động để duy trì được nguồn thu nhập cho người lao động, để cho họ có thể vượt qua được những khó khăn trước mắt này.”
VN có khoảng 350.000 doanh nghiệp, 90% là doanh nghiệp vừa-và-nhỏ theo số liệu cuối tháng 8/2008 của Bộ Kế Hoạch Đầu Tư. Như vậy con số doanh nghiệp trên bờ vực phá sản theo Hiệp Hội Doanh Nghiệp vừa-và-nhỏ vào khoảng hơn 60 ngàn.
Tại Diễn Đàn Hà Nội ngày 3/10, ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ Tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp vừa-và-nhỏ đã bổ túc thông tin này một cách chi tiết, ông Kiêm cho rằng trong số hơn 60 ngàn doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, khoảng một nửa đã thực sự ngừng hoạt động hoặc chuyển hướng. 30 ngàn doanh nghiệp còn lại đang ở trong tình trạng đầy khó khăn chịu tác động lạm phát. Ông Kiêm cho rằng các doanh nghiệp vừa nói sẽ chỉ cải thiện được tình hình nếu các chính sách tốt hơn đến với họ.
Báo cáo Ngân Hàng Nhà Nước
Ông Cao Sĩ Kiêm nhấn mạnh rằng, con số 60 ngàn doanh nghiệp có thể phá sản là đáng tin cậy, do được tính toán và dự đoán trên diễn biến thực tế, dựa vào nhiều nguồn kể cả số liệu từ địa phương, cập nhật thường xuyên.
Tôi rất mong chính quyền các địa phương và các cơ quan nên đặc biệt lưu ý đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, là các doanh nghiệp đang tạo phần lớn công ăn việc làm cho người lao động để duy trì được nguồn thu nhập cho người lao động, để cho họ có thể vượt qua được những khó khăn này.
TS Lê Đăng Doanh
Những cảnh báo đầy quan ngại được đưa ra tại cuộc hội thảo 3/10, được mô tả là hoàn toàn khác với báo cáo chính thức của Ngân Hàng Nhà Nước phổ biến trước đó 3 ngày.
Theo đó Ngân Hàng Nhà Nước nói là đã khảo cứu hơn 163.000 doanh nghiệp và kết quả cho thấy chỉ có 3,8% doanh nghiệp gặp khó khăn và khoảng 1,4% doanh nghiệp có khả năng mất vốn.
Ngay sau khi thông tin này được phổ biến, ông Cao Sĩ Kiêm Chủ Tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp vừa-và-nhỏ đã thẳng thắn phản bác.
Ông Cao Sĩ Kiêm từng là Thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước và ông đã mạnh dạn phê bình cơ quan cũ của mình, là đưa ra con số không chính xác và có phần thiếu trách nhiệm.
Trong số các ý kiến để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước nguy cơ phá sản hàng loạt, ông Đỗ Tất Ngọc, Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Ngân hàng Nông Nghiệp phát triển nông thôn nhìn nhận một thực tế, những tháng đầu năm doanh nghiệp vẫn còn tiềm lực nên chấp nhận vay vốn với lãi suất cao nhất là 21%.
Hiện nay, theo ông dù lãi suất có giảm xuống tới 16% thì vẫn khó cho doanh nghiệp, vì nay vào chu kỳ sản xuất mới hoặc khởi sự các dự án trung hoặc dài hạn.
Điển hình cho các doanh nghiệp loại trung bình, ông Phạm Văn Minh, giám đốc công ty Phú An Sinh ở TP HCM, cho rằng lãi suất cho vay thí dụ là 20% thì doanh nghiệp vay vốn sẽ phải tạo ra lợi nhuận 30% sau khi đã trừ chi phí, ông Minh nói:
"Điều này không đơn giản không dễ dàng với các doanh nghiệp vừa-và-nhỏ, do đó đòi hỏi tùy thuộc vào các ngành nghề, tùy thuộc vào quản lý."
Nếu chính phủ hạ lãi suất cơ bản để tín dụng cho vay có thể giảm nhiều hơn nữa, thì sẽ đi ngược lại mục tiêu thắt chặt tín dụng chống lạm phát.
Xem ra giải pháp cứu vãn các doanh nghiệp vừa-và-nhỏ sẽ vẫn là một vấn đề mở, như lời bà Dương Thu Hương Tổng Thư Ký Hiệp Hội Ngân Hàng là làm thế nào có thể phục vụ doanh nghiệp mà vẫn bảo đảm an toàn cho hoạt động ngân hàng. Nếu cho vay dưới chuẩn, ngân hàng phá sản tác hại sẽ rất lớn.