Công bố này xếp Việt Nam vào Tier 2, bậc hai, đồng thời đưa trở lại “Watchlist” tức danh sách cần được theo dõi mà từ năm 2004 Việt Nam đã được miễn giảm nhờ những nỗ lực phòng chống. Phối hợp cùng các đặc phái viên RFA Joshua Lipes và Richard Finney, Thanh Trúc có bài tường trình từ Washington.
Nô lệ lao động và nô lệ tình dục
Việt Nam là nơi phát xuất mà cũng là điểm đến của nam giới, phụ nữ, trẻ con. Đó là những mục tiêu hay đúng hơn là những nạn nhân của tệ nạn buôn người, đặc biệt là buôn bán để cưỡng bách họ vào đường mãi dâm và lao động cưỡng bức.
Việt Nam cũng là nước đã xuất khẩu nhiều công nhân nam nữ thông qua các công ty môi giới của chính phủ hay của tư nhân, để lao động trong ngành xây dựng, đánh cá, trong các hãng xưởng do tư nhân làm chủ từ Đông sang Tây như Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia, Anh Quốc, Cộng Hoà Czech, Nga, Trung Đông. Rất nhiều công nhân Việt ra nước ngoài đã làm việc trong điều kiện tồi tệ, bị chủ bóc lột, bị bắt làm quá sức lao động của họ.
Phụ nữ Việt không chỉ bị buôn vào những đường dây gọi là kỹ nghệ mãi dâm ở tại các quốc gia khác mà chuyện này cũng xảy ra ngay tại Việt Nam. Cũng có nhiều phụ nữ Việt bị giam giữ như những nô lệ lao động chứ không chỉ là nô lệ tình dục.
Ông CDebaca
Đó là đoạn mở đầu báo cáo buôn người thường niên 2010 của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, phần nói về Việt Nam. Đó cũng là lý do khiến năm nay Việt Nam từ Tier 2, tức bậc hai các nước có vấn đề, nay bị kéo xuống xuống Tier 2 Watchlist, tức bậc hai cần được theo dõi, vị trí mà Việt Nam từng được miễn giảm từ năm 2004 do nỗ lực phòng chống nạn buôn phụ nữ, trẻ em vào đường mãi dâm.
Phát biểu với đài Á Châu Tự Do, ông CDebaca, đại sứ lưu động thuộc Cơ Quan Phòng Chống Buôn Người trong Bộ Ngoại Giao Mỹ, giải thích:
Lý do và cũng là điều rõ nhất khiến Việt Nam bị tụt xuống một bậc trong danh sách xếp hạng về vấn đề buôn người năm nay, là vì trong lúc cố tập trung vào việc kiểm tra phòng chống tệ nạn buôn phụ nữ và trẻ em vào đường mãi dâm thì Việt Nam đã khá lơ là trước thực tế là quá nhiều công nhân lao động nam nữ mà họ đưa qua nước ngoài làm việc đã bị lạm dụng sức lao động quá đáng.
Phụ nữ Việt Nam không chỉ bị buôn vào những đường dây gọi là kỹ nghệ mãi dâm ở tại các quốc gia khác mà chuyện này cũng xảy ra ngay tại Việt Nam. Cũng có nhiều phụ nữ Việt bị giam giữ như những nô lệ lao động chứ không chỉ là nô lệ tình dục.

Báo cáo thường niên về buôn người của Bộ Ngoại Giao Mỹ nhấn mạnh đến việc các công ty xuất khẩu lao động ở Việt Nam, phần lớn là của chính phủ, có thể tính phí xuất khẩu cho người muốn ra nước ngoài lao động một số tiền có thể lên tới mười ngàn đô la. Theo phúc trình, mức phí lao động quá cao này đã biến các công nhân nam nữ Việt Nam thành những kẻ nặng nợ mà hậu quả là họ phải bằng mọi cách, kể cả lao động cực nhọc và làm nhiều giờ, hầu có tiền vừa trả nợ vừa gởi về giúp cho gia đình.
Về lãnh vực buôn người vào đường mãi dâm, phúc trình của Cơ Quan Phòng Chống Nạn Buôn Người thuộc Bộ Ngoại Giao Mỹ cho thấy phụ nữ và trẻ em Việt Nam đã và đang là những đối tượng bị lường gạt vào đường mãi dâm dưới danh nghĩa đi kiếm việc làm tại khắp nơi thuộc Châu Á, như lời đại sứ CDebaca nói:
Các nạn nhân này bị bán qua những động mãi dâm bên kia biên giới Cambodia, Trung Quốc, Lào. Một số khác sau đó bị chuyển qua những động mãi dâm bên Thái Lan và bên Malaysia.
Phòng chống chưa hữu hiệu
Sau cùng, nỗ lực phòng chống và giảm thiểu nạn buôn người dưới mọi hình thức, mà Việt Nam thực hiện lâu nay, tuy chưa đáp ứng hoàn toàn tiêu chuẩn mong đợi, phúc trình kết luận, Việt Nam vẫn được coi là đã cố gắng rất nhiều. Về điều này, đại sứ CDebaca thuộc Cơ Quan Phòng Chống Buôn Người của Bộ Ngoại Giao Mỹ, bổ sung:
Công nhân lao động Việt Nam bị lôi kéo bị lạm dụng vào những hoàn cảnh lao động tồi tệ ở nước ngoài mà Việt Nam phải gánh chịu tai tiếng đó.
Ông CDebaca
Vấn đề buôn người vào đường lao động cưỡng bách ở Việt Nam cũng là vấn đề mà các quốc gia như Mỹ, như Pháp phải đương đầu. Sự phát triển nhanh chóng về kinh tế của Việt Nam biến quốc gia này thành đối tác đáng nể của Hoa Kỳ và các nước khác. Điều đáng tiếc là tiến trình phát triển nhanh chóng đó cũng làm nảy sinh tình trạng công nhân lao động Việt Nam bị lôi kéo bị lạm dụng vào những hoàn cảnh lao động tồi tệ ở nước ngoài mà Việt Nam phải gánh chịu tai tiếng đó.
Chính phủ Hoa Kỳ đang nhắm tới những buổi làm việc với chính phủ Việt Nam trong mục đích tăng cường khả năng bảo vệ người lao động, đồng thời giảm thiểu hoặc chấm dứt chuyện công nhân bị chủ bóc lột và lạm dụng để kiếm lợi.
Tưởng cần nêu rõ, trong phúc trình chống buôn người năm nay của Bộ Ngoại Giao Mỹ, Đài Loan, nước có liên hệ mật thiết với Việt Nam trong lãnh vực cô dâu và công nhân lao động, được nâng lên bậc 1,Tier1, nghĩa là hàng đầu trong chính sách chống buôn người, trong lúc Việt nam từ Tier 2 rơi xuống Tier 2 Watchlist, tức cần được theo dõi.
Theo nguyên tắc, quốc gia nào nằm trong danh sách Watchlist bị theo dõi hai năm liền thì tự động rơi xuống bậc 3, nghĩa là hạng chót, và sẽ đối diện nguy cơ bị chế tài.