
Nam Nguyên trình bày thông tin này:
EU gia hạn thuế chống phá giá
Theo tin từ Hà Nội, ngày 18/12 bà Nguyễn Phương Nga người phát ngôn Bộ Ngoại Giao VN phản ứng mạnh mẽ quyết định của EU, gia hạn thêm 15 tháng thuế chống bán phá giá đánh trên sản phẩm giày mũ da nhập khẩu từ Việt Nam. Trước đó một ngày, các đại sứ liên minh châu Âu họp ở Bruxelles, thủ đô Bỉ, đã bỏ phiếu chấp thuận việc gia hạn thuế chống phá giá mà ngành da giày Việt Nam bị áp đặt từ năm 2006 tới nay. Phía Việt Nam cho rằng, đây là một quyết định bất công, không phản ánh đúng thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng giày dép tại Việt Nam. Bà Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa hồi phục hoàn toàn, việc EU kéo dài áp thuế sẽ làm trầm trọng hơn những khó khăn của doanh nghiệp và cuộc sống người lao động Việt Nam.
Năm 2009 những tác động đó được cộng hưởng bởi khủng hoảng, còn năm 2010 giới sản xuất ngành da giày kỳ vọng sẽ phục hồi như giai đoạn 2008, và nếu có tạo đà để tăng trưởng hay không thì phải tính từ năm 2011 trở đi.
Ông Diệp Thành Kiệt, PCT HH Da Giày VN
Các nước EU tiêu thụ hơn phân nửa sản lượng giày dép xuất khẩu của Việt Nam. Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ Tịch Hiệp Hội Da Giày VN nhận định rằng, ngành da giày sẽ mất thời gian dài hơn để hồi phục:
“Doanh nghiệp da giày đã có sự chuẩn bị cần thiết, đặc biệt cần nhắm đến những thị trường mà ngành còn có điều kiện mở rộng hơn nữa, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ. Cũng không thể nói tương lai ngành da giày là xấu, thật sự trong quá khứ rất nhiều sự cố xảy đến cho ngành da giày nhưng chúng tôi vẫn có được sự phát triển. Năm 2009 những tác động đó được cộng hưởng bởi khủng hoảng, còn năm 2010 giới sản xuất ngành da giày kỳ vọng sẽ phục hồi như giai đoạn 2008, và nếu có tạo đà để tăng trưởng hay không thì phải tính từ năm 2011 trở đi.”
Đơn đặt hàng giảm
Da giày xuất khẩu bao gồm các loại giày dép, túi xách, ví, bóp nhưng mỗi khi nói tới da giày, người ta nghĩ ngay tới những thứ trang bị cho đôi chân. Ngành da giày Việt Nam từng có thời kỳ hoàng kim, kim ngạch sớm tham gia câu lạc bộ những sản phẩm xuất khẩu tỷ đô la. Năm 2008 giữa lòng suy thoái, nhưng tổng trị giá da giày xuất khẩu của Việt Nam cũng đạt 4 tỷ 500 triệu USD. Chính vì vậy chỉ tiêu ban đầu đặt ra cho năm nay là 5 tỷ 100 triệu USD, sau đó điều chỉnh còn 4 tỷ 770 triệu USD. Trong nửa đầu năm 2009, đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng, nhiều nhà máy họat động cầm chừng, một số công ty phá sản người lao động mất việc làm.
Hiện nay ngành da giày đang tìm một số hướng đi khác để cố gắng phục hồi. Ông Diệp Thành Kiệt nhận định:
“Thị trường nội địa hiện nay là thị trường lớn, nhu cầu và đời sống của người dân đang có mức tăng trưởng, nên đó là chỗ để ngành da giày nhắm tới. Thứ hai là thị trường Asean, được biết đến nay tất cả các dòng thuế đều hạ xuống 5%, và trong 1 vài năm nữa tùy theo cam kết của Việt Nam với các nước…hiện nay đã có 6 nước thành viên Asean áp dụng thuế suất 0%. Chúng ta đang còn những dòng thuế 5% nhưng trong tương lai gần sẽ hạ xuống bằng 0%. Rõ ràng là giao dịch và mua bán trong thị trường của Asean và thị trường nội địa sẽ là tiềm năng rất lớn.”
Sản phẩm ngành da và giày dép với các nhà máy từng thu dụng gần bảy trăm ngàn công nhân trên toàn quốc, trị giá sản xuất đóng góp 10% tổng sản phẩm nội địa của Việt Nam. Theo số liệu của Bộ Công Thương xuất khẩu giày dép của VN giảm 16% so với năm 2008, tính theo số liệu thu thập từ tháng 1 tới hết tháng 10/2009 với kim ngạch đạt 3 tỷ 210 triệu USD. Trong tình hình này khả năng ngành giày dép xuất khẩu tăng trưởng âm là điều có thể xảy ra.