Những điều “tai nghe, mắt thấy”
Cô Hoàng Thị Minh Hồng, trưởng nhóm và là người Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Nam Cực cách đây 12 năm, cũng trong đoàn thám hiểm do tổ chức 2041 tiến hành, cho biết những điểm khác biệt tại Nam Cực của hơn chục năm trước so với bây giờ:
“Trong chuyến đi Nam Cực năm 1997 tôi chỉ mang máy ảnh với phim thường, nhưng lần này mang theo máy ảnh kỹ thuật số và chụp được rất nhiều ảnh đẹp; chính mình cũng không hiểu tại sao lần này lại chụp được nhiều ảnh đẹp. Khi nói với ông trưởng đoàn Robert Swan, ông nói có nhiều ảnh đẹp là vì trên biển có nhiều tảng băng trôi. Lúc đó tôi mới chợt nhận ra là trên biển có nhiều băng trôi hơn ngày xưa.
Điều đó cho thấy băng ở Nam Cực đang bị tan ra do tình trạng trái đất nóng lên, điển hình ở Bán đảo Nam Cực, nơi mà trong 50 năm qua nhiệt độ đã tăng khoảng 3 độ C. Có tảng băng Larsen Bay bị vỡ hồi năm 2002 lớn bằng một tiểu bang ở bên Mỹ.
Tất cả những điều thấy trên Nam Cực đều giống như những điều tưởng tượng và những điều đọc được trên báo chí.
Cô Phương Ngân
Một điểm khác nữa so với năm 97 là lượng khách du lịch. Hồi năm 1997, số khách du lịch đến Nam Cực rất ít nhưng lần này thì thấy đông. Chắc tác động của con người lên Nam Cực nay cũng lớn hơn so với 12 năm trước đây.”
Một thành viên khác của đoàn thám hiểm Nam Cực năm nay là cô Nguyễn Thị Phương Ngân, hiện là cán bộ giáo dục môi trường của tổ chức Quỹ Thiên nhiên Hoang dã tại Hà Nội cho biết những điều học được trong chuyến đi vừa qua:
“Tất cả những điều thấy trên Nam Cực đều giống như những điều tưởng tượng và những điều đọc được trên báo chí. Tuy nhiên, có một điểm là tôi tưởng Nam Cực lạnh lắm nhưng khi đến nơi thì không lạnh như mình tưởng, chỉ -2 đến -7 độ C mà thôi. Độ ẩm ở Nam Cực thấp, không lạnh buốt như ở Việt Nam, điều này khiến tôi ngạc nhiên nhất.
Tôi mới đến Nam Cực lần đầu tiên nên không có sự so sánh, thế nhưng những người phụ trách đi trong đoàn từng thám hiểm Nam Cực nhiều lần chỉ cho chúng tôi thấy những thay đổi so với 20 năm, 10 năm trước đây. Có những nơi đổ bộ lên bờ thì họ cho biết là cách đây 20 năm băng đến tận ngay chỗ chúng tôi đứng, nhưng nay thì băng cách đó đến chừng 500 mét.”
Kế hoạch bảo vệ môi trường
Sau khi trở về, vào ngày 9 tháng 12 vừa qua, đoàn tổ chức họp báo để trình bày kinh nghiệm chuyến đi, cũng như đưa ra những kế hoạch nhằm giúp cộng đồng tại Việt Nam chung tay góp phần bảo vệ môi trường.
(video: Ca sĩ Mỹ Linh vận động bảo vệ môi trường)
Rất nhiều người cho rằng việc bảo vệ môi trường là việc làm của chính phủ, của các tổ chức bảo vệ môi trường chứ không phải là việc của từng cá nhân. Trong khi đó thì bảo vệ môi trường là lối sống, thói quen của từng người. Cô Hoàng Thị Minh Hồng giới thiệu những chương trình hành động:
"Chúng tôi muốn thực hiện một website về bảo vệ môi trường, trong đó ngoài những thông tin liên quan môi trường, những hoạt động đang diễn ra trên thế giới thì còn có những hướng dẫn cụ thể dưới dạng những tít rất nhỏ ví dụ như 'Bạn có thể dùng son môi loại gì để bảo vệ môi trường'.
Chúng tôi tự nhủ với nhau để giúp thay đổi nhận thức cần kiên trì, đòi hỏi thời gian lâu dài. Chúng tôi hy vọng vào thế hệ tương lai, thế hệ trẻ sẽ có nhận thức tốt hơn.
Cô Phương Ngân
Nhóm có những chiến dịch làm việc với các siêu thị, các công ty, các cửa hàng bán lẻ để họ không dùng túi ny lông nữa. Chẳng hạn, tiến hành chiến dịch kêu gọi người dân giảm máy lạnh một độ C. Tất cả sẽ cụ thể như ‘Chiến dịch Giờ Trái đất’ là mỗi người tắt đi một ngọn đèn hay một thiết bị điện không cần thiết. Nói chung những việc làm đều xoay quanh những việc làm rất là nhỏ như thế.
Nguyễn Thị Phương Ngân thì đề cập đến những trở ngại cho công tác bảo vệ môi trường tại Việt Nam, nhất là cho các kế hoạch của nhóm cần phải vượt qua:
“Trở ngại lớn nhất là nhận thức của người dân mình. Có thể họ biết điều gì đang gây ra ảnh hưởng đến môi trường nhưng rồi do thói quen đã ngấm sâu nên để hành động thay đổi thì rất là khó.
Nhà nước từng kêu gọi tiết kiệm điện bằng cách tắt đi những thiết bị không cần thiết, hay tắt đèn khi ra khỏi phòng, hay tắt ‘điều hòa’ ( máy lạnh) 30 phút trước khi ra khỏi phòng…
Chúng tôi tự nhủ với nhau để giúp thay đổi nhận thức cần kiên trì, đòi hỏi thời gian lâu dài. Chúng tôi hy vọng vào thế hệ tương lai, thế hệ trẻ sẽ có nhận thức tốt hơn.
Năm cá nhân chúng tôi hành động với nhận thức là bất cứ ai cũng có thể tạo ra thay đổi nếu mình cố gắng, tin tưởng. Chúng tôi có nhiệt huyết và tranh thủ sự ủng hộ của truyền thông. Còn để giải quyết vấn đề môi trường hay bất kỳ vấn đề nào đó thì cần sự chung sức của nhiều người và sự tham gia của các cơ quan chức năng.
Chuyến thám hiểm Nam cực vừa qua kéo dài từ ngày 18 đến 31 tháng 11, và đoàn Việt Nam sáu người về nước hồi ngày 4 tháng 12.
Chuyến đi do tổ chức có tên 2041 tổ chức để kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp ước Quốc tế về Nam Cực. Tổ chức này do ông Robert Swan, người Anh, sáng lập với mục tiêu nhắc nhở thời điểm năm 2041 là năm mà Nghị định thư về Bảo vệ Môi trường theo Hiệp ước Nam Cực có thể bị bổ sung hay hiệu chỉnh. Tổ chức 2041 nêu rõ tiếp tục nỗ lực bảo vệ Hiệp ước Nam Cực, không để cho khu vực này bị khai thác gây ảnh hưởng đến môi trường trái đất.