Việt Nam làm Chủ tịch luân phiên Hội Đồng Bảo An LHQ
2008.07.01
Và diễn tiến này có thể giúp mang những đổi thay như thế nào cho Việt Nam? Thanh Quang ghi nhận định của Giáo sư Tạ Văn Tài, từng dạy luật học tại Đại Học Harvard ở Massachusetts Hoa Kỳ. Trước năm 1975 ông Tạ Văn Tài từng giảng dạy tại nhiều đại học ở miền Nam VN.
Trước hết, GS Tạ văn Tài có nhận xét:
“Quá trình Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc và đến nay là thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An (là cơ quan quan trọng nhất của Liên Hiệp Quốc), rồi làm Chủ tịch luân phiên trong vòng một năm của Hội Đồng Bảo An, thì đó là cả một diễn tiến dài từ khi Việt Nam được thống nhất dưới quyền của chế độ mới vào Năm 1975.
Đó là một diễn tiến rất dài bởi vì sau khi vô Liên Hiệp Quốc vào những năm đó thì hơn 30 năm sau mới có thể trở thành không những là hội viên của Đại Hội Đồng mà là hội viên của Hội Đồng Bảo An, và nhất là bây giờ trở thành chủ tịch luân phiên Hội Đồng Bảo An.
Có thể nói là trong toàn thể lịch sử nước Việt Nam mấy ngàn năm chưa bao giờ Việt Nam có một vị trí quan trọng như vậy trên chính trường quốc tế. Điều đó không thể phủ nhận được. Đó là một điểm lợi.
GS Tạ văn Tài
Dễn tiến này cho thấy chưa bao giờ nước Việt Nam tạo được uy tín
quốc tế như bây giờ. Có thể nói là trong toàn thể lịch sử nước Việt Nam mấy
ngàn năm chưa bao giờ Việt Nam có một vị trí quan trọng như vậy trên chính
trường quốc tế. Điều đó không thể phủ nhận được. Đó là một điểm lợi.
Vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an
Thanh Quang: Thưa Giáo Sư, thế còn mặt khó khăn thì sao, thí dụ như là khi có vị trí quan trọng chăng rhạn như là chủ tịch luân phiên của Hội Đồng Bảo An LHQ thì Việt Nam chắc chắn rồi sẽ có những quyết định quan trọng mà tế nhị nữa, thí dụ như liên quan vấn đề nhân quyền ở Miến Điện, cả Trung Quốc hay là vấn đề Dafur ở Phi Châu, v.v. thì Việt Nam có thể gặp khhó khăn như thế nào, theo nhận xét của Giáo Sư?
Giáo sư Tạ Văn Tài: Khi vào Hội Đồng Bảo An tức là phải biểu quyết, không những vậy mà còn phải điều hành nếu là chủ tịch Hội Đồng Bảo An, phải điều hành những buổi họp về những vấn đề hoà bình và an nình thế giới, tức là cái thẩm quyền của Hội Đồng Bảo An là những vấn đề rất là quan trọng, có thể nói là quan trọng nhất của thế giới hiện tại là vấn đề hoà bình và an ninh thế giới.
Trong cái vấn đề hoà bình này thì có những sự rắc rối, thí dụ như vi phạm nhân quyền ào ạt (massive violation human rights) cũng là một sự đe doạ cho hoà bình thế giới.
Vậy thì Việt Nam với tư cách là một thành viên của Hội Đồng Bảo An và nhất là với tính cách là chủ tịch luân phiên của Hội Đồng Bảo An thì phải có thái độ rõ rệt, bằng không thì họ bảo là nước Việt Nam là một quốc gia ba phải, chẳng có lập trường gì cả.
Mà muốn có lập trường đó, trước hết là phải có chuyên viên nghiên cứu cặn kẽ các vấn đề rắc rối đó, tức là cái khó khăn thứ nhất, tôi nghĩ Việt Nam không đủ chuyên viên về các vấn đề quốc tế và như vậy thì chẳng nhẽ lại đi hỏi mấy ông khác trong Hội Đồng Bảo An rằng "vấn đề này chúng tôi biểu quyết như thế nào?", như vậy thì còn đâu có vai trò quan trọng của một hội viên nữa?
Thí dụ đi hỏi Mỹ, hay là nước Nga, hay hỏi nước Tàu, thì họ sẽ cho ý kiến để biểu quyết theo quyền lợi của họ, như vậy Việt Nam sẽ bị lu mờ, đâu có cái vai trò độc lập nữa.
Vậy thì cái việc thiếu chuyên viên để nghiên cứu là một cái khó khăn, có lẽ là phải cố gắng mà đi hỏi những lời cố vấn của các chuyên viên nước ngoài, mà hay nhất là có những chuyên viên người Việt biết về vấn đề thế giới. Việt Nam cần phải hỏi những người đó.
Việt Nam với tư cách là một thành viên của Hội Đồng Bảo An và nhất là với tính cách là chủ tịch luân phiên của Hội Đồng Bảo An thì phải có thái độ rõ rệt, bằng không thì họ bảo là nước Việt Nam là một quốc gia ba phải, chẳng có lập trường gì cả.
GS tạ Văn Tài
Thí dụ như vấn đề gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới thì cũng có những khó khăn về thiếu chuyên viên cho nên gần đây nhà nước phải bỏ một số tiền mấy chục tỷ đồng để tìm cách huấn luyện các thẩm phán và viện kiểm sát nhân dân để xử những vụ thương mại và đầu tư quốc tế để khỏi bị các nhà đầu tư khiển trách là tại sao mà không hiểu gì về luật quốc tế như vậy.
Khó khăn thứ hai là khi có nghiên cứu đầy đủ về các vấn đề quốc tế rồi thì pahỉ có một lập trường độc lập theo cái quyền lợi quốc gia và theo cái mục đích, cái tôn chỉ hay là vai trò của Hội Đồng Bảo An là bảo vệ hoà bình và an ninh thế giới.
Thế thì khi một nước đàn anh cũ của Việt Nam, thí dụ Trung Quốc, mặc dù rằng nước Miến Điện vi phạm nhân quyền như vậy hay là ở Châu Phi tại vùng Dafur họ đã có những vi phạm nhân quyền, họ có những biện pháp gọi là diệt chủng như vậy nhưng mà Trung Quốc vẫn cứ ủng hộ mấy cái chế độ đó bởi vì quyền lợi Trung Quốc là khai thác tài nguyên tại những nước đó (nên) cứ lờ đi mà nhìn về phía khác, mặc dù có những sự vi phạm nhân quyền ào ạt như vậy đó, thì phía Việt Nam chẳng nhẽ nễ ông nước lớn mà không có thái độ rõ rệt trong Hội Đồng Bảo An hay sao?
Về vấn đề Tây Tạng, thí dụ nước Mỹ họ đưa vấn đề Tây Tạng ra Hội
Đồng Bảo An thì bây giờ Trung Quốc nói thế này thế nọ, Việt Nam liệu có đủ độc
lập để nói theo cái quan điểm thế nào là nên duy trì hoà bình, không vi phạm
nhân quyền ào ạt ở Tây Tạng hay không? Đó là vấn đề phải có thái độ chính trị
rõ rệt. Tôi thấy đó là cái khó khăn mà Việt Nam sẽ phải trải qua.
Hội nhập quốc tế và vấn đề nội bộ
Thanh Quang: Thưa Giáo Sư, những bước hội nhập quốc tế dần dần của Việt Nam như vậy đó có thể mở đường cho đât nước Việt Nam thay đổi ra sao không ạ?
Giáo sư Tạ Văn Tài: Cái này nó tuỳ theo cái nhìn của Đảng Cộng Sản Việt Nam, coi như là các vấn đề nội bộ Việt Nam có phải là một vấn đề mà Liên Hiệp Quốc, nhất là qua Hội Đồng Bảo An, có thể bàn được hay không.
Nếu mà chế độ là đảng cộng sản vẫn coi những vấn đề nội bộ Việt Nam là chủ quyền nội bộ mà nước ngoài không can thiệp vào được thì có thể Việt Nam lại đưa ra lập trường về vấn đề đó "là vấn đề nội bộ của chúng tôi, các ông không có quyền can thiệp vô", thì như vậy có thể có hai hậu quả:
Vấn đề nhân quyền là vấn đề thuộc luật quốc tế. Vậy nếu muốn tỏ ra là một nước văn minh, sống theo chủ trương của Liên Hiệp Quốc là hoà bình và an ninh thế giới thì không sợ gì mà bàn ngay về vấn đề của chính mình.
GS Tạ Văn Tài
Thứ nhất là có thể là các cường quốc họ không có thể can thiệp vô được nếu ông đưa vấn đề đó ra và họ không muốn dồn ép Việt Nam, nhưng mà cũng có thể làm giảm uy tín Việt Nam vì Việt Nam đã đưa ra một lập trường ương ngạnh và không chịu để người ta thẩm định về những vấn đề nội bộ mà có liên quan đến luật quốc tế, thí dụ vấn đề nhân quyền.
Vấn đề nhân quyền là vấn đề thuộc luật quốc tế. Những hiệp định về nhân quyền là luật quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và cam kết tôn trọng thì có giá trị ngang với hiến pháp của Việt Nam rồi.
Vậy nếu muốn tỏ ra là một nước văn minh, sống theo chủ trương của Liên Hiệp Quốc là hoà bình và an ninh thế giới thì không sợ gì mà bàn ngay về vấn đề của chính mình.
Khi mà bàn như vậy đó thì chúng tôi nghĩ là Việt Nam có cơ thay đổi những chính sách cho sáng suốt hơn, thấu đáo hơn đối với dư luận quốc tế.
Thanh Quang: Thưa Giáo Sư, liệu vị thế ngày càng vững chắc hơn của Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc nói riêng và trong lãnh vực thế giới nói chung có thể giúp ích cho Việt Nam ra sao trong việc ngăn chận tình trạng chèn ép từ Phương Bắc, tức là từ Trung Quốc?
Giáo sư Tạ Văn Tài: Tôi thấy là Việt Nam cần phải có những ngoại trưởng và những chuyên viên ngoại giao giỏi, và ngay trong Chính Trị Bộ phải có cái thái độ quyết định làm bạn với tất cả mọi người như là cái khẩu hiệu bây giờ đã nêu ra là làm bạn với tất cả các quốc gia và theo cái tôn chỉ đúng đắn là hoà bình và an ninh thế giới.
Một trong những vấn đề đó, thí dụ như vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa, bây giờ nước lớn là nước Tàu mà vi phạm quyền lợi của Việt Nam ở Hoàng Sa - Trường Sa thì Việt Nam phải có can đảm đưa vấn đề ra trước Hội Đồng Bảo An và nhờ các cường quốc khác nói rõ lập trường hay là can thiệp vào.
Tức là trong cái khó của việc làm tại Hội Đồng Bảo An thì có cái lợi giống như là cái người có trách nhiệm lớn thì phải có những khó khăn và phải trải qua, vượt qua được.
Thanh Quang: Xin cảm ơn Giáo sư Tạ Văn Tài rất nhiều.