Tết Canh Dần: hàng nội sẽ chiếm ưu thế?
2009.12.25

“Tiếp sức hàng Việt, ăn Tết với hàng nội” là tựa đề một bài báo vừa được đăng tải trên Tuổi Trẻ online. Báo này cho hay là vào dịp Tết Canh Dần , giới tiêu dùng sẽ hài lòng với hàng hóa nội địa, do việc các nhà sản xuất luôn cố gắng đáp lại sự tin cậy của khách hàng, với những sản phẩm có giá phải chăng, đẹp mắt về mẫu mã và đa dạng về chủng loại.
Hàng nội lấn sân
Một
số siêu thị đã dành diện tích, gian hàng, kệ khang trang để ưu tiên trưng bày
hàng hóa nội địa, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tăng số thương vụ và thu
nhập.
Theo các nhà phân phối và quản lý thương trường, thì vào mùa Tết năm nay sản phẩm nội có chuyển động tích cực về mặt chất lượng và mẫu mã. Một số loại bánh kẹo khá phong phú, không còn đơn điệu như trước đây, mà còn có thể “ăn đứt bánh ngoại”. Nhờ những điểm sáng tạo và cải tiến đó, người tiêu dùng thấy hàng nội, ngày càng đáng tin cậy hơn.
Các nhà phân phối cho biết, cách đây từ 8 đến 10 năm, phần lớn bánh, mứt, kẹo bày bán tại Việt Nam là được nhập từ Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia. Hiện giờ, các sản phẩm cao cấp nhập từ Châu Âu cũng giảm đáng kể, chỉ còn chiếm một tỷ lệ rất nhỏ.
Hàng hóa thương phẩm chuẩn bị cho Tết Canh Dần 2010, cũng quảng cáo dồn dập, nhưng mà người tiêu dùng rất phân vân, bởi vì giá cả rất cao.
Ô. Thiện, Sài Gòn
Vẫn theo báo chí, trong thời gian gần đây, người tiêu dùng tại Việt Nam thích mua sắm, ưa chuộng hàng nội nhờ các yếu tố hấp dẫn như: giá cả phải chăng, đẹp mắt về mẫu mã, đa dạng về chủng loại, thời trang hàng nội đa dạng, thu hút nhiều khách nhất là giới trẻ.
Mặt khác, với kế hoạch phát triển hệ thống phân phối với vài trăm ngàn điểm bán lẻ, hàng ngàn siêu thị lớn nhỏ cả nước, theo phương châm “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” tất cả sản phẩm nội địa sẽ đến tay người tiêu dùng từ thành thị đến nông thôn một cách nhanh chóng.
Vẫn còn e ngại
Qua những điều vừa được trình bày, chúng tôi hỏi chuyện hai người tiêu dùng để ghi lại diễn biến về sinh hoạt trên thị trường vào dịp sắp đến Tết đương lịch 2010. Ông Thiện, một công chức ở Sài gòn góp ý:
"Cái nhu cầu mà người ta đưa ra thì rất lớn, nhưng có đáp ứng được hay không, cái đó hơi khó. Hiện nay hàng nội như thế nào? Giá cả của hàng nội hay hàng ngoại, người ta chỉ chấp nhận những thương hiệu tồn tại, còn thương hiệu quá mới mẻ, người vẫn thích xài hàng ngoại hơn.
Những hàng muốn chiếm lĩnh thị trường thì chỉ đưa đi tỉnh thôi, người dân ở nơi xa, người ta chấp nhận xài vì không đi xa được, chứ ở trung tâm thành phố thì hàng nội chưa chiếm lĩnh được, giá cả rất cao. Muốn đăng ký giảm giá cũng khó vì chất lượng không ổn định.
Hiện nay hàng hóa thương phẩm chuẩn bị cho Tết Canh Dần 2010, cũng quảng cáo dồn dập, nhưng mà người tiêu dùng rất phân vân, bởi vì giá cả rất cao, đó là băng khoăn của người tiêu dùng. Hiện nay đang bối rối về giá gạo, dù có thông báo kêu gọi bà con yên tâm, nhưng có hiện tượng găm hàng, nên hàng hóa nào cũng nhích lên từ xăng dầu lên giá đương nhiên hàng hóa cũng lên theo, chứ làm sao mà ổn định được."
Người dân Việt Nam họ sành lắm chứ, thật ra không phải là họ cứ thích hàng ngoại đâu, nhưng mà hàng nội mà chất lượng tốt thì họ mua thôi.
Ô. Hợp, Hà Nội.
Từ Hà Nội, ông Hợp kể lại với RFA:
"Cơ
quan vẫn tuyên truyền nhưng người dân vẫn chưa tin, bởi vì họ phải được kiểm
nghiệm. Họ chỉ mới tin có mỗi cái quạt, quạt trần ấy, hay quạt bàn là quạt của
điện cơ, mẫu mã chưa được đẹp lắm, nhưng họ thấy là bền, tốt. Người dân Việt
Nam họ sành lắm chứ, thật ra không phải là họ cứ thích hàng ngoại đâu, nhưng mà
hàng nội mà chất lượng tốt thì họ mua thôi. Hay là một vài cái quạt của Sài gòn,
họ dùng ngay.
Bây giờ gần Tết thì nổi bật lên về hàng thực phẩm, người Việt Nam
giờ rất sợ, vì vừa rồi có làm xí muội tức là ô mai đấy, mang vào Sài gòn bán,
nhưng người ta phát hiện ra là làm bên Tàu, chứ không phải làm ở Hà Nội, thì
làm sao người ta tin hàng nội được.
Người Việt Nam chưa có cái mà người ta gọi là đạo đức thương mại, bao giờ có được cái đó thì người ta sẵn sàng dùng hàng nội ngay. Mẫu mã thì anh ăn đứt hàng ngoại được đâu? Thế rồi giá anh phải thế nào nữa chứ?"
Cũng
liên quan đến sinh hoạt mua sắm vào dịp cuối năm dương lịch, báo Tuổi Trẻ nói,
nông dân là những khách hàng chính của thị trường vùng thôn quê, tuy nhiên họ vẫn
phải dùng hàng hóa với giá cao, chất lượng không ổn định, mập mờ thông tin về sản
phẩm.
Theo các khách hàng ở nông thôn thì hàng Việt, muốn được nông dân ủng hộ
thì cần phải có chương trình quảng cáo thực tế, ngôn ngữ dễ hiểu để người tiêu
dùng nhớ mà lựa chọn, trước khi mua. Bà con nông dân sẵn sàng mua sắm hàng Việt,
nhưng sao hàng nội chỉ về đến các chợ tỉnh mà không thấy bán ở quận huyện, xã ấp,
như vậy là không công bằng.
Về tới làng, xã, hàng hóa Việt bán mắc hơn, chất lượng cũng khác xa, sao hàng nội không chịu về thôn quê nhiều hơn? Khi nào, bà con vùng sâu, vùng xa mới được mua sắm sản phẩm với giá rẻ, hợp lý? Đó là những câu hỏi, những thắc mắc cần được giới hữu trách giải đáp cho khách hàng ở nông thôn, khi năm hết Tết sắp đến.