Cảnh báo mực nước sông Mekong

Bộ Thủy lợi bên nước láng giềng Campuchia cảnh báo người dân chuẩn bị đối phó với lũ lụt. Từ Campuchia thông tín viên Nguyễn Bình có bài tường trình như sau.

0:00 / 0:00

Bộ Thủy lợi Campuchia vừa ra thông cáo báo chí hồi cuối tuần trước kêu gọi dân chúng nước này sống dọc theo con sông Mekong hãy cảnh giác trước nguy cơ mực nước con sông lớn nhất khu vực này dâng cao thất thường.

Bản thông cáo báo chí cho biết mực nước đo ở một số trạm khí tượng thủy văn thuộc hạ lưu sông Mekong như ở tỉnh Kampong Cham, Kratie và Stung Treng, v.v.. đang tiến gần đến mức báo động.

Chuẩn bị đối phó lũ lụt

Ông Chan Yutha, Chánh văn phòng Bộ Thủy lợi Campuchia cho biết thêm rằng do áp thấp nhiệt đới kéo dài ở khu vực trung và thượng nguồn sông Mekong, gây mưa lớnở Trung Quốc, Lào và Việt Nam nên mực nước sông Mekong ở hạ nguồn tại Campuchia và Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam có nguy cơ dâng cao thất thường từ khoảng 3 đến 5 ngày tới.

Mekong ở hạ nguồn tại Campuchia và Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam có nguy cơ dâng cao thất thường từ khoảng 3 đến 5 ngày tới.

Đặc biệt, người dân Campuchia sống ở 4 tỉnh, bao gồm Kampong Cham, Kratie, Stung Treng và Rattanakiri được cảnh báo chuẩn bị đối phó với lũ lụt.

Đối với đoạn sông Basac, từ Phnom Penh đến Cần Thơ, theo ông Chan Yutha cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Đánh giá lại việc xử dụng sông Mekong

Cũng liên quan đến vấn đề sông nước, Ủy ban Quốc gia sông Mekong của Campuchia vừa triệu tập cuộc họp liên Bộ hồi hôm thứ năm và thứ sáu tuần trước nhằm đánh giá lại những tác hại về môi trường do các công trình thủy điện gây nên.

Theo quan chức ngành thủy lợi Campuchia thì công tác xem xét đánh giá lại việc xử dụng nguồn nước sông Mekong sẽ góp phần quan trọng trong việc đề phòng thiên tai ở khu vực.

Ông Kol Vattana, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia sông Mekong của Campuchia nói rằng Ủy ban sông Mekong của cả 4 nước trong khu vực, bao gồm Campuchia, Việt Nam, Lào, Thái Lan và Trung Quốc đã nhất trí rằng phải có sự đánh giá lại về những tác hại của các công trình thủy điện đối với môi trường.

Theo ông Vattana, vừa qua cũng có sự nghiên cứu, nhưng chỉ được làm lẻ tẻ ở từng công trình nhỏ, do đó không thấy được những tác hại mang tính hệ thống. Hiện theo chủ trương của Ủy ban sông Mekong 4 nước, là phải có sự nghiên cứu mới mang tính tổng hợp, toàn diện trên cả chiều dài con sông, và phải có đề xuất mang tính chiến lược lâu dài.

Cũng theo ông Vattana, sau khi Ủy ban sông Mekong của từng nước triệu tập cuộc họp với nội dung tương tự xong, sẽ có cuộc họp kế tiếp của cấp khu vực do Ủy ban Quốc tế sông Mekong tổ chức.