Trong bài đầu tiên của loạt bài này chúng ta đã nói đến công cuộc hiện đại hóa quốc phòng của Việt Nam, trong bối cảnh Trung Quốc có những hành động hiếp bức ngư dân ta ở biển Đông. Mọi người Việt Nam đều tỏ ra hăng hái trước hành động đó của chính quyền, coi như để chuẩn bị đối đầu quân sự với Trung Quốc. Trong bài thứ nhì, ý kiến được nêu lên là Việt Nam muốn giữ vững bờ cõi thì phải được sự yểm trợ, giúp sức về cả chính trị lẫn quân sự, kinh tế của bè bạn quốc tế.Trong trường quốc tế, nước có khả năng và xứng đáng được Việt Nam trông cậy là Hoa Kỳ, quốc gia cựu thù nhưng đã tỏ nhiều thiện ý trong việc nối lại quan hệ bình thường toàn diện với Việt Nam, mới đây và nổi bật nhất là quan hệ quân sự.
Quyết tâm chọn lựa (đi với Mỹ) thì tất nhiên là phải chứng tỏ cho người Mỹ thấy là mình muốn độc lập và có khả năng độc lập với Trung Quốc. <br/>GS Nguyễn Mạnh Hùng.<br/>
Trông cậy Hoa Kỳ?
Thế nhưng câu hỏi tiếp theo vẫn là Việt Nam có thể trông nhờ vào Mỹ đến đâu. Liệu đến giây phút sinh tử trong quan hệ Việt Trung, Bắc Kinh trao tặng cho Washington một quyền lợi to lớn nào đó, Hoa Kỳ có buông tay cho Việt Nam té đùng như đã buông rơi đồng minh son sắt Việt Nam Cộng Hoà sau khi bắt tay được với Trung Quốc, Liên Xô năm 1972?
Chúng tôi rất vui khi nhận được rất nhiều ý kiến của quý vị gửi về cho đáp án của câu hỏi đã nêu trong bài số hai.Việt Long đã chọn ra những câu trả lời có thể làm đại biểu cho tất cả sự đáp ứng của quý vị và các bạn. Còn những câu khác có ý tương tự hay hơi khác, thì chúng tôi đăng trong mục ý kiến của bài số 2, loạt bài này, trên website RFA.org, mời quý vị vào xem. Các câu trả lời sau đây đều gửi vào hôm thứ năm, mùng 7 tháng này:
Ý kiến đầu tiên được đưa vào là của độc giả ký tên Bố già nơi gửi Hoa Kỳ:
Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ không đánh Việt Nam trong thời gian gần, mà TQ sẽ đợi có thể là 5-10 năm nữa. Thứ nhất là TQ hiện tại vẫn còn nhiều vấn đề nội bộ. Thứ hai là TQ chưa đạt được điều họ mong muốn là kinh tế TQ ở vị trí thứ nhất nhì trên thế giới. Thứ ba là nếu đánh VN thì cũng lâu lắm mới chiếm toàn diện và kinh tế TQ sẽ rơi vào bế tắc. Hiện tại điều VN nên làm là phải quốc tế hóa Trường Sa, phải chịu chia sẻ quyền lợi kinh tế của Trường Sa cho ASEAN, Mỹ, Châu Âu, Nga và Nhật để họ vào cuộc chung với mình. Việt Nam cũng nên tách rời TQ, nghĩa là chấm dứt chuyện mờ mờ ảo ảo với TQ, cứ dựa vào danh nghĩa là nước XHCN Cộng Sản anh em với TQ. Hãy tạo niềm tin cho cộng đồng thế giới.
Ý kiến tiếp theo của Tùng Nguyễn nơi gửi Châu Âu:
So sánh lực lượng quân sự của Việt Cộng và Tàu Cộng, sự chênh lệch hiện tại = 1/100. CS Tàu chỉ 1 tuần là: “Bên đây biên giới là nhà, Bên kia biên giói cũng là anh em.”
Ý kiến của Kavin Nguyễn nơi gửi USA:
Theo tôi nghĩ VN cần phải đoàn kết dân tộc từ bây giờ, để động viên lòng yêu nước của dân tộc, đoàn kết lại làm sức mạnh. Cộng Sản nên bỏ XHCN mà thay thế bằng Xã Hội Cộng Hòa, thì người dân mới đoàn kết chống kẻ thù, người Việt Nam có lòng yêu nước rất cao nhưng bị Chủ nghĩa Cộng Sản đè bẹp. Cộng sản nên tha những người bất đồng ý kiến, họ là những người yêu nước. Toàn dân Việt Nam không thể nào đoàn kết lại để đấu tranh để bảo vệ XHCN, bảo vệ thể chế độc Đảng độc tôn của Cộng sản được. Nếu muốn vn toàn dân đoàn kết khi nao vn thay đổi XHCN thành XH Cộng hòa.
Xawehuong, nơi gửi Paris :
Anh Việt Long nêu ra câu hỏi ở cuối bài này thật là ... Mỹ sẽ đặt quyền lợi của VN lên trên quyền lợi của họ hay sao? Đừng mơ mộng viễn vông! Anh đặt câu hỏi này ... phí công quá.
HungDragon, nơi gửi Sài Gòn:
Người dân yêu nước Việt nhất định sống chết để chiến đấu với kẻ thù phương Bắc bành trướng, ăn cướp giữa ban ngày trên Biển Đông. Chúng ta sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ Quốc Gia, lãnh thổ, Đất Mẹ của chúng ta, hỡi những người Việt ái quốc trên toàn thế giới! Mong Quân Lực Hoa Kỳ hỗ trợ, giúp đỡ cho Quân đội VN tiêu diệt bọn bành trướng Trung Hoa ra khỏi Thế giới này! Thời buổi này, không phải anh muốn làm gì thì làm, muốn giết, muốn cướp ai cũng được đâu Bắc Kinh ạ!Một mình quân đội VN không đủ sức để chiến đấu với kẻ thù phương Bắc đâu, Quân lực Hoa Kỳ hãy thương xót,giúp đỡ người VN!Mong lắm thay!
Chỉ có thể giành cho phía Mỹ lợi ích lớn hơn những nước khác có thể giành cho Mỹ,khi đó Mỹ mới thực sự bảo vệ Việt Nam. Bạn Thái Hòa.<br/>
Lòng tin và lợi ích
Thái Hòa, nơi gửi Việt Nam:
Bài viết phân tích thật sâu sắc. Theo tôi, việc Việt Nam cần quan hệ tốt hơn với Mỹ là điều không thể bàn cãi. Tuy nhiên mức độ thế nào thì cần xem xét cân nhắc, nhưng không thể chỉ lo đến lợi ích cho mình mà không tính đến lợi ích cho phía Mỹ. Chỉ có thể giành cho phía Mỹ lợi ích lớn hơn những nước khác có thể giành cho Mỹ,khi đó Mỹ mới thực sự bảo vệ Việt Nam. Những nhà lãnh đạo Việt Nam cần đặt lợi ích dân tộc lên trên hết để định ra mối bang giao gần gũi với Hoa Kỳ. Trước hết là lòng tin, sau nữa là lợi ích. Thật khó cải thiện quan hệ với ai đó khi mình luôn nghi kỵ họ, luôn coi trọng lợi ích của mình hơn lợi ích của họ.
Thật thú vị là ý kỉến cuối cùng này có nhiều điểm cốt yếu khá tương đồng với ý kiến của giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, giảng dạy môn chính trị học tại trường đại học George Mason tại Virginia, bên cạnh thủ đô Washington. Giáo sư Hùng còn là chuyên gia về Việt Nam từ nhiều chục năm nay. Trả lời câu hỏi giả sử Việt Nam thiết lập mối quan hệ với Hoa Kỳ và được Mỹ giúp chống Trung Quốc, thì liệu đến lúc sinh tử người Mỹ có thể bỏ rơi Việt Nam vì quyền lợi riêng đối với Trung Quốc, như đã từng làm với đồng minh thân thiết Việt Nam Cộng Hoà trước kia không, GS Nguyễn Mạnh Hùng nói đại ý là bỏ rơi hay không còn tuỳ tính chất của mối quan hệ:
GS Hùng: Việt Nam đang có hai cách quan hệ với Hoa Kỳ. Thứ nhất là liên hệ sợ bị bỏ rơi, thứ hai là quan hệ chặt chẽ thì sợ diễn biến hòa bình. Về quan hệ sợ bị bỏ rơi thì phải tuỳ. Ví dụ như Mỹ có quyền lợi thiết thân với Do thái nên không bao giờ bỏ được Do thái. Ví dụ nữa là Đài Loan. Có lúc như thời Tổng thống Carter đã muốn gần Trung Quốc bỏ Đài Loan, nhưng sau Đài Loan thay đổi khiến Mỹ có quyền lợi lớn với Đài Loan, Mỹ lại không thể bỏ Đài Loan, cũng không thể bỏ Nam Hàn chẳng hạn. Chỉ có đồng minh Việt Nam Cộng Hòa khi trở thành gánh nặng thì bị Mỹ bỏ.
Thế trong tình trạng hiện nay là Việt Nam với Hoa Kỳ đang cùng nỗ lực mở rộng mối quan hệ toàn diện, trong đó có quan hệ quân sự đang tiến những buớc đầu nhưng quan trọng, thì Việt Nam có thể trông cậy vào Hoa Kỳ hay không, trông cậy được đến mức nào trong cuộc đối đầu vối Trung Quốc.
GS Hùng: Bây giờ chỉ trông cậy vào việc Trung Quốc đang muốn trở thành siêu cường số một ngang với Hoa Kỳ, cho nên không muốn gây rắc rối với các nước Á Châu. Đối với Hoa Kỳ thì Trung Quốc càng không muốn làm hỏng quan hệ, cho nên đó là yếu tố chính trị làm giảm sự hung hăng của Trung Quốc, nhưng không có nghĩa là họ không dám hành động (quân sự). Năm 1974 Trung Quốc đã sử dụng võ lực rồi, năm 1988 cũng vậy. Hiện nay Mỹ với Việt Nam không có hiệp ước phòng thủ gì, nên Mỹ sẽ không có lý do gì mà hành động khi Trung Quốc tấn công Việt Nam.
Vậy bao giờ thì mới có thể trông cậy vào Mỹ, và có triển vọng đó hay không?
GS Hùng: Muốn có thì phải có quá trình cộng tác lâu dài trong mối tin cậy lẫn nhau. Muốn vậy thì Việt Nam phải chọn lựa rõ rệt trong hai mối lo sợ. Một là lo sợ diễn biến hòa bình, hai là lo bị Mỹ bỏ rơi. Và khi đã quyết tâm chọn lựa (đi với Mỹ ) thì tất nhiên là phải chứng tỏ cho người Mỹ thấy là mình muốn độc lập và có khả năng độc lập với Trung Quốc.
Thì khi đó Mỹ mới đặt lên bàn cân một cách quân bình được, còn nếu không thì mối quan hệ với Trung Quốc bao giờ cũng quan trọng hơn mối quan hệ chiến lược với Việt Nam. Khả năng ứng xử của Việt Nam mới thay đổi quan niệm của người Mỹ thôi.
Chuyến công du của Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam sang Mỹ hồi cuối năm qua có nghị trình rất bận rộn và chặt chẽ, với các cuộc tiếp xúc với Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ và nhiều dân biểu, nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ, là những người quan tâm đến Việt Nam và có nhiều thẩm quyền đối với Quốc hội và hành pháp Mỹ trong vấn đề quan hệ với Việt Nam. Cả vấn đề địa điểm tại Việt Nam của một căn cứ tiếp vận cho hạm đội 7, cũng nhu vấn đề mua vũ khí của Mỹ cũng được bàn tới. Dư luận nêu một câu hỏi dè dặt, rằng có thể nào hai bên tiến tới một mối liên minh quân sự không, và nếu không thì Việt Nam nên làm điều gì để có thể chống đỡ với sự hiếp đáp rõ rệt của Trung Quốc?
GS Hùng: Hiện nay thì tôi chưa thấy dấu hiệu một mối liên minh như vậy giữa hai nước, nhưng có nhiều triệu chứng như Việt Nam quan hệ với Hoa Kỳ trong một mối quan hệ đa phương hóa, đa diện hóa, để chứng tỏ Việt Nam không coi Trung Quốc là kẻ thù. Vì vậy một mặt dĩ nhiên Việt Nam phải có cách quản lý mối bang giao với Trung Quốc, không để họ lấn lướt quá nhiều, mặt khác thì phải qua những mối quan hệ đa phương hóa, đa diện hóa, tìm một đối lực với Trung Quốc, thì đối lực đó là Hoa Kỳ. Đó là con đường mà Việt Nam đang tiến đến. Tiến được đến đâu thì còn tùy những nước cờ mà Việt Nam sắp đi tới.