Những giờ nghỉ giải lao ở lớp học, những lúc ngồi chơi với bạn bè, thậm chí ngay cả khi tiếp xúc với cô giáo, là lúc trẻ tuôn ra những câu chuyện để thu hút sự chú ý của bạn bè.
Những câu chuyện có tình tiết thật logic khiến người nghe cảm giác y như thật. Một số ý kiến cho rằng trẻ em bịa chuyện như thế là một tật xấu, nói dối, cần phải ngăn ngừa. Trong Trang Phụ Nữ kỳ này, Phương Anh xin đề cập đến vấn đề này và cha mẹ nên làm gì khi trẻ bịa chuyện?
Trí tưởng tượng
Cô giáo Thanh Hằng, trường Mẫu Giáo Sơn Ca ở quận Phú Nhuận, TPHCM kể lại rằng, bản thân cô đã từng gặp khá nhiều học sinh bịa chuyện và có lần, chính bản thân cô và đồng nghiệp cũng tưởng rằng thật. Cô nói:
Chúng nó hay tưởng tượng lắm, chứ chẳng phải là bịa. Nó nghĩ là chuyện đó có, chứ không phải là nó xạo ra. Thí dụ, có đứa vô kể là nhà nó bị cháy, cô giáo cũng hết hồn, tới hỏi thăm thì đâu có cháy nhà gì đâu, mà nó kể y như thiệt, nó kể có tình tiết, thế này, thế nọ…, mẹ lấy đồ ra làm sao.. mà thực sự không hề có!
Theo cô giáo Thanh Hằng, các cháu bịa chuyện như thế không hề có ý nói dối mà chỉ vì muốn gây sự chú ý của mọi người mà thôi, cô nói tiếp:
Nó kể như vậy để thu hút được sự chú ý của người lớn. Nhưng cũng phải giải thích cho nó nghe rằng “ con đừng kể như thế, cái gì có thì hãy kể”. Với tụi nó, cái đó không phải là lỗi, mà đó là một nhu cầu, giống như nó biết kể chuyện mà nó sáng tạo theo ý của nó, mà nhân vật chính trong đó là nó.
<i>Nó kể như vậy để thu hút được sự chú ý của người lớn. Nhưng cũng phải giải thích cho nó nghe rằng " con đừng kể như thế, cái gì có thì hãy kể". Với tụi nó, cái đó không phải là lỗi, mà đó là một nhu cầu, giống như nó biết kể chuyện mà nó sáng tạo theo ý của nó, mà nhân vật chính trong đó là nó. <br/> </i>
Cô giáo Thanh Hằng
Cũng theo lời cô, không hẳn trẻ em nào cũng biết bịa chuyện. Đa số, các em nào năng động, có trí thông minh, thì lại càng có khả năng tưởng tượng nhiều và câu chuyện kể của các em lại càng hấp dẫn. Cô nói:
Không phải đứa nào cũng biết tưởng tượng…Đứa nào phải năng động mới như vậy, còn đứa nào thụ động thì không.
Vì sao các em bịa chuyện
Để tìm hiểu nguyên nhân vì sao các em bịa chuyện, Phương Anh đã liên lạc với tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng, giảng viên khoa tâm lý trường Đại Học Sư Phạm TPHCM và được bà giải thích:
Ở lưá tuổi Mẫu Giáo, cái gọi là biạ chuyện thì có thể có một số lý do và một số hình thức khác nhau. Thường, ở độ tuổi này, trí tưởng tượng cuả các cháu rất phong phú. Đôi khi, đứa trẻ nói theo trí tưởng tượng của nó chứ không hẳn là cháu biạ chuyện…
Thí dụ, xem hình đám cưới của bố mẹ, thì bé lại nói là hồi đó đám cưới của bố mẹ mình được cho rất nhiều bong bóng, hay lên sân khấu hát, nhảy muá…
Hoặc giả, khi bé đang chơi, tưởng tượng nhân vật này nhân vật khác, và làm đổ một cái gì đó thì lại tưởng tượng rằng đó là do một con mèo làm cho bé sợ, làm hỏng, chứ bé không hề làm bể đồ vật đó. Nhưng cha mẹ thì không hình dung, không cảm nhận, mà chỉ thấy là nó nói chuyện gì không xảy ra. Từ đó, người lớn nói trẻ bịa chuyện.
Ngoài ra, tiến sĩ Bích Hồng cũng cho biết là cũng có một số trường hợp trẻ bịa chuyện, nói dối một cách có ý thức. Nguyên nhân là vì:
Đó là trẻ sợ. Ví dụ nó đã có một kinh nghiệm trước đó rồi, bé làm hư hỏng như vậy thì bố mẹ có một thái độ rất nghiêm khắc, thậm chí la mắng trẻ một cách thậm tệ. Và để thoát khỏi tình trạng tệ hại như vậy thì trẻ phải nghĩ ra một cách gì đó khác hơn để mà tránh tội cho mình. Cho nên, người lớn phải phân biệt lúc nào là biạ chuyện thật sự, lúc nào là không ý thức.
Trách nhiệm của cha mẹ
Theo một số chuyên gia tâm lý, phần lớn, khi cha mẹ thấy con mình bịa chuyện, thì lập tức cho rằng các em nói dối, lên án hành động đó và la mắng các em. Thậm chí còn xử phạt và đe doạ khi thấy các em tiếp tục có hành vi bịa chuyện. Về điểm này, tiến sĩ Bích Hồng phân tích:
Chúng ta phải biết rằng ở độ tuổi này, đứa trẻ chưa hề chủ động tất cả mọi ý thức của mình. Vì vậy mà cha mẹ hãy cứ bình thường, bình tĩnh cái đã, tích cách của trẻ thì dần dần mới thành cái nếp của nó, chứ không phải ngay từ một vài hiện tượng, vài câu nói mà trở thành tính hư hay thói xấu gì đó.
Bố mẹ cũng đừng vội kết luận. Thí dụ nếu cảm thấy con nói một điều gì không thực và thật là vô lý mà cha mẹ cũng không thích điều vô lý đó thì cha mẹ có thể giải thích cho con là “nói không đúng…”. Không nên có thái độ cho là “con nói dối, con rất tệ hại”. Mình không đánh giá ngay về cách của đứa trẻ mà hãy giải thích điều vô lý.
<i>Chúng ta phải biết rằng ở độ tuổi này, đứa trẻ chưa hề chủ động tất cả mọi ý thức của mình. Vì vậy mà cha mẹ hãy cứ bình thường, bình tĩnh cái đã, tích cách của trẻ thì dần dần mới thành cái nếp của nó, chứ không phải ngay từ một vài hiện tượng, vài câu nói mà trở thành tính hư hay thói xấu gì đó. <br/> </i>
Tiến sĩ Bích Hồng
Không nên đánh đập, mà chúng ta chỉ nên nhẹ nhàng để giúp cho trẻ, nói như thế nào cho trẻ thấy có lý mà thôi. Chúng ta phải bình thường khi nghe những điều không đúng, không có trong thực tế. Sau đó, một thời gian thì chúng ta hỏi lại chuyện đó như thế nào…
Trẻ sẽ nói lại và nói khác đi, chúng ta sẽ biết trẻ nói thật hay nói dối trong một trường hợp cụ thể. Hơn nữa, nó đang coi một bộ phim hay đang chơi một trò chơi thì nó sẽ nghĩ ra chuyện này, chuyện khác mà trẻ biạ chuyện, thì chuyện đó không quan trọng, nó cũng không ảnh hưởng gì.
Ngoại trừ, trẻ nói một chuyện gì đó mà chúng ta thấy có ảnh hưởng, hại đến người khác. Lúc bấy giờ, chúng ta phải tìm cách xem xét như thế nào… Nếu trẻ chỉ nói bâng quơ, thì ta nên để sống theo trí tưởng tượng của mình và khi trẻ lớn hơn một chút, thì trẻ sẽ phân biệt được cái nào là thực, cái nào là ảo.
Ngoài việc tránh đánh giá hành vi đạo đức của trẻ, cha mẹ cũng không nên để trẻ kể huyên thuyên mà không có phản ứng gì. Vì thế, cần phải có một thái độ tích cực và giúp trẻ phân biệt giữa thực tế và tưởng tượng. Đồng thời, không nên ngăn cấm trẻ tưởng tượng vì:
Khi trẻ nói dối do trí tưởng tượng, đôi khi điều đó rất cần thiết vì nó kích thích cho sự sáng tạo của đứa trẻ về sau này. Trong trường hợp trẻ nói dối, biạ chuyện để tránh một tội gì đó, xét cho cùng là vì trẻ muốn tự vệ, muốn được an toàn mà thôi. Nếu muốn cho con mình không nói dối nữa, thì cha mẹ phải giúp cho con hiểu sự thực hơn là con nói dối, và khi con nói thật, thì cha mẹ hãy tỏ sự khoan dung, độ lượng, khi nó đã nhận lỗi của nó rồi, hơn là chúng ta quát mắng, đánh đập trẻ một cách nặng nề.
Nói tóm lại, nhiều khi trẻ bịa chuyện chưa hẳn vì muốn lừa dối bố mẹ hay tạo nên một tật xấu. Vì vậy, cha mẹ cần phải đối thoại với trẻ để tìm hiểu xem các em muốn gì khi kể câu chuyện bịa ấy. Và điều quan trọng hơn cả là phải giữ thái độ bình thường, không làm căng thẳng tình huống câu chuyện, tránh có thái độ lên án và xử phạt. Có như thế, sẽ không làm mất đi trí tưởng tượng của trẻ và lại ngăn ngừa được tật nói dối về sau này.
Mong rằng một số thông tin vừa rồi phần nào sẽ giúp ích cho quí vị. Phương Anh xin ngừng nơi đây. Hẹn gặp lại qúi vị vào kỳ sau.