Đồng tính nam

Trong khi ở các nước phát triển phương Tây, đồng tính luyến ái từ lâu đã trở thành vấn đề khá phổ biến, thì ở Việt Nam, đây vẫn là một chủ đề còn khá mới.
Việt Hà phóng viên RFA
2009.11.19

Người đồng tính bao gồm đồng tính nam và đồng tính nữ. Tại Việt nam, thời gian gần đây,  những người đồng tính nam được báo chí nói

Biểu ngữ phòng chống bệnh AIDS
Biểu ngữ phòng chống bệnh AIDS được treo nhiều nơi trong thành phố.AFP photo
AFP photo
đến nhiều hơn cả. Vậy nam đồng tính ở Việt Nam là ai, họ sống ra sao?

Thế nào là đồng tính nam?

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Như trong một bài viết trên Sài gòn tiếp thị, thì những người đồng tính luyến ái, về mặt sinh học hoàn toàn bình thường. Nam giới đồng tính không phải do thiếu nội tiết tố sinh dục nam, nên họ chẳng cần thử máu để xem có bình thường hay không và cũng không cần phải điều trị.

Hiện vẫn chưa có một thống kê cụ thể nào về con số nam đồng tính tại Việt Nam. Nhưng theo một nghiên cứu do tổ chức phi chính phủ Care thực hiện tại Việt Nam, con số này là vào khoảng 50,000 đến 125,000 người.

Đối với đa số những người đồng tính nam hay còn được gọi là các msm (tức là viết tắt của từ men who have sex with men, những người phái nam làm chuyện tình dục với người đồng phái), thì đồng tính chỉ là một dạng xu hướng tình dục. Nguyễn Văn Dũng, một msm công khai mình là người đồng tính trong cuốn tự truyện ‘bóng’ xuất bản năm 2008 tại Việt Nam, thì cho rằng đồng tính không phải là căn bệnh và cũng không phải là sự đua đòi. Và đồng tính chỉ là một điều hết sức tự nhiên của con người.

Cuộc sống của những msm và quan điểm trong xã hội về đồng tính nam

Theo một nghiên cứu gần đây của một tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam về tình dục đồng giới, sự kỳ thị và hệ quả xã hội, thì có đến 95% các msm muốn có các chương trình truyền thông dành cho đồng tính nam dưới góc nhìn khoa học để giảm sự kỳ thị trong xã hội.

Việc công khai mình là người đồng tính đối với các msm ở Việt Nam là hết sức khó khăn do lo sợ bị kỳ thị trong gia đình và xã hội. Bạn Vũ Tùng, một msm là sinh viên ở Hà nội, trưởng một nhóm tự lực dành cho các msm nói:

Vũ Tùng: thật ra, ở Việt Nam, vấn đề msm không được lộ diện ra, chỉ có một số nhóm ví dụ như nhóm các bạn chuyển đổi giới tính hoặc các bạn gay lộ. Các bạn lộ thì gặp phải nhiều khó khăn, ví dụ các bạn sẽ không được nhận vào các cơ quan, các công ty, còn đối tượng gay kín như bọn em thì vẫn sinh hoạt bình thường. Bọn em chỉ có không tiết lộ với mọi người. Và nếu bọn em tiết lộ ra thì bọn em sẽ gặp phải phản ứng từ gia đình đầu tiên. Ai đi học ở trong nhà trường thì có một số bạn gặp phải khó khăn khi đi học, bởi sự kỳ thị khi mà các bạn sẽ cô lập bạn đó lại và có những cái không được hòa đồng, thiện cảm với các bạn.

Những gay kín là những msm mà nếu chỉ nhìn bề ngoài qua cách họ nói năng, đi đứng, ăn mặc thì khó có ai có thể biết được là họ có xu hướng tình dục đồng tính. Những người này thường hay chọn cách giấu kín mình. Họ thậm chí vẫn lấy vợ và có con bình thường do sức ép từ phía gia đình. Và cũng chính vì thế họ không cảm thấy thực sự hạnh phúc với cuộc sống của mình. Anh Nguyễn Chung Tài, một msm và là một tình nguyện viên của một nhóm tự lực dành cho các msm tại Hà nội kể chuyện về một trường hợp gay kín như thế này:

Nguyễn Chung Tài: những người đồng tính hầu hết họ không công khai, không thừa nhận mình là người đồng tính với gia đình. Em tiếp xúc với nhiều và tư vấn nhiều. Thực sự họ là người đồng tính, họ không muốn lấy vợ, nhưng mà do sức ép gia đình họ vẫn lấy vợ. Có một trường hợp em tư vấn, đã lấy vợ, vào đêm tân hôn anh kia nói là nhìn mặt cô vợ mà thấy ghê tởm, anh ấy không có một chút cảm tình nào với cô vợ ấy cả và sau hơn một tháng lấy nhau thì hai vợ chồng làm đơn li dị.

Với một số đông người dân, đồng tính luyến ái là không bình thường, thậm chí là bệnh hoạn. Đối với rất nhiều người, các msm thường được hiểu là những người có hình thể đàn ông mà lại thích ăn mặc, trang điểm giống phụ nữ hoặc là những người đã được phẫu thuật chuyển giới (hay còn được gọi là các gay lộ). Em Lê Thu Huyền, một sinh viên đại học ở Hà nội, cho biết ý kiến của em về những người msm như sau:

Lê Thu Huyền: cháu thấy không bình thường, với cả cháu không thích những người như thế, tại vì họ có những cái biểu hiện, cách ăn mặc không bình thường. Với cả nhiều người thấy bảo bệnh hoạn, công khai quá, ở đây người ta không chấp nhận những người như thế.

Ngoài ra, định kiến đối với người đồng tính còn thể hiện trên báo chí. Theo một nghiên cứu trên 500 bài báo thuộc bốn báo in và 6 báo mạng do Việt Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường thực hiện, thì tỷ lệ các bài báo kỳ thị chiếm đến 41%.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, cũng đã có một số ít người bắt đầu nhìn nhận người đồng tính như những người bình thường khác. Trong một cuộc thăm do dư luận năm 2007 của đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí minh, trả lời câu hỏi ‘người đồng tính có xấu hay không?’ thì có đến hơn 80% học sinh đã trả lời là không. Các học sinh này giải thích đó là quyền tự do của mỗi người hoặc việc là người đồng tính không phải là lỗi của họ.

Quan điểm của chính phủ

Ở Việt Nam hiện vẫn chưa có một văn bản pháp luật nào dành riêng cho những người msm. Thực tế trớ trêu là các msm ở Việt Nam chỉ thực sự được chú ý đến hơn kể từ sau khi căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS xuất hiện ở đây hồi đầu thập kỷ 90 của thể ký trước. Trong nỗ lực ngăn cản sự lây lan của căn bệnh này, chính phủ Việt Nam ban hành  một số các nghị định, chỉ thị liên quan đến nhóm người này. Năm 2002, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội kêu gọi liệt kê đồng tính luyến ái là một trong các ‘tệ nạn xã hội’ cần phải bài trừ như mại dâm và ma túy. Chỉ thị 54 ra ngày 30 tháng 11 năm 2005 của Ban chấp hành Trung ương Đảng đã xếp những người đồng tính nam vào nhóm có nguy cơ cao lây nhiễm HIV/AIDS.

Trong khi quan điểm của xã hội Việt nam về đồng tính luyến ái vẫn còn chưa được định hình rõ ràng, thì đã có một số các câu lạc bộ, nhóm tự lực dành cho các msm và các msm có AIDS được hình thành. Các nhóm này họat động ra sao và góp ích gì trong việc giảm kỳ thị cho cộng đồng msm tại Việt nam? Việt Hà xin hẹn gặp lại quý thính giả trong bài tìm hiểu tiếp theo vào kỳ phát thanh tới.


Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.