Không có dấu hiệu nào lúc này chứng tỏ Trung Quốc sẽ tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông trong thời gian tới, là bản tin của báo Focus Taiwan số ra ngày 18/5, trích dẫn lời Trung tướng Ye Gou-huei, chuyên trách chiến dịch và kế hoạch quân sự Bộ Quốc Phòng Đài Loan.
Vẫn theo trang Focus Taiwan, được báo chí trong nước đăng tải lại, tại cuộc họp báo của Ủy ban Đối ngoại và Phòng vệ Nghị viện Đài Loan hôm 4/5, viên chức đầu ngành Bộ Quốc Phòng xứ này, mà truyền thông trong nước gọi là Cơ Quan Phòng Vệ Đài Loan, cho biết Trung Quốc đang có kế hoạch lập ADIZ trên Biển Đông, nơi Bắc Kinh từ lâu đơn phương vẽ ra đường đứt khúc 9 đoạn, tức đường lưỡi bò, để xác định chủ quyền gần 90% khu vực biển này.
Tuy nhiên, đến cuộc họp Hội Đồng Lập Pháp Đài Loan ngày 18/5, Trung tướng Ye Gou-huei lại nói không có dấu hiệu gì cho thấy Trung Quốc có thể thực hiện ý đồ ADIZ của họ. Theo ông thì có một số lý do, chẳng hạn ADIZ Biển Đông có thể gây chồng chéo đối với ADIZ Philippines trước đó.
Thực tế ADIZ được hiểu là không phận của một quốc gia, máy bay của bất cứ nước nào đi vào đó phải khai báo và chịu sự kiểm soát của quốc gia ấy.
Trên nguyên tắc vùng ADIZ của một nước được thiết lập phù hợp với nhu cầu quốc phòng của mình, còn luật pháp quốc tế không có nền tảng pháp lý nào cho việc thiết lập ADIZ.
Từ tháng 11/2013 Trung Quốc đã thông báo lập vùng nhận dạng phòng không ADIZ trên biển Hoa Đông, nơi có sự chồng lấn các vùng ADIZ do Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc lập ra, dẫn đến phản ứng từ các nước này. Dư luận các phía liên quan tin rằng sau khi đã lập ADIZ trên biển Hoa Đông, Trung Quốc sẽ tiến tới hành động tương tự trên Biển Đông.
Thăm dò dư luận bằng cách bắn tin về kế hoạch lập khu vực nhận diện phòng không trên Biển Đông, cũng như biển Hoa Đông trước đây, là nhận định của nhà nghiên cứu Biển Đông, tác giả cuốn Hoàng Sa-Trường Sa, Luận Cứ & Sự Kiện, thạc sĩ Đinh Kim Phúc:
"Trung Quốc bắn tin ra để thăm dò các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng như thế giới. Theo tôi nghĩ hiện nay, trong thời kỳ Trung Quốc đang bị gánh nặng đại dịch COVID, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa chấm dứt, lại còn phải đối phó với những chỉ trích của thế giới, thì việc thiết lập khu vực nhận diện phòng không trên Biển Đông chưa có khả năng xảy ra trong tương lai gần, cụ thể hơn là trong 6 tháng cuối 2020 này".
Mặt khác, ông nói tiếp, nếu Trung Quốc tuyên bố khu vực nhận dạng phòng không trên Biển Đông thì có nhiều vấn đề xảy ra:
"Thứ nhất, Trung Quốc tự biến khu vực Đông Nam Á trong tình trạng chiến tranh. Thứ hai, nếu Trung Quốc chỉ tuyên bố khu vực nhận dạng phòng không trên 7 điểm cưỡng chiếm của Việt Nam bằng vũ lực thì coi như yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc phải vất bỏ. Còn nếu trung Quốc thành lập ADIZ trên toàn khu vực đường lưỡi bò mà Trung Quốc tuyên bố thì đó là một thách thức với thế giới. Trung Quốc vừa vi phạm Hiến Chương Liên Hiệp Quốc vừa vi phạm Điều 87 Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982 mà Trung Quốc là thành viên. Vi phạm thì thế giới sẽ không chấp nhận".

Đối với tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, chuyên gia Đông Nam Á tại đại học Singapore, việc Trung Quốc muốn lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông là chuyện rõ ràng, vấn đề là sớm hay muộn thôi:
"Không phải chỉ Đài Loan mà ngay cả Việt Nam, ngay cả Philippines, cũng nhìn thấy Trung Quốc lập vùng nhận dạng phòng không bất kỳ lúc nào"
“ Thế thì nói rằng chưa có dấu hiệu cũng không có gì mâu thuẫn với nhau cả. Trung Quốc đã chuẩn bị từ rất lâu rồi, ít nhất từ 2002 rồi. Họ đã chiếm những đảo đá, những vùng san hô, những thực thể nổi và chìm rồi làm ra 7 đảo nhân tạo lớn có đường băng, có khả năng tiếp nhận những năng lực như phòng không, tên lửa, khí tài… Trên không gian thì họ bổ sung và tăng cường một số vệ tinh, đủ để có thể tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không”.
Cũng đã 3 lần, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhắc lại, Trung Quốc dọa sẽ lập vùng nhận dạng phòng không nếu máy bay Mỹ tăng cường bay vào Biển Đông:
"Mỗi nước đều có vùng nhận dạng phòng không của họ, và thật sự theo Luật Quốc Tế mà nói thì vùng ADIZ của hai nước mà chồng lấn lên nhau cũng không thành vấn đề. Cũng như vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc lập ở Biển Hoa Đông, nó chồng lên vùng ADIZ của Nam Hàn, không là vấn đề gì cả. Với Biển Đông thì nhận định của chúng tôi ở đây là Trung Quốc sẵn sàng làm bất kỳ lúc nào"
Thông tin về việc chưa có dấu hiệu chứng tỏ Trung Quốc sẽ tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, mà bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Đài Loan đưa ra, không phải là không có căn cứ. Một nhà quan sát Biển Đông khác ở trong nước, Thạc sĩ Luật Hoàng Việt, khẳng định ADIZ Biển Đông mà Trung Quốc muốn tiến tới chỉ là vấn đề thời gian mà thôi:
"Trước đây, từ năm 2013-2014, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng nếu Trung Quốc thành lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông thì cũng sẽ không có năng lực trong thực tế để kiểm soát hết vùng này".
“Tuy nhiên đến giờ tình thế đã thay đổi. Trong 7 cấu trúc địa lý Trung Quốc đã chiếm ở Trường Sa, đã bồi lấp thành các đảo nhân tạo và trên đó thiết lập 7 căn cứ quân sự, bên cạnh khu vực Hoàng Sa mà Trung Quốc đang tiếp tục biến nó thành căn cứ quân sự. Như vậy rõ ràng Trung Quốc đã có đầy đủ cơ sở vật chất, khả năng vùng nhân diện phòng không trên Biển Đông đã được đặt ra. Trung Quốc càng ngày càng muốn thể hiện sức mạnh của mình, muốn chứng tỏ khả năng từ từ kiểm soát vùng Biển Đông này”.
Thông qua việc loan báo ý định lập ADIZ Biển Đông thì Trung Quốc cũng muốn đo lường, đánh giá mức độ phản ứng của thế giới ra sao, là kết luận của thạc sĩ Luật Hoàng Việt.

Trả lời Ban Việt Ngữ đài Á Châu Tự Do qua điện thư hôm 18/5, chuyên gia Carl Thayer thuộc Viện Hàn Lâm Quốc Phòng Australia, hiện là giáo sư thỉnh giảng đại học New South Wales ở Canberra, cho biết dứt khoát Trung Quốc không sớm tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên toàn thể hoặc trên các thực thể họ bồi đắp tại khu vực ông gọi là biển Hoa Nam tức Biển Đông theo tên Việt Nam.
Lý do chính, giáo sư Carl Thayer nói, Trung Quốc không đủ khả năng quán xuyến cả toàn phần hay một phần khu vực Biển Đông. Trước hết, ông giải thích tiếp, Trung Quốc thiếu hẳn điểm hậu cần quan trọng trên bãi Scaborough để từ đó kết nối với đảo Phú Lâm (Woody) thuộc Hoàng Sa cũng như với đá Vành Khăn và đá Subi của Trường Sa, hình thành một vùng tam giác có chức năng theo dõi, kiểm soát hữu hiệu vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Nam.
Thứ hai, Trung Quốc không đủ sức huy động nhiều máy bay để nghênh chặn những chuyến bay quân sự hay dân sự trái phép từ các nước xâm nhập vùng ADIZ mà họ lập ra.
Đề cập đến sự kiện năm 2013, vào khi Trung Quốc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông, chuyên gia Thayer nhắc lại phản ứng tức thời lúc đó là máy bay tiêm kích B-52 của Hoa Kỳ đã bay qua vùng nhận dạng phòng không này. Chính vì vậy, ông cho rằng nếu Bắc Kinh nay mai tuyên bố vùng ADIZ Biển Đông thì sự việc sẽ diễn ra y hệt như thế.
Hiện Mỹ đang tăng cường sự hiện diện của hải quân và không lực trên Biển Hoa Nam, vào khi tàu sân bay USS Theodore Rosevelt tạm thời vắng mặt vì dịch bệnh COVID-19 bùng phát, còn phi cơ oanh tạc từ Texas bay đến Guam hay những nơi khác trên biển Hoa Nam vẫn sẵn sàng xuất phát. Đó là chưa kể chiến hạm USS America, đang được tái trang bị thành tàu sân bay để bổ sung cho khu vực.
Dưới mắt chuyên gia Carl Thayer, việc đánh tiếng sắp tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông chỉ là trò tuyên truyền của Trung Quốc, không những gặp sự phản kháng mạnh từ các nước mà còn bị thách thức từ Hoa Kỳ.
Được biết trong phiên họp Hội Đồng Lập Pháp Đài Loan hôm 18/5, một viên chức quân sự cấp tướng, ông Chen Kuo-hua, cảnh báo Trung Quốc đã tăng cường máy bay tuần tra trên Biển Đông trong những tháng gần đây nhằm củng cố chủ quyền trái phép mà họ yêu sách tại khu vực tranh chấp này.