Điều chỉnh giá điện phù hợp thị trường: nhiệm vụ bất khả thi!

0:00 / 0:00

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, hôm 5/2/2024 đã yêu cầu EVN khi xem xét điều chỉnh giá điện phải phù hợp thị trường…

Doanh nghiệp độc quyền sao có thể phù hợp giá thị trường? Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002 khi trả lời RFA hôm 6/2/2024, nhận định:

“Xử lý độc quyền là một vấn đề phức tạp. Doanh nghiệp độc quyền thì cần có sự giám sát của các tổ chức xã hội và của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, để tránh việc doanh nghiệp cả nước độc quyền có thể lạm dụng vị thế độc quyền đó để tìm kiếm các lợi nhuận quá cao. Đây là điều kinh nghiệm các nước về kinh tế thị trường đều đã có tổng kết.”

Để khắc phục được bao cấp trong ngành điện thì theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh phải vận dụng được đầy đủ các yếu tố về cơ chế thị trường, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, xem xét việc công khai giá cả và hình thành giá cạnh tranh trên thị trường, phải có đối tác cạnh tranh với nhau, để tránh độc quyền.

Doanh nghiệp độc quyền thì cần có sự giám sát của các tổ chức xã hội và của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, để tránh việc doanh nghiệp cả nước độc quyền có thể lạm dụng vị thế độc quyền đó để tìm kiếm các lợi nhuận quá cao.
-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Theo ông Doanh, hiện nay đã có nguồn phát điện của tư nhân, nhưng mạng lưới phân phối điện vẫn do EVN độc quyền. Vì vậy tình trạng độc quyền vẫn đang tiếp diễn, cần có cạnh tranh về việc phân phối lưới điện. Nhưng ông Doanh cho rằng đó là vấn đề khó khăn, vì lưới điện phải được quản lý thống nhất.

Liên quan việc một doanh nghiệp độc quyền như EVN lại muốn tiếp tục tăng giá điện sau khi đã tăng giá điện hai lần trong năm 2023, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết ý kiến:

“Về vấn đề điện thì tôi phải nói là trong thời gian qua, các nguyên liệu đầu vào trong ngành điện đều tăng lên rất cao do chiến tranh ở Trung Đông cũng như cuộc đụng độ giữa Nga và Ukraine làm cho nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào như dầu than đều tăng cao… Vì vậy cho nên ngành điện cũng bị thua lỗ và để cố gắng giải quyết vấn đề đó thì phải xử lý giữa yêu cầu tăng giá điện và khả năng đáp ứng của người dân. Ở các nước khác như Đức và Anh nếu mà tăng giá điện nhiều quá thì người dân sẽ không chịu đựng được và sẽ có phản ứng. Gần đây nông dân của Đức và Pháp cũng có phản ứng vì nhà nước đã cắt giảm trợ cấp.”

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, sự việc diễn ra ở Đức, Anh và Pháp là những bài học kinh nghiệm mà Việt Nam cần phải tham khảo.

9434ee41-d3b9-4845-b099-78d8ef371dc0.jpeg
Ảnh minh hoạ. Reuters.

Thủ tướng đưa ra yêu cầu EVN tăng giá điện theo giá thị trường do trước đó EVN đề xuất tiếp tục tăng giá điện năm 2024, do lỗ gần 38.000 tỷ đồng trong 2022-2023, dù EVN đã hai lần tăng giá điện, 3% vào ngày 4/5/2023, và lần thứ hai tăng thêm 4,5% vào ngày 9/11/2023. Giải thích vì sao hai lần tăng giá điện mà vẫn lỗ... EVN cho biết hai lần tăng giá điện trong năm 2023 chỉ có thể giúp tăng doanh thu khoảng 3.200 tỷ đồng, chưa đủ bù đắp chi phí sản xuất- kinh doanh.

Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam; nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, khi trao đổi với RFA liên quan vấn đề này cho biết:

“Theo Luật điện lực sửa đổi năm 2012, Việt Nam sẽ chuyển sang phát điện cạnh tranh, bán buôn điện và bán lẻ điện theo thị trường cạnh tranh hoàn hảo từ năm 2022. Tuy nhiên tiến độ đó cho đến hiện nay là chậm, để người dân mua muốn mua điện ở đâu cũng được, mua theo giá cạnh tranh… Bây giờ thì chỉ gọi là phát điện cạnh tranh, nhưng cũng chưa hoàn hảo vì chưa phải các loại đem vào cạnh tranh.”

Theo Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, khi việc bán buôn điện nếu thật sự cạnh tranh, thì sẽ có nhiều người tham gia mua đi bán lại điện. Nhưng hiện nay, theo ông, chỉ có một mình EVN làm chuyện đó, không có công ty tư nhân đi buôn điện bán lại, mà chỉ là những công ty con của EVN buôn điện từ Tổng công ty để bán lại với giá cao hơn. Vì vậy, hiện cạnh tranh ngành điện không có, vẫn độc quyền.

Bây giờ thì chỉ gọi là phát điện cạnh tranh, nhưng cũng chưa hoàn hảo vì chưa phải các loại đem vào cạnh tranh.
-Tiến sĩ Ngô Đức Lâm

Nếu ngành điện chưa có thị trường cạnh tranh thì liệu yêu cầu tăng giá điện theo giá thị trường của Thủ tướng có khả thi?

Trong Nghị quyết về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngoài kiên quyết loại bỏ bao cấp, độc quyền ngành năng lượng, Bộ Chính trị còn nhấn mạnh việc sử dụng năng lượng phải tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường… và những vấn đề này phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội.

Tiến sĩ Ngô Đức Lâm cho biết, tỷ lệ tư nhân sản xuất điện trong nước hiện nay vẫn quá thấp, chỉ 10%. Liệu với tỷ lệ tư nhân đầu tư buôn bán sản xuất điện quá thấp như hiện nay, thì khi hoàn tất quy hoạch ngành điện theo Luật điện lực, có thể loại bỏ bao cấp, độc quyền?