Thủ tục hành chính: chưa cải cách xong, đã thêm tiêu chuẩn mới

RFA
2023.04.03
Thủ tục hành chính: chưa cải cách xong, đã thêm tiêu chuẩn mới Người dân làm thủ tục hành chính tại Ủy ban Nhân dân quận 4, thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa chụp trước đây)
Courtesy quan4.hochiminhcity.gov.vn

Lãnh đạo TPHCM mới đây cho rằng, cần đặt mục tiêu chỉ số cải cách hành chính cao hơn. Ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) đưa ra yêu cầu vừa nêu tại Hội nghị cải cách hành chính hôm 30/3/2023.

Theo truyền thông nhà nước, dù đã cải cách hành chính nhiều năm qua, nhưng nhiều bộ, ngành, địa phương… thủ tục một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, tình trạng trễ hẹn vẫn còn phổ biến như: đất đai, xây dựng, lao động - thương binh và xã hội…

Một cán bộ về hưu, hiện sống tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Minh Triết, nguyên Bộ trưởng Bộ thương mại từ năm 1991 đến năm 1997, nhận định với RFA hôm 3/4/2023:

“Chả thấy có tiện lợi gì, chưa thấy tiến triển gì, mà chỉ thấy những cái làm khổ cho dân… Nhất là tăng thuế, chuyện đó rắc rối vô cùng, dân không đồng tình đâu. Thấy họ thông báo xuống cho dân, dân bây giờ bảo sao thì phải làm vậy, họ mà không làm thì thành chống đối.”

Chả thấy có tiện lợi gì, chưa thấy tiến triển gì, mà chỉ thấy những cái làm khổ cho dân…
-Ông Lê Minh Triết

Cải cách hành chính ở Việt Nam được tiến hành từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Thời gian đầu bị cho chủ yếu chỉ là tuyên truyền. Cho đến những năm gần đây, khi công nghệ internet phát triển, việc chuyển đổi số của chính phủ được thực hiện... dẫn tới nhiều thủ tục hành chính cũng được số hóa, hy vọng đem lại thuận lợi cho dân. Nhưng thực tế hiện nay ra sao?

Ông Thiệu, một người dân ở thành phố Hồ Chí Minh khi trao đổi với RFA hôm 3/4/2023 cho biết thực tế về thủ tục hành chính:

“Cải cách hành chính sau đợt rồi cũng có một chút tiến bộ. Cán bộ làm thủ tục hành chính giấy tờ ở Sài Gòn cũng có giảm đi một số phiền toái. Nhưng cũng chỉ là chút ít ở những cơ quan lớn nào đó thôi, chứ thật sự cũng không thay đổi được nhiều, sau một thời gian thì lại như cũ. Vì thường thường, mỗi đợt chính sách chủ trương họ đều làm theo kiểu đánh trống bỏ dùi. Tới đợt chiến dịch thì đánh trống, hô hào… được chừng một hai tháng thì đâu lại vào đó.”

Ông Thiệu cho biết rất mong muốn thủ tục hành chính có tiến bộ hơn, để  cho người dân đỡ bị mất thời gian, đỡ bị phiền toái… Tuy nhiên ông Thiệu bày tỏ lo ngại:

“Tôi đã nghe những cải cách này nhiều lần lắm rồi, nói cải cách thủ tục hành chánh từ nhiều cửa qua một cửa, một dấu… Nhưng kiểu nó cứ ương ương, làm không đến nơi đến chốn… Những đợt cải cách như vậy không thay đổi được nhiều, giảm được rắc rối này thì lại sinh ra rắc rối khác, giảm được phiền toái này lại sinh ra phiền toái khác, giảm được mất thời gian cho người dân chỗ này, thì lại mất thời gian chỗ khác… Cho nên bây giờ cứ nói chứ mình thấy chưa có gì là được.”

5bd0de1e-18b1-41e1-b61f-a8d914cf3f1d.jpeg
Ảnh minh họa chụp tại TPHCM trước đây. AFP.

Trong khi thủ tục hành chính vẫn còn nhiều vấn đề, cải cách hành chính vẫn không đạt mục tiêu… mà cơ quan quản lý lại muốn đề ra tiêu chuẩn cao hơn… thì liệu có khả thi?

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên -Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này nhận định:

“Cải cách hành chính cũng phải đến 20 năm rồi, kể cả hiện nay VN đang thực hiện chuyển đổi số, ví dụ như căn cước, hôn thú, khai sinh đều được tích hợp vào cơ sở dữ liệu dân cư dạng số. Nhưng tôi vẫn thấy Việt Nam vẫn bỡ ngỡ trong việc chuyển đổi số quản lý hành chính.”

Tôi đã nghe những cải cách này nhiều lần lắm rồi, nói cải cách thủ tục hành chánh từ nhiều cửa qua một cửa, một dấu… Nhưng kiểu nó cứ ương ương, làm không đến nơi đến chốn…
-Ông Thiệu

Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng việc chuyển đổi số trong quản lý chung về hành chính vẫn còn nhiều vấn đề, đôi khi còn phát sinh nhiều phiền phức hơn hệ thống cũ. Theo ông Võ, đáng lẽ chuyển đổi số để mọi việc đơn giản hơn, nhưng bây giờ lại có nhiều thứ phức tạp hơn. Về chủ trương thì ông Võ cho là đúng, nhưng kỹ thuật thực hiện thì vẫn chưa giải quyết được những vướng mắc cũ, mà đã phát sinh vướng mắc mới khiến nhiều người ca thán. Ông Võ nói tiếp:

“Điều thứ hai là do lòng tin bị suy giảm cũng có, bị phức tạp lên cũng có... làm cho mọi thủ tục hành chính vướng mắc nhiều thứ. Trước đây theo luật năm 2003, chuyển nhượng nhà đất thủ tục không vượt quá 15 ngày. Thế nhưng sau chuyển đổi số, hiện ở Hà Nội giải quyết từ 1 tháng cho đến 45 ngày. Riêng thời hạn đã nhiều hơn trước, tức chúng ta thấy hiệu quả mà người dân mong đợi là chưa đạt được, mặc dù vận động cải cách hành chính báo chí nói rất mạnh, chủ trương chung cũng mạnh, nhưng hiệu quả thực tế không có.”

Không chỉ các vấn đề hành chính công, theo nguyên Bộ trưởng Bộ thương mại - Lê Minh Triết, bây giờ người dân không hài lòng rất nhiều thứ, như tăng thuế hay quy hoạch đất đai treo làm người dân không cải thiện được cuộc sống, muốn sửa, muốn bán cũng không được.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.