Bà Phạm Chi Lan: Ông Võ Văn Kiệt là nhà lãnh đạo nặng lòng với đất nước

Được gọi là nhà kiến trúc của kinh tế Đổi mới bắt đầu vào thập nịên 1990, Thủ tướng Võ Văn Kiệt để lại ấn tượng là người luôn quan tâm kinh tế người dân và mạnh mẽ đặt vấn đề của đất nước.

0:00 / 0:00
VoVanKiet150.jpg
Cựu Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt về sống ở Sài Gòn sau khi nghỉ hưu. RFA file photo.

Sáng hôm 11 tháng 6, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã qua đời ở một bệnh viện tại Singapore, hưởng thọ 85 tuổi.

Ông Kiệt được xem là nhà lãnh đạo cộng sản đầu tiên của Việt Nam thực hiện những nỗ lực đổi mới kinh tế trong khi là Thủ tướng từ năm 1991 đến 1997.

Sau khi về hưu ông vẫn thường xuyên có những bài viết góp ý về vấn đề dân chủ hay những sự kiện chính trị xảy ra trong nước.

Bà Phạm Chi Lan, nguyên cố vấn Văn Phòng Thủ Tướng trước đây, dành cho Mặc Lâm của Ban Việt Ngữ cuộc trao đổi ngắn về người quá cố.

Mặc Lâm:

Thưa bà Phạm Chi Lan, là một người có nhiều năm giữ chức cố vấn cho Văn Phòng Thủ Tướng, bà có cảm tưởng gì trước sự ra đi của nguyên Thủ Tướng Võ Văn Kiệt?

Bà Phạm Chi Lan:

Tôi cũng muốn xin nói rõ là tôi không được trực tiếp làm việc với ông nhiều, bởi vì lúc ông còn đang ở cương vị thủ tướng. Tuy nhiên, cũng đã có một số cuộc họp thì tôi được tham gia và sau đó những lần khác tiếp xúc với ông thì tôi có ấn tượng vô cùng sâu sắc về con người ông.

Điều đầu tiên mà tôi có ấn tượng nhất là ông là một người có tâm rất là lớn đối với đất nước, với nhân dân, không phải chỉ người Việt Nam ở trong nước mà cả những người Việt Nam đang sống ở các nơi trên thế giới.

Bà Phạm Chi Lan

Điều đầu tiên mà tôi có ấn tượng nhất là ông là một người có tâm rất là lớn đối với đất nước, với nhân dân, không phải chỉ người Việt Nam ở trong nước mà cả những người Việt Nam đang sống ở các nơi trên thế giới.

Lòng ông lúc nào cũng hướng đến người dân cả, ông tìm mọi cách làm sao để lo cho cuộc sống của mọi người tốt đẹp hơn, lo hàn gắn tất cả những gì mà chiến tranh đã để lại cho đất nước, cho tổ quốc Việt Nam và cho những người dân Việt Nam.

Mặc Lâm:

Ông Kiệt được nhắc nhở nhiều qua việc luôn cổ vũ cho môt nền kinh tế thị trường. Theo bà thì hoạt động nào của ông được coi là điển hình trong chính sách nâng đỡ doanh nghiệp mà ông đã từng đưa ra ?

Bà Phạm Chi Lan:

Tôi là người làm việc với doanh nghiệp, và trong quá tình tiếp xúc với Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong tư cách thay mặt các doanh nghiệp, tôi thấy ông cũng rất chăm lo đến sự phát triển của doanh nghiệp. Ông đã rất chăm chú lắng nghe mỗi khi được báo cáo, được trình bày những vấn đề, khúc mắc hay là khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải.

Và ông cũng có một nỗ lực hết sức lớn để làm sao gỡ dần ra cho môi trường kinh doanh ở Việt Nam tốt đẹp hơn. Ông hiểu rất rõ là các doanh nghiệp có hoạt động tốt thì nền kinh tế mới phát triển được và mới tạo được công ăn việc làm cho những người khác trong xã hội.

Mặc Lâm:

Khi về hưu thì ông có hoạt động gì đáng để ý, thưa Bà?

Bà Phạm Chi Lan:

Khi ông đã nghỉ rồi thì cũng vẫn có dịp này khác tôi được gặp ông. Lúc đó tôi với tư cách là một người đang tham gia vào công việc nghiên cứu, thì thấy ông cũng động viên rất nhiều những người nghiên cứu phải có nỗ lực rất lớn cũng như là sự kiên trì trong việc đưa ra những đề xuất của mình, làm sao để dần dần cho các nhà lãnh đạo nhà nước cũng như là người dân hiểu hơn được tình hình kinh tế, những khó khăn của đất nước mình, và cùng nhau tìm những cách tháo gỡ để cho đất nước phát triển được. Thì đấy là những điều mà ông để lại ấn tượng hết sức lớn cho tôi.


Mặc Lâm:

Bà có nghĩ rằng dân chúng hay cán bộ trong thời gian ông đương quyền thì có cùng một tình cảm luyến tiếc ông hay không?

Bà Phạm Chi Lan:

Người dân thì vô cùng quý trọng Thủ Tướng Kiệt. Khi còn ở cương vị thủ tướng thì ông đã là một người làm việc với những hành động rất quyết liệt, rất cả quyết khi mà quyết tâm thực hiện những công cuộc cải cách. Ông là một trong những người đề xướng và thúc đẩy cải cách đất nước.

Khi còn ở cương vị thủ tướng, ông đã là một người làm việc với những hành động rất quyết liệt, rất cả quyết khi mà quyết tâm thực hiện những công cuộc cải cách. Ông là một trong những người đề xướng và thúc đẩy cải cách đất nước.

Bà Phạm Chi Lan

Hai nữa, ông là một người mà ngay khi rời cương vị lãnh đạo của mình rồi thì vẫn tiếp tục sống thân cận người dân, chăm lo tìm hiểu cuộc sống của người ta và luôn luôn tìm cách để lên tiếng cho những vấn đề của người dân.

Nhất là những người ở những vùng khó khăn cảm nhận thấy ở ông một sự gần gũi, một sự đồng cảm, một sự chia sẻ, và một cái dũng khí luôn luôn nói lên được những điều mà người dân suy nghĩ.

Mặc Lâm:

Bà vừa nhắc đến hai chữ "dũng khí" làm cho chúng tôi liên tưởng đến việc ông thường cổ vũ báo chí là hãy can đảm và mạnh dạn chống những biểu hiện tiêu cực, đặc biệt là tờ Tuổi Trẻ là nơi ông thường lui tới nhất. Báo chí thế giới đánh giá ông Kiệt là người tiên phong trong việc đổi mới kinh tế và những nhận định về dân chủ của ông cũng có vẻ thiên về khuynh hướng xem xét lại chính sách ứng dụng của đảng. Bà có chia sẻ quan điểm này hay không?

Bà Phạm Chi Lan:

Tôi nghĩ ông Kiệt cũng là một người thường mạnh mẽ và lên tiếng về nhiều chuyện, trong đó có cả những chuyện là quyền của người dân được nêu lên các vấn đề của mình hay quyền của báo chí được nêu lên, phản ánh những vấn đề của xã hội, thì cũng được ông luôn luôn khuyến khích. Và ông là người rất thẳng thắn, rất bộc trực trong việc nêu lên những ý kiến của mình.

Mặc Lâm:

Theo bà thì những gì ông Kiệt cổ vũ và theo đuổi đó có được những đời Thủ Tướng sau ông nối tiếp những dang dở mà ông để lại hay không?

Bà Phạm Chi Lan:

Tôi nghĩ là công cuộc đổi mới thì vẫn được tiếp tục, kể cả sau khi ông Kiệt rời chức thủ tướng. Những thủ tướng kế nhiệm ông sau này thì cũng đều tiếp tục đường hướng đổi mới của ông và những người lãnh đạo đã nêu ra từ truớc đó, đề ra từ trước đó. Cho nên công cuộc đổi mới có thể nói là cũng chưa bao giờ bị đứt đoạn ở Việt Nam, kể cả sau khi ông đã rời cương vị.

Sau này kể cả khi rời nhiệm sở thì ông vẫn tiếp tục giúp những người kế nhiệm để có thể hoàn thành tốt công việc của mình. Và tôi tin là bây giờ khi ông nằm xuống rồi thì công cuộc đổi mới cũng sẽ vẫn tiếp tục. Những người kế nhiệm ông cũng như là mọi người dân trên đất nước này sẽ thương tiếc ông và nhớ ông bằng cách là cố gắng làm thật tốt những điều mà ông đã từng trăn trở hoặc là ông đã nhắn nhủ, ông đã góp ý.