Chiều 7 tháng 6 năm 2023, UBND tỉnh Đồng Tháp trao quyết định bổ nhiệm ông Đoàn Tấn Bửu, phó chủ tịch UBND tỉnh, giữ chức vụ giám đốc Sở Y tế tỉnh này.
Nghi ngờ khái niệm “lãnh đạo”
Trước đó, vào tháng 1 năm 2023, ông Đoàn Tấn Bửu bị Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo do đã có vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về Đảng. Những vi phạm, khuyết điểm của ông Bửu bị coi là có nguy cơ gây thiệt hại lớn ngân sách nhà nước, gây dư luận bức xúc, làm giảm uy tín của cấp ủy và chính quyền tỉnh.
Xét về nguyên tắc quản lý, sự ưu ái với ông Đoàn Tấn Bửu là bất công, vì đã ngăn cản sự phấn đấu vươn lên của hàng loạt cán bộ, công chức Sở Y Tế đã từng đạt các thành tích tốt đẹp trong công cuộc phòng chống dịch COVID-19, mà dịp đó, ông Đoàn Tấn Bửu đã từng có vi phạm đến mức bị kỷ luật. Thế nên, theo tôi, quyết định bổ nhiệm ông Đoàn Tấn Bửu vào chức vụ Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp nên bị thu hồi. - Một luật sư
Một luật sư nổi tiếng trong lĩnh vực nhân quyền, không muốn nêu danh tính, nói với RFA hôm 8 tháng 6 rằng, bản thân khái niệm “lãnh đạo” luôn luôn hàm ý yêu cầu về tài năng, đức độ của người đứng đầu một cơ quan, tổ chức. Theo đó, lãnh đạo là người có khả năng nêu gương và là động lực cho thuộc cấp. Thế nhưng, đọc bản tin bổ nhiệm một giám đốc Sở Y Tế ở một tỉnh miền Tây, tôi không khỏi nghi ngại về những điều đang xảy ra. Vị luật sư này nói tiếp:
“Ông Đoàn Tấn Bửu, một người vừa bị Thủ tướng Chính phủ kỷ luật với mức cảnh cáo về vi phạm, khuyết điểm liên quan công tác phòng, chống dịch Covid 19 tại tỉnh Đồng Tháp vừa được ký quyết định bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Y Tế tỉnh này?!
Xét về lý, sự bổ nhiệm này đã bất chấp quy định nhà nước về thời hạn cảnh cáo có giá trị là một năm kể từ thời điểm có quyết định kỷ luật (tháng 11/2022 - tháng 11/2023). Cho thấy, dù đang trong thời gian chịu kỷ luật hành chính, nhưng ông Đoàn Tấn Bửu vẫn được xem xét bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo một cách đầy ưu ái và khó hiểu.
Xét về nguyên tắc quản lý, sự ưu ái với ông Đoàn Tấn Bửu là bất công, vì đã ngăn cản sự phấn đấu vươn lên của hàng loạt cán bộ, công chức Sở Y Tế đã từng đạt các thành tích tốt đẹp trong công cuộc phòng chống dịch COVID-19, mà dịp đó, ông Đoàn Tấn Bửu đã từng có vi phạm đến mức bị kỷ luật. Thế nên, theo tôi, quyết định bổ nhiệm ông Đoàn Tấn Bửu vào chức vụ Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp nên bị thu hồi."
Khi được hỏi về việc bổ nhiệm ông Đoàn Tấn Bửu, Bác sĩ Đinh Đức Long cho rằng:
“Vì ông ấy bị kỷ luật chắc người ta khó cho ông ấy giữ chức vụ cũ nên “đánh” xuống giám đốc sở y tế, tức là xuống một mức. Như vậy xét về quy trình kỷ luật người ta không sai. Còn việc tại sao lại chọn ông ấy làm giám đốc sở mà không chọn người khác thì đó là chuyện của tổ chức, mình không thể biết được. Còn chuyện người dân đồng tình hay không thì chỉ là cảm tính của người ta thôi.”
Chuyện “thường ngày ở huyện”!
Chuyện điều chuyển quan chức bị kỷ luật về một đơn vị khác được coi là chuyện bình thường ở Việt Nam. Thậm chí có trường hợp điều chuyển về một cơ quan khác trước khi chính thức bị đưa ra xét xử và tuyên án tù như trường hợp ông Đinh La Thăng trước đây. Ông Thăng bị đưa về làm phó Ban Kinh Tế Trung ương rồi bị đưa ra xét xử trong hai vụ án với tổng mức án tù lên đến 31 năm. Hay trường hợp ông Trương Minh Tuấn bị ngưng chức Bộ trưởng Thông tin- Truyền thông, lại được điều chuyển về Ban Tuyên giáo trung ương, nơi được cho là tập trung những nhân vật ‘lão luyện’ có khả năng vạch ra chủ trương, đường lối nhằm bảo vệ sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng.
Tiến sĩ Hoàng Dũng nhận định về thực trạng lãnh đạo sai phạm vẫn được thăng chức, với RFA:
“Ở Việt Nam vấn đề không phải pháp lý mà vấn đề nằm ở người cầm cân nảy mực thực hiện pháp lý đó vì người ta sẵn lòng đạp qua pháp lý dù pháp lý do chính người ta soạn thảo ra. Pháp luật chẳng qua nói chơi cho vui, cái chính phụ thuộc người nào cầm quyền. Người cầm quyền tử tế theo pháp luật, người nào không tử tế chà đạp pháp luật người dân không cách nào giải quyết.”
Tháng 4 năm 2023, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên ký ban hành Quy định số 1300 về miễn nhiệm, từ chức của cán bộ; điều chuyển, thay thế, bố trí công tác đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý sau khi bị kỷ luật hoặc uy tín giảm sút; năng lực hạn chế. Qui định nêu rõ, cán bộ muốn tiếp tục công tác sẽ căn cứ vào năng lực, đạo đức, kinh nghiệm để xem xét, bố trí công tác phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan. Sau 24 tháng ở vị trí mới, nếu khắc phục tốt những sai phạm, khuyết điểm... thì được xem xét bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử lại chức danh đã đảm nhiệm hoặc tương đương.
Ở Việt Nam vấn đề không phải pháp lý mà vấn đề nằm ở người cầm cân nảy mực thực hiện pháp lý đó vì người ta sẵn lòng đạp qua pháp lý dù pháp lý do chính người ta soạn thảo ra. Pháp luật chẳng qua nói chơi cho vui, cái chính phụ thuộc người nào cầm quyền. Người cầm quyền tử tế theo pháp luật, người nào không tử tế chà đạp pháp luật người dân không cách nào giải quyết. - Tiến sĩ Hoàng Dũng
Điều đáng nói là việc xét lại được giao cho đơn vị đang quản lý cán bộ bị kỷ luật làm việc. Do đó, nhiều người cho rằng, việc đó có thể sẽ xảy ra tiêu cực, khi cán bộ làm việc không ra gì, đạo đức chưa tốt, nhưng vẫn được đánh giá tốt. Theo vậy, việc kỷ luật, xem xét chỉ mang tính hình thức, không khách quan, độc lập.
Theo số liệu thống kê trong nhiệm kỳ 5 năm 2016-2020, có 113 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, một số bị xử lý hình sự. Tại hội nghị trực tuyến cuối năm 2019 của Chính phủ với các địa phương, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, ông không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình mà trái lại rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung nên “phải kỷ luật vài người để cứu muôn người”.
Với con số trên 100 cán bộ bị kỷ luật trong vòng ba năm liên tiếp (2016 đến 2019), Tiến sĩ Nguyễn Quang A, lúc bấy giờ, nhận định với RFA:
“Trên 100 cán bộ được cho là rất gương mẫu, được chọn lựa bài bản theo đúng quy trình thì có thể thấy đấy là con số không nhỏ và nó chứng tỏ rằng hệ thống nó không hoạt động nghiêm túc. Cái mà họ gọi là quy trình cũng có thể hiểu là thể chế. Chỉ có họ với nhau thôi thì cái thể chế đấy nó sẽ không hiệu quả về thực tiễn cũng như lý thuyết.”
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, muốn có luật trị nghiêm minh thì luật pháp phải rõ ràng và cái quan trọng nhất là tư pháp phải độc lập. Hệ thống tư pháp, tòa án, công tố phải độc lập với chính trị. Phải có tự do ngôn luận, tự do báo chí, bởi vì báo chí nói lên tiếng nói giám sát các quan chức chính trị hay các nhân viên công chức Nhà nước xem họ có làm việc nghiêm túc hay không.