Campuchia: Biểu tình phản đối phiên xử 23 công nhân

Quốc Việt, thông tín viên RFA, Campuchia
2014.04.25
Người biểu tình phẫn nộ cảnh sát xô xát và kéo ra khỏi khu vực phiên tòa sáng ngày 25/4/2014. Người biểu tình phẫn nộ cảnh sát đàn áp bị kéo ra khỏi khu vực phiên tòa sáng ngày 25/4/2014.
Photos by: Quốc Việt/RFA

Nghe bài này

 

Tòa án sở thẩm Phnom Penh sáng ngày 25/4 đã mở phiên xử 23 công nhân và các nhà hoạt động nhân quyền bị bắt trong cuộc đụng độ cách đây hơn bốn tháng mặc dù các tổ chức nhân quyền quốc tế kêu gọi trả tự do cho họ.

Phiên xử của 23 công nhân và lãnh đạo Công đoàn đã bắt đầu vào lúc 8 giờ sáng, khi các tù nhân đã được đưa đến phòng xử cùng hàng chục an ninh bảo vệ chặt chẽ.

Tại phiên xử, các thẩm phán điều tra và công tố viên của tòa án đã cáo buộc Chủ tịch Công đoàn dệt may Vorn Pao và các lãnh đạo Công đoàn cùng công nhân về tội cố ý gây bạo lực và phá hoại tài sản công cộng. Các thẩm phán đưa ra bức ảnh 23 bị cáo tham gia biểu tình làm bằng chứng, đồng thời cáo buộc nhóm này là chủ mưu gây mất trật tự xã hội khi bế tắc chính trị xứ chùa Tháp chưa được giải quyết.

Trong phiên xử, thẩm phán đã từ chối những lời giải thích của các bị cáo và thường xuyên cắt ngang những lời phát biểu của luật sư bào chữa. Phiên xử đã tạm ngưng vào lúc 4 giờ chiều vì lý do an toàn của các bị cáo. Dự kiến phiên xử sẽ mở lần hai vào lúc 8 giờ sáng ngày 6/5.

Bà Prak Sovannary là vợ của bị cáo Vorn Pao nói với RFA sau phiên xử kết thúc rằng bà không còn tin tưởng vào tòa án của Campuchia vì tòa xử ép, thiếu công bằng, không minh bạch và thiếu bằng chứng.

Bà Sovannary nói thêm: “Tôi kêu gọi các tổ chức dân sự quốc tế và trong nước cùng các Sứ quán nước ngoài can thiệp, theo dõi vụ án này vì tòa án hiện nay không thể tìm công lý cho dân. Tòa án hành hạ dân, và chỉ phục vụ cho người có chức quyền.”

Các nhân viên an ninh khiêng một phụ nữ ra khỏi tòa án sau khi vượt chướng ngại của cảnh sát sáng ngày 25/4/2014. Photos by: Quốc Việt/RFA
Các nhân viên an ninh khiêng một phụ nữ ra khỏi tòa án sau khi vượt chướng ngại của cảnh sát sáng ngày 25/4/2014. Photos by: Quốc Việt/RFA
Photos by: Quốc Việt/RFA

23 bị cáo này đã bị bắt hồi đầu tháng Giêng sau khi những cuộc biểu tình của công nhân dệt may đòi tăng mức lương tối thiếu lên 160$/tháng đã kết thúc trong bạo lực làm 5 người chết và 37 người khác bị thương.

Trước khi phiên tòa bắt đầu, kể từ 6 giờ sáng, cảnh sát đã dùng hàng rào chắn đường, phong tỏa các đường phố ở phía trước tòa án không để bất cứ người dân ra vào khi có khoảng 400 người biểu tình chủ động kéo vào khiếu nại trước tòa đòi trả tự do cho 23 bị cáo.

Phóng viên của RFA có mặt tại chỗ thấy hàng trăm cảnh sát chống bạo động và công an canh gác khắt khe không cho dân cũng như nhà báo đến gần phòng xử.

Tôi kêu gọi các tổ chức dân sự quốc tế và trong nước cùng các Sứ quán nước ngoài can thiệp, theo dõi vụ án này vì tòa án hiện nay không thể tìm công lý cho dân. Tòa án hành hạ dân, và chỉ phục vụ cho người có chức quyền

Bà Prak Sovannary

Các nhân viên an ninh đã dùng dùi cui và xô xát nhóm người biểu tình. Ít nhất 6 người biểu tình đã vượt chướng ngại vật của cảnh sát để đến theo dõi phiên xử nhưng bị nhân viên an ninh bắt giữ, đàn áp và đẩy ra ngoài khu vực tòa án khiến họ bị thương nhẹ và một người ngất xỉu.

Trong khi đó, người phát ngôn Tòa thị chính Phnom Penh, ông Long Dimanche cho biết nhóm người biểu tình một lần nữa đã vi phạm lệnh cấm tụ tập của chính phủ. Tòa án cần một không khí yên tĩnh nên không cho phép họ tập trung gần phiên xử.

Ông Dimanche nói: “Hành động vượt rào là một hành động quấy rối, đe dọa tinh thần làm việc của các quan tòa. Đó là hành động phi luật pháp. Vì thế chúng tôi buộc phải bắt họ, áp giải khỏi khu vực cấm.”

Cùng ngày các tổ chức bảo vệ nhân quyền trong nước và quốc tế ra thông cáo kêu gọi chính phủ Phnom Penh thả 23 bị cáo vô điều kiện và cáo buộc Phnom Penh vi phạm nhân quyền trầm trọng. Các tổ chức nhân quyền nổi tiếng xứ chùa Tháp LICAHDO, ADHOC cho rằng vụ án này có động cơ chính trị.

Được biết, Campuchia hiện có khoảng 960 nhà máy, tuyển dụng gần 630.000 công nhân, ngành này đã đem về cho Campuchia 5,5 tỷ USD năm ngoái. Các cuộc biểu tình của công nhân may vừa qua đã khiến ngành dệt may nước này thiệt hại 200 triệu USD.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.