Phó Thủ tướng Việt Nam Trịnh Đình Dũng vừa cho biết, chính phủ sẽ kiên quyết xử lý nghiêm mọi vi phạm để gỡ ‘thẻ vàng’ về khai thác hải sản. Ông Trịnh Đình Dũng đưa ra thông tin vừa nói hôm 8 tháng 9 năm 2020, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU, theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu EC.
Có thể gỡ ‘thẻ vàng’?
Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết, sau gần 3 năm bị EC phạt thẻ vàng, cơ quan chức năng và ngư dân Việt Nam đã hoàn thành được những công việc theo 4 nhóm mà EC khuyến nghị như: Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia IUU; Ban hành các văn bản pháp luật; Tăng cường hoạt động đăng kí tàu thuyền; Lắp thiết bị định vị, kiểm soát hành trình... Quyết tâm truy xuất nguồn gốc thủy sản...
Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề này nhận định:
Khi đã làm tốt thì hy vọng, còn mức độ tốt như thế nào thì tôi cho rằng để trở về con số không có một trường hợp nào vi phạm ở nước ngoài chẳng hạn, thì mình chưa thể đặt ra được.<br/>-TS. Nguyễn Việt Thắng
“Khi đã làm tốt thì hy vọng, còn mức độ tốt như thế nào thì tôi cho rằng để trở về con số không có một trường hợp nào vi phạm ở nước ngoài chẳng hạn, thì mình chưa thể đặt ra được. Tuy nhiên, qua quá trình vừa rồi hội chúng tôi nhận thấy, tất cả trường hợp vi phạm đánh bắt ở nước ngoài đã giảm rõ rệt, và các đáp ứng của nhà nước để truy xuất nguồn gốc, đảm bảo không đánh bắt bất hợp pháp đã được các địa phương làm tốt. Những việc đó làm cho chúng tôi tin rằng khả năng sẽ tốt hơn rất nhiều so với đợt vừa rồi kiểm tra.”
Theo Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng, các cơ quan nhà nước ngoài vận động ngư dân tuân thủ Luật Thủy Sản, phải tạo thuận lợi trong việc cấp chứng nhận nguồn gốc thủy sản cho ngư dân. Theo ông, có như vậy thì bà con ngư dân sẽ có điều kiện đánh cá tốt hơn, việc phải đi ra nước ngoài đánh cá từ từ sẽ giảm. Ông nói tiếp:
“Chính những việc đó sẽ giảm đi việc vi phạm quy định của luật thủy sản Việt Nam, trong đó có các yêu cầu nội dung của IUU, tức là chống đánh bắt bất hợp pháp. Tuy nhiên cũng có thể mỗi địa phương mỗi khác, nhưng nói chung là quán triệt tinh thần, góp sức thực hiện chính sách của nhà nước về Luật Thủy sản.”
Tính đến ngày 31 tháng 8 năm 2020, theo Bộ NN&PTNT, số lượng tàu cá cả nước đã lắp thiết bị giám sát hành trình là gần 25 ngàn tàu từ 15m trở lên, đạt tỉ lệ 80,61%.
Một ngư dân thường đánh bắt ở vùng biển giữa Cần Giờ và Vũng Tàu, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do cho biết kinh nghiệm đối với thiết bị kiểm soát hành trình của mình:
“Bộ Nông nghiệp Việt Nam phân luồng dựa theo hiệp định đã ký với Malaysia, Thái Lan và Indonesia. Mở điện thoại lên thì biết được vùng biển ngư dân Việt Nam được quyền đánh bắt. Nếu trong vùng biển Việt Nam thì nó sẽ hiện lên màu xanh dương là vùng biển ngư dân tự do đánh bắt, còn phía đường ranh bên kia là màu vàng. Khi tàu có giám sát hành trình, mà tàu của mình qua khỏi làn ranh, là nó kêu như báo động, thì mình biết là đang xâm phạm lãnh hải của nước khác.”

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tại phiên họp cho biết thêm, Ủy ban châu Âu EC dù đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam, nhưng theo EC vẫn chưa đủ, vì 6 tháng vừa qua vẫn còn ngư dân vi phạm vùng đánh bắt hải sản. EC cảnh báo, nếu còn vi phạm thì kiên quyết không rút ‘thẻ vàng’.
Về tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài, theo Bộ NN&PTNT, tính từ đầu năm 2020 đến ngày 31/8, đã xảy ra 57 vụ với 92 tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ. So với cùng kỳ năm 2019, tuy số vụ vi phạm có giảm vài vụ, nhưng số tàu bị nước ngoài bắt giữ lại tăng lên 3 tàu.
Vì sao không thể kiểm soát?
Vì sao dù áp dụng nhiều biện pháp mà số tàu vi phạm đánh bắt trái phép ở nước ngoài vẫn không giảm?
Khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá Thành phố Đà Nẵng, nhận định:
“Thật ra phải nói như thế này, ngư dân của Việt Nam mình, tuy được trang bị hệ thống định vị, nhưng sự trang bị này chưa đầy đủ lắm, nên họ cũng không có phương tiện để định vị chính họ. Trong khi đó, dưới lực ép của nhà nước Trung Quốc, đôi khi tàu Việt Nam có khi chỉ cần đến gần ranh giới, thì Trung Quốc đã ép về phía họ để bắt giữ và nói mình vi phạm.”
Chủ tịch Hội Nghề cá Thành phố Đà Nẵng cho biết, theo lời kể của ngư dân mà ông biết, đôi khi phía Trung Quốc còn bắt tàu Việt Nam trong vùng biển Việt Nam, tắt định vị và bắt ngư dân ký giấy đã vi phạm. Ông nói tiếp:
“Ngư dân Việt Nam sống càng ngày càng nghèo đói, và không yên ổn trong vùng biển của mình. Vì vậy đôi khi đi theo luồng cá, họ phải đi về phía nam, nơi mật độ ngư dân Trung Quốc ít hơn và sự đe dọa của cơ quan chức năng cũng ít hơn, và khi làm ăn xa bờ như vậy, theo luồng cá thì đôi khi họ vi phạm hải phận như Indonesia chẳng hạn. Chứ thực ra ngư dân chẳng ai muốn đi xa, vừa nguy hiểm vừa tăng chi phí...”
Thật ra phải nói như thế này, ngư dân của Việt Nam mình, tuy được trang bị hệ thống định vị, nhưng sự trang bị này chưa đầy đủ lắm, nên họ cũng không có phương tiện để định vị chính họ.<br/>-Trần Văn Lĩnh
Ông Nguyễn Tử Cương, Trưởng ban phát triển thủy sản thuộc hội Nghề cá Việt Nam, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do trước đây cho biết, việc kiểm soát ngư dân khai thác ở ngoài khơi đang gặp nhiều khó khăn, vì lực lượng kiểm soát của Việt Nam ít và hệ thống thông tin liên lạc giữa tàu và đất liền chưa thật sự đầy đủ. Trong khi biển Việt Nam thì tới 3.260 cây số chiều dài và vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế Việt Nam, rộng tới cả triệu cây số vuông.
Chính phủ đã buộc các tàu cá từ 15 mét trở lên, phải lắp thiết bị giám sát hành trình và đã đạt tỉ lệ hơn 80%. Tuy nhiên, lượng tàu cá dưới 15 mét nhưng vẫn đánh bắt xa bờ của Việt Nam là không hề nhỏ.
Ông Phan Huy Hoàng, Chủ tịch hội nghề cá Quảng Ngãi, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do, cho biết tình hình thực tế tại địa phương ông:
“Ngư dân thì đông, một tỉnh hàng ngàn tàu, mà đâu có bến cảng bến tàu như nước ngoài. Gọi là tàu đi đánh cá thật ra chỉ là ghe, chứ đâu phải là tàu lớn mà có rada, có thông tin, định vị, kiểm soát. Họ ra biển đánh bắt, khi họ trở về, họ vào bờ chỗ này, bến kia để bán cá. Họ bưng rổ, bưng thúng xuống rồi bán, phần lớn là như thế. Theo tôi 90% là tình trạng mua bán cá diễn ra ở dọc bờ biển như vậy.”
Vào ngày 23 tháng 10 năm 2017, Ủy Ban Châu Âu (EC) đã quyết định cảnh cáo thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam, vì không cải thiện kịp thời và đầy đủ các yêu cầu của EC trong công tác chống hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Theo thuật ngữ quốc tế, IUU (Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing) nghĩa là hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý. Quy định này bao gồm 3 tiêu chuẩn với những hải sản nhập khẩu vào EU. Nếu tỷ lệ vi phạm các quy định này thấp thì không sao, nhưng nếu tỷ lệ cao thì EU sẽ kiểm tra toàn bộ lô hàng của nơi xuất xứ trong vòng ít nhất 6 tháng, hay còn gọi là phạt “thẻ vàng”.
Đến nay đã gần 3 năm và EC đã nhiều lần qua Việt Nam kiểm tra, tuy nhiên ‘thẻ vàng’ vẫn chưa được gỡ bỏ.