Liệu có thể loại bỏ ‘quyền anh, quyền tôi’ cản trở đất nước như bấy lâu nay?

RFA
2020.08.13
nguyen-xuan-phuc-0813-960 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Chính phủ, hôm 12 tháng 8 năm 2020.
RFA Edited / chinhphu.vn

“Cái gì có lợi cho dân, làm gì để xã hội phát triển tốt thì nên tiến hành, không quyền anh, quyền tôi mà làm chậm trễ sự phát triển của đất nước.”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra phát biểu vừa nêu hôm 12 tháng 8 năm 2020, tại phiên họp Chính phủ về các dự án Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi, Luật Đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Giao thông đường bộ sửa đổi.

Bác sĩ Đinh Đức Long, cựu sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 13 tháng 8 năm 2020, nói:

“Giữa các bộ với nhau có thẩm quyền theo quy định pháp luật rồi, thì Thủ tướng hay bất kỳ ai cũng phải tôi trọng. Còn trách nhiệm thủ tướng là phải điều hành xem lợi ích nào cần cân nhắc, chứ họ nói quyền họ thì đúng chứ có sai gì đâu. Vì thẩm quyền là theo hiến pháp, ví dụ Bộ công an làm gì, Bộ Văn hóa làm gì, Bộ Y tế làm gì... Trách nhiệm người đứng đầu chính phủ phải điều chỉnh, thí dụ lúc này dịch COVID-19 là ưu tiên ổn định chữa bệnh cứu người... thì thu hẹp thẩm quyền Bộ văn hóa như sinh hoạt văn hóa tập trung... Tôi nghĩ trách nhiệm của Thủ tướng như nhạc trưởng, phải điều tiết, phải cân nhắc lợi ích giữa các ban ngành, để đưa ra quyết định cuối cùng. Chứ còn ai cũng có quyền theo quy định pháp luật, thì trách nhiệm của họ phải nói ra.”

Ông Phúc nêu lên vấn đề ‘quyền anh, quyền tôi’, sau khi nghe lãnh đạo Bộ Công an trình bày báo cáo tóm tắt về Dự án Luật Bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và nghe lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải trình bày báo cáo tóm tắt Dự án Luật Giao thông đường bộ sửa đổi.

Theo Thủ tướng, an toàn giao thông là vấn đề rất quan trọng vì ‘tính mạng con người là trên hết’, cái gì có lợi cho dân thì làm, không quyền anh, quyền tôi...

Nghe qua cảm nhận được ông Phúc có lòng vì dân, vì sự phát triển của xã hội. Nhưng nếu xâu chuỗi nhiều sự kiện, nhiều câu nói của ông thì mới phát hiện ra cái ẩn chứa bên trong là sự hời hợt, sáo rỗng và thiếu sự chặt chẽ.
-GS. Nguyễn Đình Cống

Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên đã từ bỏ đảng, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 13 tháng 8 năm 2020 qua e-mail, cho rằng ‘anh’ và ‘tôi’ là ông Phúc muốn nói Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải. Giáo sư Nguyễn Đình Cống viết tiếp:

“Nghe qua cảm nhận được ông Phúc có lòng vì dân, vì sự phát triển của xã hội. Nhưng nếu xâu chuỗi nhiều sự kiện, nhiều câu nói của ông thì mới phát hiện ra cái ẩn chứa bên trong là sự hời hợt, sáo rỗng và thiếu sự chặt chẽ.

Ở Việt Nam có một cách hành xử khác lạ so với nhiều nước là việc soạn thảo luật do cơ quan hành pháp đảm nhận hoàn toàn. Ngành nào soạn luật cho ngành đó. Nghe qua và kém hiểu biết thì thấy hợp lý, nhưng bên trong ẩn chứa nhiều bất cập của việc “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Vì thế mà có quyền anh quyền tôi trong việc soạn thảo hoặc kiểm soát, xử lý tình huống giữa hai bộ nói trên.”

Giáo sư Nguyễn Đình Cống nhắc lại rằng, cơ quan hành pháp không phải muốn làm gì thì làm dù rằng họ cảm thấy việc đó có lợi. Họ chỉ được làm những việc luật pháp cho phép, có quy định õ ràng. Vì vậy khi làm luật phải phân biệt rõ quyền hạn của các bên. Nói “không quyến anh quyền tôi” là không chuẩn xác về hiểu biết pháp luật. Ông viết thêm:

“Ông Phúc thích làm nhanh, đi đầu, vì thế ông phản ứng với những điều mà ông cho là “làm chậm trể sự phát triển của đất nước”. Cái nhanh của ông Phúc được dân gian nói đến trong cụm từ “nhanh nhẩu đoảng”. Ông không thấm thía câu châm ngôn “Dục tốc bất đạt”.

Có một số việc cần làm nhanh nhưng việc nào cũng làm nhanh cả thì lợi bất cập hại. Có vài việc dân cần nhanh như chống lại sự hủy hoại môi trường, khắc phục các nỗi oan sai, có những luật dân rất cần như luật lập Hội, luật biểu tình thì ông Phúc im hơi lặng tiếng.

Ông Phúc được nhiều người phong cho danh hiệu “Thủ tướng nổ”. Câu nói về quyền anh quyền tôi cũng là một loại nổ (nhưng không to lắm) mà thội.”

Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 13 tháng 8 năm 2020, Nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng cho rằng, lời nói của ông Phúc, biểu hiện tình trạng hiện nay ở trong ban lãnh đạo chính phủ. Ông nói tiếp:

“Từ trước đến giờ thì dù rằng khi nội bộ của đảng có sự không đoàn kết, nhưng khi có những việc chung, ví dụ những chính sách áp dụng cho đất nước, tôi chưa nói đến chuyện chính sách đó đúng hay sai, có lợi hay có hại cho đất nước.... nhưng trước những chính sách chung đó, họ thường đoàn kết nhất trí, và mọi sự mất đoàn kết đều được gập lại hết. Nhưng bây giờ khi một ông Thủ tướng phải nói đến tình trạng ‘quyền anh, quyền tôi’ thì tức là vấn đề không nhất trí trong nội bộ đảng đã trở thành nguy cơ rồi. Vì vậy tôi cho rằng, việc ông Phúc nói cũng không giúp gì cho sự phát triển trong giai đoạn này.”

Đại diện Bộ công an Thượng tướng Bùi Văn Nam (phải) và Trung tướng Hoàng Xuân Chiến Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, tại buổi tranh luận giành quyền kiểm soát biên giới.
Đại diện Bộ công an Thượng tướng Bùi Văn Nam (phải) và Trung tướng Hoàng Xuân Chiến Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, tại buổi tranh luận giành quyền kiểm soát biên giới.
Courtesy chinhphu.vn

Thời gian gần đây, việc tranh giành thẩm quyền kiểm soát công việc giữa các Bộ ngành tại Việt Nam thường được báo chí đăng tải. Mới nhất là việc Bộ Công an giành quyền kiểm soát biên giới với Bộ Quốc phòng.

Bộ Công an đã đối đầu với Bộ Quốc phòng để giành quyền kiểm soát biên giới, khi tình trạng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép tràn lan và dịch bệnh bùng phát không truy được nguồn gốc tại Đà Nẵng.

Phía Bộ Công an đổ lỗi cho Bộ Quốc phòng đã không kiểm soát tốt biên giới nên làm nguồn bệnh xâm nhập. Còn phía Bộ Quốc phòng thì trình Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, ‘quy định bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới. Bộ đội Biên phòng cũng chủ trì thực hiện nhiệm vụ duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội.. ở khu vực biên giới, cửa khẩu.’

Theo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, các ngành hữu quan, chính quyền địa phương nơi có biên giới để duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Bộ công an thì lại cho rằng, hiện nay vấn đề quản lý an ninh trật tự tại Việt Nam không giống ai, khi cả cơ quan công an và quân đội cùng quản lý, nên khó xử lý trong những vụ việc cụ thể. Bộ đội biên phòng quản lý xuất nhập cảnh biên giới và trên biển, còn công an quản lý 5 cửa khẩu hàng không.

Liệu có vấn đề tranh giành quyền lực đặt trên lợi ích của người dân trong việc này?

Trách nhiệm thủ tướng là phải điều hành xem lợi ích nào cần cân nhắc, chứ họ nói quyền họ thì đúng chứ có sai gì đâu, vì thẩm quyền là theo hiến pháp.
-BS.  Đinh Đức Long

Bác sĩ Đinh Đức Long nhận định thêm:

“Tôi thấy xưa nay quy định rõ, trách nhiệm biên phòng thuộc lực lượng biên phòng và bộ đội chịu trách nhiệm biên giới. Còn công an cửa khẩu thì chịu trách nhiệm xuất nhập cảnh, cái này có luật quy định rõ rồi. Cụ thể thì mình phải xem xét thêm bên nào đúng, bên nào sai, dù bên nào thì đều là lực lượng vũ trang do đảng lãnh đạo, chứ đâu phải anh này to hơn anh kia, không thể nói tôi giỏi hơn anh hay anh giỏi hơn tôi... Ví dụ trong bệnh viện tôi, y tá trách nhiệm gì, bác sĩ trách nhiệm gì... quy định rõ rồi, không thể nói ai tốt hơn, luật đã quy định thì cứ thế mà làm.”

Liệu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói vấn đề ‘quyền anh, quyền tôi’ ngoài việc tranh giành thẩm quyền kiểm soát giữa các Bộ ngành, có còn muốn nói đến việc các nhóm lợi ích làm cản trở sự phát triển của đất nước?

Nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng cho rằng, rõ ràng là có vấn đề lợi ích nhóm trong câu nói của ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

“Chúng ta đều thấy nó như một quy luật, trước mỗi kỳ đại hội, kỳ nhân sự, thì chúng ta lại thấy sự mất đoàn kết, mâu thuẫn trong ban lãnh đạo. Và qua những cuộc ‘chống tham nhũng’ như vừa rồi rất là mạnh mẽ, nhưng thực chất đều là thanh trừng phe nhóm, của những người không cùng cánh với nhau. Theo tôi nghĩ, rõ ràng đây là sự va chạm giữa các nhóm lợi ích.”

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, đã tự giải thể, khi trả lời RFA trước đây cho rằng, việc thừa nhận ‘các nhóm lợi ích’ đã có từ lâu nhưng đến bây giờ các quan chức mới dám nói ra, chứ không phải là chuyện mới mẻ gì. Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, bản thân đảng cộng sản Việt Nam là một nhóm khổng lồ, bản thân chính quyền là nhóm khổng lồ, nhưng trong nhóm khổng lồ, lại chia thành nhiều nhóm khác nhau, mà các nhóm đó lại có nhiều lợi ích chồng lấn lên nhau và cũng có lợi ích riêng.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.