Kết luận nguy hiểm của UB Sông Mekong Việt Nam.
2015.11.05
Mới đây Ủy ban sông Mekong Việt Nam đưa ra kết luận rằng 11 con đập trên con sông Mekong có tác hại không đáng kể đối với hạ nguồn. Điều này bị GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân phản bác là một kết luận thiếu trách nhiệm và có thể đưa tới những quyết định phương hại đến đời sống của hơn 18 triệu người dân sinh sống tại khu vực hạ nguồn con sông. GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban khoa học kỹ thuật nhà nước, nguyên Chủ nhiệm Chương trình nhà nước điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long và cũng là đại biểu quốc hội 3 khóa liền trong vai trò Phú chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội. Ông đã dành cho Mặc Lâm bài phỏng vấn sau đây.
Mặc Lâm: Thưa GS sau khi ông có bài viết về kết luận của Ủy ban sông Mekong Việt Nam (VNMC) rằng những con đập xây dựng trên sông Mekong tác hại không đáng kể lên đời sống người dân hạ nguồn thì Thứ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường Nguyễn Thái Lai tỏ ý không tin điều GS viết. Xin ông xác định lại những số liệu này GS lấy từ đâu và lúc nào thưa ông?
Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân: Ông Thứ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường cũng là Phó Chủ tịch Ủy ban Sông Mê Kong VN nói rằng không biết những số liệu, những kết luận mà tôi nêu lên là tôi lấy ở đâu thì tôi xin lập lại, những số liệu này chính từ báo cáo của MDS tức là Mekong Delta Study, và cái báo cáo của chính phủ Việt Nam VNMC điều hành và Bộ tài nguyên môi trường quản lý giao cho Viện Nghiên cứu Thủy lực của Đan Mạch (DHI) họ công bố, thì tôi đã lấy báo cáo này.
Báo cáo của MDS nó có nhiều version, nhiều phiên bản, mà cái phiên bản tôi lấy phải nói là rất trễ là vào ngày 9 tháng 10. Sau đó phiên bản cuối cùng của Ủy ban Mekong VN đưa lên mạng là báo cáo ngày 19 tháng 10. Tuy nhiên những kết quả mà tôi trích ra trong bài báo của tôi thì có thể tìm và lấy lại được trong những báo cáo tại Phnom Penh vào ngày 21 tháng 10 cũng như trong báo cáo của Ủy ban quốc gia sông Mekong đã công bố vào ngày 19 tháng 10.
Tôi xin nói rõ như vậy bỏi vì Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai nêu lên nghi vấn không biết kết luận của tôi lấy từ đâu ra. Tôi xin khẳng định một lần nữa là như vậy.
Mặc Lâm: Theo GS thì báo cáo này của VNMC nguy hiểm cụ thể ở chỗ nào thưa ông?
Nếu chưa bàn kỹ ở trong nước mà lại đưa lên tại một hội nghị quốc tế tại Phnom Penh vào ngày 21 tháng 10, nó có thể làm cho dư luận nghĩ là chính phủ VN đồng ý để cho UB quốc gia sông Mekong đưa ra ngoài để mà thảo luận và điều này có thể dẫn tới chuyện hiểu là chính phủ VN đồng ý cho chuyện xây dựng 11 cái đập
Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân
Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân: Cái nguy hiểm của báo cáo này tung ra tại một hội nghị quốc tế thì ngoài những khía cạnh kỹ thuật của nó còn có vấn đề tôi nghĩ cần phải nói rõ: đây là báo cáo từ nghiên cứu của MDS là một nghiên cứu do chính phủ Việt Nam chủ động đặt ra và được một phần tài trợ 3 triệu rưỡi đô la, mà đấu thầu thì DHI trúng thầu.
Thành ra những kết luận này mà tôi muốn nêu lên đó là: nếu chưa bàn kỹ ở trong nước mà lại đưa lên tại một hội nghị quốc tế tại Phnom Penh vào ngày 21 tháng 10, nó có thể làm cho dư luận nghĩ là chính phủ Việt Nam đồng ý để cho UB quốc gia sông Mekong đưa ra ngoài để mà thảo luận và điều này có thể dẫn tới chuyện hiểu là chính phủ Việt Nam đồng ý cho chuyện xây dựng 11 cái đập.
Cái này còn nguy hiểm hơn những khía cạnh kỹ thuật nữa. Thành ra mặt thứ hai của cái nguy hiểm là cách làm việc của mình rất là thiếu trách nhiệm. Một cách làm thiếu trách nhiêm bởi vì từ 10 tháng nay một số anh em chuyên gia Việt Nam trong nước lăn lộn nhiều năm ở đồng bằng sông Cửu Long bởi thấy rằng cái nghiên cứu này rất quan trọng. Chúng tôi đã góp ý về mặt phương pháp luận, về mặt số liệu và thứ ba nữa là về mô hình toán. Phải là một mô hình mà chính phủ Việt Nam có thể kiểm soát được, có thể sử dụng được để mà biết. Lỡ sau này có tình huống gì thì mình có thể chủ động mình đặt lại.
Nói cách khác thì phần mềm mở, sử dụng mã nguồn mở. Trong 10 tháng chúng tôi chờ đợi thì VNMC cứ lần lựa trả lời và không gặp ai, trong lúc đó thì VNMC lại âm thầm làm theo cái kiểu với các phương pháp luận mà tôi cho là rất nhiều lỗ hổng cho nên chúng tôi thấy chuyện này nó rất nguy hiểm.
Mặc Lâm: Theo kết luận của VNMC thì tác động của 11 con đập trên dòng chính lên mực nước ở phần lãnh thổ Việt Nam của châu thổ đồng bằng sông Cửu Long là tương đối nhỏ, khoảng dưới 2 cm mà tôi. Theo GS thì con số 2 cm nói lên điều gì?
Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân: Những nhà đầu tư họ bỏ tiền xây dựng đập thủy điện là để họ bán điện, nó gọi là “benefit driven”, chạy theo lợi nhuận. Đằng này khi mô phỏng thì họ chỉ mô phỏng cơ chế điều tiết vận hành của những cái đập đó là làm việc, tích nước trong 8 hay 16 giờ gì đó, nghĩa là mỗi ngày có một thời gian tích nước và một khoảng thời gian sả nước.
Nhưng thường thì những đập thủy điện thì người ta tích nước trong một khoảng thời gian khá dài để phát triển và lấy lãi. Bây giờ anh mô phỏng và đi tới kết luận là nước chỉ tăng thêm 2 cm thì không đáng ngại, làm tôi nghĩ liệu khi nào mà người ta xây dựng đập rồi vận hành cách khác đi thì kết quả của mình hiện nay, cái mà VNMC làm có thực tế hay không?
Kinh nghiệm cho thấy hồi năm 2010 - 2011 Ủy hội sông Mekong (Mekong River Foundation) gồm 4 nước hạ lưu sông Mekong họ đã làm một nghiên cứu hết sức cơ bản gọi là “strategic environment of statement” đánh giá chiến lược về những tác động của các đập trên đó. Ngay cả cái đập Xayaburi mà họ nghiên cứu thì họ đã thấy có biến động rất quan trọng rồi huống gì tới 11 cái đập nối tiếp nhau vận hành cùng một lúc.
Không thể nào tiếp tục làm như thế này được vì 18 triệu sinh mạng con người ở dưới đồng bằng sông Cửu Long, cộng với mấy triệu dân trong phần châu thổ sông Mekong phía Campuchia nó bị đe dọa rất nghiêm trọng về môi trường, về mặt sản xuất và đời sống của người dân. Kế sinh nhai hoàn toàn thay đổi
Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân
Mặc Lâm: Và với kết luận như vậy GS có nghĩ rằng nó sẽ tác hại trực tiếp như thế nào đối với dân chúng Việt Nam đang sống trên hai bờ con sông Mekong?
Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân: Không thể nào tiếp tục làm như thế này được vì 18 triệu sinh mạng con người ở dưới đồng bằng sông Cửu Long, cộng với mấy triệu dân trong phần châu thổ sông Mekong phía Campuchia nó bị đe dọa rất nghiêm trọng về môi trường, về mặt sản xuất và đời sống của người dân. Kế sinh nhai hoàn toàn thay đổi. Vì vậy cho nên tôi nghĩ cái bản báo cáo MDS cần thảo luận, cân nhắc thật kỹ sao cho nó sát với thực tế chứ không phải chạy theo những kịch bản (scenario) rất smart nhưng dẫn tới những kết luận không đáng kể.
Mặc Lâm: Với vai trò chuyên gia về lĩnh vực này giáo sư đã có động thái gì để cảnh báo cho chính phủ Việt Nam thưa ông?
Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân: Tôi có viết một lá thư cho Thủ tướng với những kiến nghị. Một là Thủ tướng triệu tập để nghe báo cáo và mời các chuyên gia như Thủ tướng đã làm khi xây dựng ý tưởng xây cái đập nối liền từ Vũng Tàu tới Gò Công để nghe lời trình bày kết quả rồi thảo luận trước khi phê chuẩn báo cáo này. Hai nữa tôi cũng đã viết thư cho chủ tịch Quốc hội, đề nghị Quốc hội theo dõi và giám sát dự án này. Bởi vì một dự án khi phải đụng chạm tới đời sống của mấy chục ngàn dân thì Quốc hội phải có ý kiến, huống hồ gì cả đồng bằng sông Cửu Long với 18 triệu dân mà nó còn dính tới vấn đề an ninh lương thực của cả nước thì Quốc hội nên giám sát chuyện này.
Trước mắt tôi đề nghị Bộ Tài nguyên môi trường của Ủy ban quốc gia sông Mekong phải giải trình với Ủy ban công nghệ khoa học môi trường của Quốc hội về vấn đề này.
Mặc Lâm: Xin cám ơn Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân.