Học giả Việt Nam và Na Uy tranh luận về đường lưỡi bò
2012.02.07
Cuộc tranh luận diễn ra vào cuối năm ngoái nhưng vừa được phổ biến rộng rãi. Quỳnh Chi hỏi chuyện GS Phạm Quang Tuấn và trước tiên ông cho biết hoàn cảnh xảy ra cuộc tranh luận:
GS Phạm Quang Tuấn: Sau một hội thảo về biển đông (hội nghị quốc tế lần thứ 3 về Hợp tác vì sự phát triển và An ninh trên biển Đông) ở Hà Nội vào cuối năm ngoái, chúng tôi được nhận những bài thuyết trình của các vị học giả đưa ra trong hội thảo đó. Tôi đọc qua và thấy rằng giáo sư Stein Tønnesson đã đưa ra những ý hơi kỳ lạ cho nên tôi đã email cho vị học giả này và chỉ ra những mâu thuẫn của ông.
Quỳnh Chi: Cách hiểu của vị học giả này về đường lưỡi bò của Trung Quốc là như thế nào?
GS Phạm Quang Tuấn: Tôi phải nói là ông Stein Tønnesson có một cách hiểu rất kỳ lạ. Ông viết rằng Trung Quốc không hề đòi hỏi vùng biển ở trong đường lưỡi bò. Ông cho rằng Trung Quốc đòi hỏi những đảo cũng như những vùng biển xung quanh đảo trong đường lưỡi bò theo luật quốc tế mà thôi. Theo ông Stein Tønnesson, Trung Quốc là một quốc gia rất tôn trọng luật quốc tế.
Quỳnh Chi: Ông đã phản bác lại cách hiểu này của ông Stein Tønnesson như thế nào?
GS Phạm Quang Tuấn: Tôi đưa ra các bài báo của các vị học giả Trung Quốc trong thời gian gần đây, trong đó có bài thuyết trình của giáo sư Su Hao, giám đốc Trung tâm Chiến lược và Quản lý Xung đột thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc, trong hội nghị về biển Đông ấy. Bài thuyết trình này đã nói ngược lại với ý của ông Stein Tønnesson về yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc. Cụ thể, GS Su Hao nói là biển Nam Trung Hoa tức biển Đông trong lịch sử đã thuộc về Trung Quốc.
Quỳnh Chi: Sự việc có một học giả quốc tế có suy nghĩ như thế có gây ảnh hưởng nào đến tình hình biển Đông?
GS Phạm Quang Tuấn: Phần lớn các học giả quốc tế có đầu óc nghiên cứu rất nghiêm chỉnh. Trừ khi họ phải nghiêng về phía Trung Quốc vì vấn đề gì đó, nếu không hầu hết các học giả Tây phương đều có cái nhìn nghiêm túc về vấn đề biển Đông và tôi không nghĩ là họ sẽ đồng ý với ông Stein Tønnesson. Nhưng vấn đề là Trung Quốc có thể mượn những bài viết của ông Stein Tønnesson để làm lợi cho họ.
Quỳnh Chi: Có nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc lập lờ trong việc xác định yêu sách của mình ở đường lưỡi bò và việc này cũng nằm trong phần tranh luận của GS và vị học giả người Na Uy. Theo giáo sư, lý do chính của việc Trung Quốc thể hiện sự lập lờ này là gì?
GS Phạm Quang Tuấn: Theo tôi, Trung Quốc không dám lên tiếng nói thẳng họ đòi hỏi cả vùng biển trong đường lưỡi bò vì nó trái với luật pháp quốc tế. Cho nên, thay vào đó, họ để cho các học giả, báo chí tuyên bố là đó là vùng biển của họ. Nếu mình phản biện lại thì họ không cần trả lời nhưng sau 20¬ hay 30 năm, họ có thể dùng những tuyên bố này để khẳng định chủ quyền của họ.
Quỳnh Chi: Nhìn lại trong quá khứ, ông có cho là Trung Quốc đã sử dụng cách này?
GS Phạm Quang Tuấn: Đúng. Chẳng hạn, họ mới vẽ đường lưỡi bò đó trên bản đồ của họ năm 1947 của thời Trung Hoa Dân quốc. Sau này, chính sách của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa đều vẽ bản đồ của họ với đường lưỡi bò. Dĩ nhiên việc họ vẽ bản đồ của họ thì không ai biết. Thế nhưng gần đây thì có nhiều học giả của họ nói rằng đường lưỡi bò đã có trên bản đồ Trung Quốc từ mấy mươi năm nay nhưng không nước nào phản đối cả. Bây giờ họ đã chính thức công bố bản đồ ấy trong một tài liệu gởi cho LHQ cách đây hai năm. Dĩ nhiên là họ vẫn lập lờ về đường lưỡi bò nhưng mà sau này, mười – hai mươi năm sau, họ có thể nói là họ đã công bố bản đồ này từ lâu và nó đã trở thành một sự kiện lịch sử.
Quỳnh Chi: Vâng, câu hỏi cuối thưa giáo sư, ngày càng xuất hiện những bản đồ lưỡi bò của các học giả Trung Quốc trên các tạp chí khoa học quốc tế. Cho nên sẽ có thêm những cuộc tranh luận giữa học giả Việt Nam và các học giả khác về vấn đề biển Đông. Ông cũng từng tranh luận với tạp chí khoa học hàng đầu Science để đăng lá thư phản bác lại bài viết “Lịch sử nhân khẩu học Trung Quốc” của GS Xing Peng (Trung Quốc). Theo ông, khi tranh luận như thế thì các học giả Việt Nam nên dựa vào điều gì?
GS Phạm Quang Tuấn: Thứ nhất là lịch sử. Thứ hai là luật pháp. Hai điều này có liên quan đến nhau bởi khi vấn đề này được mang tòa án quốc tế thì việc phân xử tranh chấp phải dựa vào hai vấn đề này. Do đó, chúng ta cần khuyến khích các học giả Việt Nam nghiên cứu lịch sử chủ quyền Việt Nam về biển đảo và dựa vào luật pháp quốc tế.
Quỳnh Chi: Xin cám ơn GS Phạm Quang Tuấn.