Mới đây, Bộ Công an đề xuất những giấy phép lái xe không thời hạn được cấp trước ngày 1/7/2012 phải đổi sang giấy phép lái xe mới theo lộ trình do Chính phủ quy định.
Hệ thống sai, bắt dân lãnh
Theo công an TP.HCM, một số bằng lái xe cũ, loại mẫu giấy phép lái xe giấy, khó tích hợp vào tài khoản định danh điện tử VneID. Nguyên nhân có thể do thông tin cá nhân khi được cấp bằng lái xe và thông tin cá nhân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện có sai lệch.
Theo quy định hiện hành, người dân có thể đăng ký cấp đổi giấy phép lái xe trực tiếp tại cơ quan cấp phép (Cục Đường bộ Việt Nam hay sở giao thông vận tải các địa phương) hoặc đăng ký trực tuyến qua cổng dịch vụ công. Mức lệ phí cho một lần đổi giấy phép lái xe là 135.000 đồng.
Với con số khoảng 22 triệu giấy phép lái xe cấp trước 2012 phải đổi, số tiền dân phải bỏ ra không nhỏ. Ông Quang, một người dân Quảng Nam nói với RFA sáng 27/9/2023:
“Đâu cần thiết phải đổi bằng lái. Người ta cứ nhân danh cái định danh thể hiện trong chip điện tử căn cước công dân nên phải cấp bằng lái xe mới. Tôi thấy thay vì đổi bằng lái mới thì cứ nhập số giấy phép lái xe vào hệ thống là có dữ liệu. Cần gì phải làm lại bằng lái cho tốn kém và mất thời gian. Mỗi người chỉ 135 ngàn nhưng 20 triệu bằng lái là con số rất lớn. Tôi nghĩ đây là cách làm ăn của ngành giao thông, của ngành công an. Nay vẽ cái này, mai vẽ cái khác gây tốn kém cho dân, cho xã hội”.
Tại buổi tọa đàm trao đổi về các dự án Luật Căn cước, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì hôm 26/9/2023, Đại tá Nguyễn Quang Nhật - trưởng Phòng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông Cục Cảnh sát giao thông cho hay, sở dĩ phải chọn mốc ngày 1/7/2012 vì những giấy phép lái xe được cấp từ ngày này trở về trước dùng giấy bìa, ép plastic và chưa sử dụng PET, do vậy không cập nhật lên được hệ thống do Cục Đường bộ Việt Nam quản lý, không cập nhật được lên dữ liệu quốc gia, tích hợp vào định danh điện tử, VNeID…
Về mặt kỹ thuật thì làm được hết mà không cần đổi bằng lái khác. Dữ liệu dân cư anh có rồi. Anh có tàng thư lưu rồi. Cứ việc nhập dữ liệu vào là xong. Cái này là về mặt kỹ thuật thôi. Dân đâu thể ‘chạy’ theo các anh được. Nếu cần làm thì phải làm miễn phí cho dân. - Bác sĩ Đinh Đức Long
Bác sĩ Đinh Đức Long ở TPHCM nhận định
“Lý do họ nêu ra là để tích hợp với căn cước công dân và dữ liệu dân cư nên phải đổi bằng nhựa để mã hóa. Mục đích là tốt nhưng cách làm thì tốn kém. Về mặt kỹ thuật thì làm được hết mà không cần đổi bằng lái khác. Dữ liệu dân cư anh có rồi. Anh có tàng thư lưu rồi. Cứ việc nhập dữ liệu vào là xong. Cái này là về mặt kỹ thuật thôi. Dân đâu thể ‘chạy’ theo các anh được. Nếu cần làm thì phải làm miễn phí cho dân.
Cách làm sao cho tiết kiệm, hợp lòng dân và không xáo trộn cuộc sống người dân. Dân không phải bỏ thời gian đi xếp hàng để làm. Bây giờ qua internet hết, dữ liệu chuyển lên nhập vào là có. Tại sao việc dễ lại biến thành khó? Có phải nghĩ ra để có cớ tiêu xài ngân sách hay không?”
Đổi hay phủ nhận tính pháp lý của GPLX?
Quy trình cấp giấy phép lái xe hiện liên quan đến nhiều cơ quan chức năng. Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý về sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong phạm vi cả nước; Vụ Quản lý phương tiện và Người lái là tổ chức tham mưu giúp Tổng Cục trưởng thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe; Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng được giao nhiệm vụ quản lý về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là tổ chức tham mưu giúp Giám đốc Sở thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 14, Chính phủ lại đề xuất giao Bộ Công an quản lý Nhà nước về sát hạch và cấp giấy phép lái xe.

Ông Tùng ở Quận 6, TPHCM nói với RFA sáng 27/9/2023:
“Cái bằng lái không có thời hạn hồi xưa do Bộ Nội vụ cấp. Sau này đổi qua Bộ Giao thông Vận tải cấp có thời hạn. Rồi sau này nữa là Bộ Công an cấp không thời hạn. Xét về mặt kỹ thuật thì chuyện đổi là tốt. Nhưng về mặt luật pháp, bằng lái ngày xưa không thời hạn lại bị đổi thì khác nào phủ nhận tính pháp lý của giấy phép cũ. Thế cho nên nếu đổi thì phải làm miễn phí cho dân vì người không vi phạm gì cả.”
Ngoài chuyện người dân có giấy phép lái xe vô thời hạn được cấp trước 1/7/2012 phải đổi giấy phép lái xe mới, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an còn có đề xuất quy định: Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải có sức khỏe phù hợp với từng loại phương tiện được phép điều khiển. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe, xây dựng cơ sở dữ liệu về khám sức khỏe của người lái xe.
Quy định này khiến người ta nhớ lại quy định do Bộ Y tế đưa ra năm 2008 bị dư luận phản đối gay gắt. Theo đó, người thấp bé, nhẹ cân (chiều cao đứng dưới 1,45 m, trọng lượng dưới 40 kg) không được đi xe máy trên 50 cc; người có vòng đo ngực trung bình dưới 72 cm không được cấp bằng lái hạng A1, tức cũng không được đi xe trên 50 cc.
Lần này, đề xuất khám sức khoẻ định kỳ đối với mọi người lái xe cũng đang nhận nhiều phản hồi từ công chúng.
Ông Bằng ở Quận 5, TPHCM nói với RFA:
“Kiểm tra sức khỏe ở thời điểm đổi, cấp bằng lái thôi thì hợp lý. Tức là người xin cấp bằng lái phải chứng minh mình đủ sức khỏe lái xe. Tôi nghĩ đây là dịp để họ lọc lại. Đâu thể tự nhiên kêu người ta lên khám sức khỏe. Mà ngày xưa chỉ cần đưa tiền là có tờ giấy khám sức khỏe đạt yêu cầu. Bây giờ họ không dám đâu nên họ phải bày ra vậy để có tiền.”
“Theo tôi, ra quy định đó để các cơ quan chức năng có lý do để hạch họe, làm khó người dân để bắt dân phải chi tiền ra. Sức khỏe nào cũng lái xe được hết, kể cả người tàn tật. Nếu có kiểm tra sức khỏe thì chỉ nên kiểm tra thị lực mà thôi.”
Bác sĩ Đinh Đức Long cho rằng, một khi có quy định rõ ràng thì công an giao thông có quyền kiểm tra. Kiểm tra bảo hiểm xe đã là điều vô lý. Nay lại thêm kiểm tra sức khỏe. Ông nói:
“Nếu anh lái xe gắn máy thì không cần kiểm tra sức khỏe định kỳ. Còn nếu lái xe taxi hay xe cho doanh nghiệp nào đó thì hàng năm đã có khám sức khỏe. Đó không phải là việc của ngành công an hay giao thông.”