Cảnh sát Giao thông Sài Gòn đo nồng độ cồn 24/7 có giúp giảm tai nạn?

0:00 / 0:00

Từ giữa tháng 11 năm 2023 đến cuối năm, CSGT TP.HCM mở đợt tổng kiểm tra tài xế uống rượu bia với mục đích được nói là để kéo giảm tai nạn giao thông. Theo đó, CSGT có quyền dừng xe người tham gia giao thông bất kể ngày đêm để đo nồng độ cồn. Theo truyền thông nhà nước, hành động này của CSGT gây phản ứng mạnh trong dân chúng, một số trường hợp bắt CSGT xin lỗi vì tốn thời gian hoặc đòi xem kiểm định của máy mới chịu thổi.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM nêu quan điểm của ông với RFA về việc này:

"Tôi thấy rằng ý thức người tham gia giao thông rất quan trọng. Ở Việt Nam, nếu không có cảnh sát giao thông hiện diện thì họ chạy xe không theo một trật tự nào. Ý thức tuân thủ pháp luật về giao thông rất kém, nên trong giai đoạn này phải làm như vậy. Trong hiến pháp Việt Nam, quyền con người và quyền công dân sẽ bị hạn chế nếu gây rối trật tự an toàn giao thông và đe dọa sức khỏe của cộng đồng. Do đó, nếu không làm như vậy thì không bao giờ họ ý thức được tại họ thấy đâu có bị phạt đâu."

Thượng tá Trần Trung Hiếu, Trưởng phòng CSGT, Công an TP.HCM cho báo chí biết, việc kiểm tra nồng độ cồn liên tục 24/7 này sẽ kéo dài đến tết nhằm góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, kéo giảm các vụ tai nạn giao thông thương tâm do nồng độ cồn, chất kích thích gây ra.

Trong hiến pháp Việt Nam, quyền con người và quyền công dân sẽ bị hạn chế nếu gây rối trật tự an toàn giao thông và đe dọa sức khỏe của cộng đồng. Do đó, nếu không làm như vậy thì không bao giờ họ ý thức được tại họ thấy đâu có bị phạt đâu. - Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Anh Lê Thiệu, một người dân Sài Gòn cho rằng CSGT đã lạm quyền khi bắt dân thổi vào máy đo nồng độ cồn bất kể ngày đêm, ngay cả khi dừng đèn đỏ. Ông nói với RFA sáng 30 tháng 11:

"Về luật giao thông, việc đo nồng độ cồn để phạt những người có nồng độ cồn cao mà lái xe là đúng. Về luật là đúng. Tôi hoan nghênh điều đó. Không có gì sai hết. Nhưng thường thường, họ (CSGT - Pv) lạm dụng rất quá đáng. Có những trường hợp làm mất rất nhiều thời gian của công dân. Có khi họ làm theo ngẫu hứng. Đó là cái thứ nhất. Cái thứ hai là họ muốn phạt thật nhiều để thu thật nhiều tiền. Mục đích của họ là vậy. Phạt, phạt và phạt để thu tiền về cho ngân sách.

Nói chung, dù theo luật nhưng CSGT cũng nên linh động theo từng trường hợp. Nên có sự uyển chuyển, ví dụ trường hợp nào nên dừng, giờ giấc nào nên dừng, lúc nào không nên dừng xe của dân …

Ở đây họ dừng xe người tham gia giao thông bất kể giờ nào thì sẽ gây rắc rối, phiền hà cho dân khiến dân bức xúc. Nhưng rồi dân cũng phải chịu chứ biết làm sao vì luật là của họ và quyền củng của họ mà.”

Thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho thấy, năm 2022, lực lượng cảnh sát giao thông đã thu được số tiền phạt hơn 4.100 tỷ đồng cho hơn 2.800.000 trường hợp vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa. Bộ Công an được hưởng 85% số tiền này theo nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương được Quốc hội thông qua chiều ngày 10 tháng 11 năm 2023. Cũng theo CSGT, với việc xử lý nghiêm nồng độ cồn, người dân dần dà thay đổi thói quen thì sẽ hình thành văn hóa giao thông an toàn.

Ở đây họ dừng xe người tham gia giao thông bất kể giờ nào thì sẽ gây rắc rối, phiền hà cho dân khiến dân bức xúc. Nhưng rồi dân cũng phải chịu chứ biết làm sao vì luật là của họ và quyền củng của họ mà. - Anh Lê Thiệu

Việc Bộ Công an được hưởng 85% số thu phạt vi phạm giao thông bị nhiều người cho rằng, Chính phủ đang vô hình chung biến người giao thông thành một con bò sữa mà công an sẽ tìm mọi cách vắt.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nói với RFA suy nghĩ của ông về việc này sáng 14 tháng 11:

“Theo tôi biết, tất cả các nước phạt vi phạm giao thông rất nặng với mục đích tạo cho dân chúng ý thức hơn trong việc an toàn khi tham gia giao thông, chứ không nhằm mục đích tăng số thu. Và cảnh sát giao thông các nước cũng không có quyền thu tiền phạt trực tiếp như cảnh sát giao thông ở Việt Nam.

Xây dựng ý thức của người dân trong việc chấp hành luật lệ giao thông để giảm tai nạn và các vi phạm khác phải là một quá trình rất dài. Nó đến từ văn hóa, từ giáo dục chứ không phải đến từ chuyện phạt. Đây là phép gọi là ngụy biện, lấy số lượng thay cho phẩm chất trong ý thức giao thông. Trách nhiệm đầu tiên thuộc về nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.”

Một số người dân mà RFA trò chuyện đều đồng tình với việc phạt thật nặng, thậm chí tước bằng lái vĩnh viễn với những người điều khiển phương tiện giao thông khi say xỉn và tái phạm. Nhưng cách phạt hiện nay là không hợp lý, bởi chỉ cần có hơi cồn sẽ bị phạt, theo Nghị định 100 ban hành ngày 30 tháng 12 năm 2019 và có hiệu lực ngày 1 tháng 1 năm 2020, tức chỉ sau hai ngày ký.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định, mức phạt tiền sẽ là từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Chuyện lái xe khi say rượu là vi phạm luật pháp ở tất cả các nước chứ không chỉ ở Việt Nam. Nhưng nồng độ cồn trong máu cao bao nhiêu thì phạm luật mới là điều cần nói. Hiện nay, tiểu bang California quy định như sau: Nồng độ cồn 0,08% hoặc cao hơn nếu người lái xe trên 21 tuổi; 0,01% hoặc cao hơn nếu người lái dưới 21 tuổi; 0,01% hoặc cao hơn ở mọi lứa tuổi nếu người lái đang trong thời hạn bị quản chế do vi phạm DUI trước đó; 0,04% hoặc cao hơn nếu người lái xe yêu cầu phải có bằng lái xe thương mại; 0,04% hoặc cao hơn nếu một người đang lái xe chở khách thuê.

Ở Việt Nam, theo Nghị định 100 thì chỉ cần có nồng độ cồn là đã bị phạt. Quy định này bị nhiều người phản đối và cho rằng Nhà nước chỉ muốn lấy tiền của dân bất chấp những bất hợp lý đang diễn ra.