“Chiến lược” mới trong đợt dịch COVID-19 tái bùng phát ở Việt Nam

Cao Nguyên
2020.08.10
  t Hình minh hoạ. Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ và người dân địa phương vừa về từ Đà Nẵng đang chờ xét nghiệm COVID-19 ở Hà Nội hôm 10/8/2020
Reuters

Vào sáng ngày 9/8/2020, Tiến sỹ Trần Đắc Phu - chuyên gia về dịch tễ của Việt Nam phát biểu trong cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 rằng: “Chúng ta đã kiểm soát, khống chế được ổ dịch ở Đà Nẵng và tâm dịch ở Bệnh viện Đà Nẵng, hạn chế được lây lan”.

Ông Phu cũng khẳng định công tác chống dịch ở Đà Nẵng vừa qua đã được thực hiện rất quyết liệt, toàn diện và hiệu quả.

Dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại Việt Nam từ cuối tháng 7 vừa qua, sau gần 100 ngày không có người chết và ca lây nhiễm COVID-19 nào trong cộng đồng. Dù trong đợt mới bùng phát này, Việt Nam đã có 14 ca tử vong tính đến ngày 10 tháng 8; nhưng cơ quan chức năng không tiến hành giãn cách toàn xã hội như đợt đầu tiên.

Trong lần dịch tái bùng phát ở Đà Nẵng đợt này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, yêu cầu ngay từ đầu là không làm thái quá, không ngăn sông cấm chợ, không cách ly xã hội toàn quốc như đợt dịch hồi tháng Ba năm nay.

Chính sách chống dịch hợp lý, nhưng…

Giáo sư ngành Sinh học đang nghiên cứu tại một trường đại học ở Hàn Quốc tên H, cho rằng có thể nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu “thấm đòn” sau khi lockdown một cách cực đoan hồi tháng Ba nên khi tái bùng dịch lần này, Chính phủ phải thật cẩn trọng trong các chính sách phong toả, ngăn chặn lây lan:

“Bây giờ, vẫn chưa có một cái đánh giá toàn diện nào về thiệt hại kinh tế của đợt lockdown lần thứ nhất. Nhưng mà có vẻ là Chính phủ đã nhận ra được rằng lần trước khi họ lockdown một cách cực đoan như vậy thì đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế, có nghĩa là nó để lại một hậu quả rất lớn. Họ phải rút kinh nghiệm từ lần trước nên bây giờ họ sẽ lockdown cục bộ từng địa phương, từng tuyến đường hoặc là từng thành phố bị bùng dịch.”

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành từ trong nước cho rằng lần này, Chính phủ đã đạt dược những thành quả ban đầu trong việc khống chế, không để dịch lây lan diện rộng. Hơn nữa, bây giờ cũng không thể phong toả toàn xã hội như lần trước vì nền kinh tế, đặc biệt là các ngành dịch vụ du lịch đang chịu thiệt hại nặng nề:

“Theo thông tin của Nhà nước nghĩ rằng việc lây lan đã được khống chế ở những nơi dịch nổ ra. Như vậy, Nhà nước không cần phải cách ly những nơi khác, vì chưa thấy có khả năng bị nhiễm ở những nơi khác.

Tình hình du lịch nghỉ dưỡng mới vừa chớm nở trở lại thì bị vấn đề ở Đà Nẵng làm cho chết hết. Thành ra, từ Đà Nẵng cho đến Phú Yên, Khánh Hòa, du lịch của Việt Nam bị ảnh hưởng rất nặng. Khi mà du lịch bị ảnh hưởng thì vấn đề tiêu dùng cũng sẽ bị ảnh hưởng.”

Chỉ hiệu quả khi áp dụng ở Việt Nam

Ông Thành đánh giá cho đến thời điểm hiện tại, các biện pháp chống dịch quyết liệt của Chính phủ khá thành công:

“Cho đến nay thì Chính phủ và các bộ ngành liên quan làm việc tương đối tốt. Các nơi cũng đã cố gắng hết sức. Nhân dân cũng hết sức hợp tác với Chính phủ, không có vấn đề mất trật tự trong xã hội. Cho nên mong rằng việc kiềm chế được sự phát triển của dịch này sẽ được tốt.”

Hình minh hoạ. Một nhân viên dân phòng đeo khẩu trang đứng canh bên ngoài một thôn bị phong toả ở Hà Nội vì có bệnh nhân nhiễm COVID-19 hôm 4/8/2020
Hình minh hoạ. Một nhân viên dân phòng đeo khẩu trang đứng canh bên ngoài một thôn bị phong toả ở Hà Nội vì có bệnh nhân nhiễm COVID-19 hôm 4/8/2020
Reuters

Tiến sỹ H, cũng cho rằng, nếu chỉ tách riêng việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan khắp cả nước thì Việt Nam đã làm khá hiệu quả. Tuy nhiên, bà H, nhấn mạnh các biện pháp chống dịch này chỉ áp dụng được cho tình hình ở Việt Nam, nơi mà công dân không quen với các quyền tự do:

“Phải nói thật may mắn là nhờ chế độ Cộng sản cho nên mọi người không quen với tự do. Khi mà người ta đã không quen với tự do thì cái việc lockdown không ảnh hưởng nặng nề về mặt tâm lý. Còn đối với những người ở Mỹ hoặc ở Hàn Quốc, nếu lockdown như vậy thì hậu quả về sang chấn tâm lý nó rất nặng nề.

Mà mình từ xưa đến nay đâu có tự do gì đâu mà cảm thấy bị mất tự do. Vì đã quen rồi cho nên mình nghĩ với tình hình như vậy thì việc lockdown như thế thì cũng hợp lý.

Đối với những người chẳng hạn như ở Việt Nam, họ không quen với tự do thì cái việc lockdown khống chế như thế thì vẫn tồn tại được, miễn là tồn tại, chứ không phải là sinh sống.”

Dù Thủ tướng đã tuyên bố không được “ngăn sông cấm chợ”, tuy nhiên, đến sáng 10/8, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch Đà Nẵng, cho biết “Do việc phòng dịch ở chợ tương đối phức tạp nên ông đã yêu cầu Sở Công thương tính toán tìm cách để người dân 2, 3 ngày mới được đi chợ một lần.”

Năng lực xét nghiệm của Việt Nam còn nhiều hạn chế

Cũng theo chỉ đạo của Thủ tướng, ngoài việc nhanh chóng khoanh vùng, truy vết những người nhiễm bệnh và cách ly nghiêm ngặt tại các ổ dịch, thì việc mở rộng xét nghiệm nhanh, chính xác là chìa khóa ngăn chặn dịch lây lan.

Về mặt cơ sở vật chất mà nói thì ở những vùng như Đà Nẵng hoặc ở các địa phương thì chưa có các cơ sở đạt chuẩn an toàn về virus. Các mẫu mẫu xét nghiệm virus đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn rất cao. Chứ nó không chỉ đơn giản là bạn lấy máu, rồi sau đó đó đem xét nghiệm PCR.

Về mặt chuyên môn, Tiến sỹ H, cho rằng việc xét nghiệm không đơn giản chỉ là mua máy móc, thiết bị là có thể tiến hành ngay được. Phải có hệ thống xét nghiệm đảm bảo an toàn nghiêm ngặt từ đầu vào cho tới khâu xử lý rác thải, nếu không nguy cơ bùng dịch từ các cơ sở xét nghiệm là rất có khả năng:

“Năng lực xét nghiệm mà nói thì cái kỹ thuật PCR không phải là một kỹ thuật mới. Nếu như những người đã tốt nghiệp đại học ngành Y sinh rồi, khi được đào tạo tầm 6 tháng thì họ sẽ tiến hành xét nghiệm được. Và lực lượng này ở Việt Nam không ít.

Tuy nhiên, về mặt cơ sở vật chất mà nói thì ở những vùng như Đà Nẵng hoặc ở các địa phương thì chưa có các cơ sở đạt chuẩn an toàn về virus. Các mẫu mẫu xét nghiệm virus đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn rất cao. Chứ nó không chỉ đơn giản là bạn lấy máu, rồi sau đó đó đem xét nghiệm PCR. Nó không đơn giản như thế.

Bạn phải đảm bảo có một hệ thống xử lý, từ khâu lấy mẫu phải xử lý như thế nào để nó không bị lây nhiễm sang đối tượng tiến hành xét nghiệm trực tiếp. Rồi sau khi dùng xong thì bạn phải phải xử lý hệ thống rác thải như thế nào để không bị ảnh hưởng ra môi trường, và không bị bùng dịch ra xung quanh.

Cái tiêu chuẩn an toàn đấy không phải nhiều phòng thí nghiệm ở khu vực như miền Trung có thể đáp ứng được. Ở các các thành phố lớn như Hà Nội với TP. HCM thì có thể tiến hành xét nghiệm được.”

Theo thông tin từ trang web của Bộ Y tế, đến ngày 8/8/2020, cả nước đã thực hiện đã xét nghiệm được hơn 537.000 mẫu.

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết sẽ tiến hành xét nghiệm cho tất cả những người từ Đà Nẵng về, con số này lên đến hơn 96.000 người. Ông Chung kêu gọi các “mạnh thường quân” có thể đóng góp các bộ kit test xét nghiệm PCR cho các cơ sở y tế tại Hà Nội.

Dự đoán tình hình sắp tới

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, hiện giờ còn khá sớm để đánh giá được mức độ thiệt hại về mặt kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra ở Việt Nam. Theo ông, khi mà Việt Nam đã tuyên bố đã kiểm soát được ổ dịch ở Đà Nẵng thì Chính phủ cũng phải tìm các giải pháp hỗ trợ người dân:

“Những nơi nào bị ảnh hưởng phải có những biện pháp giúp đỡ cho những người dân ở đấy. Nơi nào thiếu lương thực, bị cách ly thì phải có phương thức để cung cấp lương thực. Nơi nào bị đình trệ công việc thì phải suy nghĩ tới vấn đề là giúp đỡ cho những gia đình mất công mất việc, để không ảnh hưởng quá nặng nề.”

Ở khía cạnh y tế, giáo sư ngành sinh học dự báo sẽ còn rất lâu Việt Nam mới có được vắc-xin. Vậy nên, thời gian tới người dân nên tập cách “chung sống” với con virus này. Đồng thời phải chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh bệnh dịch:

“Bất kỳ loại sinh vật nào khi mới xuất hiện thì nó rất hung hăng, bởi vì nó có nhu cầu phát tán đồng loại của mình đi chỗ khác để tồn tại trong cộng đồng. Bây giờ, cũng không phải là giai đoạn đầu hung hăng đó nữa mà mình đã bắt đầu thích nghi rồi.

Bởi vì bây giờ chưa có dấu hiệu của vắc-xin, cũng phải chờ đến 1, 2 năm. Mà nếu có thì nó cũng chưa đến lượt Việt Nam. Với tình hình bây giờ thì mình phải chấp nhận sống chung với virus này thôi.”

Vào chiều ngày 10 tháng 8, thành phố Đông Hà, thuộc tỉnh Quảng Trị bị cách ly toàn thành phố trong vòng 15 ngày. Lệnh được đưa ra sau khi thành phố này ghi nhận có 4 trường hợp dương tính với COVID-19 và hằng trăm ca có tiếp xúc gần với những trường hợp này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.