Vụ án Đoàn Văn Vươn qua góc nhìn của một thẩm phán ở Hoa Kỳ
2013.04.01
Vụ án Đoàn Văn Vươn đang là đề tài nóng bỏng hiện nay khi ngày xử đang đến rất gần. Mặc Lâm tìm hiểu khía cạnh pháp lý vụ án qua cuộc phỏng vấn Thẩm Phán Phan Quang Tuệ, thẩm phán tòa di trú thuộc địa hạt - luật pháp - San Francisco để hiểu thêm căn cứ pháp lý của một cuộc điều tra cũng như nội dung bản cáo trạng của Viện Kiểm sát đưa ra nhằm cáo buộc gia đình anh Đoàn Văn Vươn về tội giết người và chống người thi hành công vụ.
Thủ tục điều tra trái nguyên tắc
Mặc Lâm: Thưa Thẩm Phán, trên nguyên tắc có bao giờ một cơ quan hay một người đang bị điều tra lại được giao điều tra chính vụ án do mình có liên can vào như trường hợp của công an thành phố Hải Phòng được giao điều tra vụ án Đoàn Văn Vươn hay không?
Thẩm Phán Phan Quang Tuệ: Nó có một nguyên tắc mình phải hiểu như thế này, về hình luật thì khoản về hình sự tố tụng tức là cái thủ tục phải qua phải được tôn trọng mà nếu không tôn trọng thì tất cả thủ tục điều tra dẫn chứng đều bị loại ra ngoài, coi như vô giá trị.
Bây giờ cơ quan anh đi thi hành quyết định cưỡng chế là ai? Là mấy ông thần trong thành phố Hải Phòng! Có ông giám đốc công an thành phố Hải Phòng, đại tá Đỗ Hữu Ca. Có ông Phó Chủ tịch nhân dân thành phố Hải Phòng Đỗ Trung Toại. Ông đại tá công an thì nói rằng cuộc cưỡng chế này có thể viết thành một cuốn sách được, tức là một cuộc hành quân đánh trận điệu nghệ lắm. Ông Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thì nói cái vụ phá nhà của ông Đoàn Văn Quý nó sai vì cái nhà đó nó không ở trong khu vực cưỡng chế.
Thứ hai nữa cả cuộc phá nhà đó là bất hợp pháp, mà ai nói là bất hợp pháp? là ông Thủ tướng nói! Thành thử chính ra ông Thủ tướng phải ra lệnh đình chỉ ngay cuộc điều tra. Ngưng chức ông công an đó. Ra lệnh ông ta không được di chuyển ra khỏi thành phố Hải Phòng, hoặc là trốn qua bên Tàu. Ngưng chức chủ tịch Ủy ban Nhân Dân Hải Phòng Nguyễn Trung Thoại và yêu cầu không được đi đâu hết. Đình chỉ và chuyển tất cả hồ sơ cuộc điều tra lên một cơ quan độc lập, tức là chỉ định một Ủy viên công tố độc lập cấp trung ương hay đâu đó.
Mặc Lâm: Ông Thẩm phán nhận xét gì trước những chứng cứ mà cơ quan điều tra giao lại cho Viện Kiểm sát để cáo buộc các nghi can trong vụ án này?
Thẩm Phán Phan Quang Tuệ: Anh Mặc Lâm và quý vị nào đọc rõ trong chính cái bản cáo trạng chứa đầy những cái điểm mà mình nên đặt câu hỏi: Ủy ban giám định y khoa về các cái gọi là thương tích của những người trong tổ công tác số 3, cái vụ đó xảy ra vào ngày 5 tháng 1 năm 2012 nhưng giám định y khoa lại làm vào tháng 10 năm 2012 thử hỏi trong thời gian đó chứng cớ nó chạy đi đâu? Thành thử câu hỏi của anh Mặc Lâm tôi xin trả lời toàn bộ thủ tục điều tra đó trái với những nguyên tắc căn bản của luật lệ thủ tục điều tra vì vậy nó không có một giá trị gì hết.
Mặc Lâm: Về bản cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hải Phòng ông Thẩm Phán đánh giá ra sao, có phù hợp với tiêu chuẩn của một cáo trạng do pháp luật quy định hay không?
Thẩm Phán Phan Quang Tuệ: Trong bản cáo trạng này có chia ra hai nhóm bị can, một nhóm là ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý và mấy người đàn ông nữa khởi tố về vi phạm điều 93, khoản (d) tội giết người. Thứ hai là hai người phụ nữ còn lại bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ.
Tôi nhìn bản cáo trạng và giở ra điều luật 93 (d) thì điều luật đó nói như thế này: Tội giết người: người nào giết người thuộc một trong các trường họp sau đây bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. Tôi đọc suốt bản cáo trạng thì tôi thấy không có nạn nhân nào bị giết hết. Bản cáo trạng 13 trang có đề cập đến những người bị thương tích và họ liệt kê trong nhóm tổ công tác số 3, kể cả một bí thư huyện Tiên Lãng. Cái điểm quan trọng trong bản cáo trạng họ nói như thế này: những người đó bị thương nhưng đã được cứu cấp kịp thời có nghĩa là mấy người đó không chết. Khi nói về tội giết người thì phải có xác chết chứ? Ở đây không có người nào chết hết.
Về phía chính quyền, cơ quan theo chỗ tôi đọc thì có khoảng 100 người thuộc 25 tổ chức, không có người nào chết. Phía bên gia đình ông Đoàn Văn Vươn cũng không có ai chết. Thế thì nguyên tắc quy định của luật thì khi truy tố thì nó phải có yếu tố cấu thành tội phạm.
Mặc Lâm: Ông Thẩm phán có đề nghị gì cho các luật sư bên bị cáo trong trường hợp này?
Thẩm Phán Phan Quang Tuệ: Tôi đề nghị mấy ông luật sư có thể nói rằng, thưa quý tòa bên chính phủ không thể chứng minh được, hoàn tất được trách nhiệm dẫn chứng của mình vì lý do họ đã buộc tội thân chủ của chúng tôi tội giết người nhưng không có người nào chết hết, thành thử không thể dẫn chứng được. Vụ án không thể tiếp diễn tức là không cần mở phiên tòa nữa. Nếu Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng còn biết đọc luật lệ hiện tại, tôi không nêu Hiến pháp hay một tổ chức nhân quyền nào, tôi chỉ dựa trên luật của chính thể cộng sản này, nếu họ tôn trọng luật của chính họ lập ra thì phải đình chỉ ngay phiên tòa. Viện Kiểm sát phải đình chỉ ngay, không phải tạm thời mà phải đình chỉ luôn.
Qui kết tội gì cho gia đình ông Vươn?
Mặc Lâm: Theo sự đánh giá của Thẩm phán như vậy thì bản cáo trạng này không thể sử dụng để kết tội gia đình Đoàn Văn Vươn, xin ông cho biết bước kế tiếp thì Tòa án Nhân dân Hải Phòng sẽ giải quyết như thế nào?
Thẩm Phán Phan Quang Tuệ: Danh từ mà giới luật chúng tôi trước năm 1975 gọi cái bản cáo trạng đã bị “hà trì” từ căn bản. Trong Bộ luật Tố tụng Hình sự có nói như thế này: sau khi đã nói về trách nhiệm dẫn chứng của cơ quan khởi tố, nói cách khác tức là trong trường hợp này ông Đoàn Văn Vươn và gia đình ông ấy không có trách nhiệm chứng minh họ vô tội. Trong Bộ luật tố tụng của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nếu như không có sự việc phạm tội, quyết định không khởi tố vụ án hình sự khi có một trong những căn cứ quy định tại điều 89 nghĩa là không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm thì cơ quan có quyền khởi tố ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Đây là điều quan trọng: nếu đã khởi tố thì phải hủy bỏ quyết định. Nó nói là “phải” nếu theo tiếng Anh là “shall” là “must” và thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác hoạc báo tin về tội phạm biết rõ lý do.
Điều 91 nếu cơ quan khởi tố nhận thấy quyết định của mình không có căn cứ thì Viện Kiểm sát ra quyết đinh hủy bỏ quyết định khởi tố đó. Hủy bỏ điều đó thì chuyện gì xảy ra? Trong trường họp này do họ đã đưa bản cáo trạng nên sẽ có mấy điều xảy ra theo quy định. Điều 55 người Thẩm phán xử án, trường hợp ở đây là Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng, phải áp dụng điều 155, Thẩm phán ra quyết định tạm đình chỉ vụ án khi có căn cứ quy định tại điều 89 hoặc ra quyết định đình chỉ vụ án khi một trong những yếu tố quy định trong điều 89 của bộ luật này. Tôi nghĩ là không có yếu tố tội phạm.
Nguyên tắc là khi mình khởi tố thì Biện lý cuộc hay Viện Kiểm sát Nhân dân là cơ quan đứng truy tố có trách nhiệm dẫn chứng. Dẫn chứng trong một vụ giết người thì phải có ông Nguyễn Văn A hay ông Nguyễn Văn B gì đó bị chết. Bản cáo trạng là căn bản của văn kiện khởi tố, rõ ràng nói rằng khởi tố theo điều khoản 93 (d) có nghĩa là giết người thi hành công vụ, nhưng không có người nào chết hết thì sao gọi là giết người? Chính bản cáo trạng họ kể tên gần 10 người ra trong đó tổ công tác 3 có mấy người bị thương và đã được đưa đi cứu kịp thời.
Mặc Lâm: Ông Thẩm phán có cho rằng Tòa án không kết tội giết người với gia đình ông Vươn được vì không có ai bị giết nhưng Tòa có thể kết một bản án khác chẳng hạn như sử dụng vũ khí, chất nổ bất hợp pháp hay không?
Thẩm Phán Phan Quang Tuệ: Tôi đọc đâu đó có một ông luật sư Việt Nam ổng nói nếu muốn khởi tố, truy tố thì có thể truy tố ông này về tội phòng vệ chính đáng quá mức. Nhưng không thể nói vì tôi truy tố cái này không được nếu không giết người thì mưu sát...không thể được, vì như vậy là vi phạm nguyên tắc Double Jeopardy (nguy cơ bị kết án hai lần) không phải một tội phạm mà ông cứ bác người ta ra, truy tố hết tội này rồi qua tội khác. Không phải truy tố tội ăn cắp không được quay qua truy tố tội dụ dỗ gái vị thành niên, phải trả tự do tức khắc.
Mặc Lâm: Xin được hỏi Thẩm phán một câu cuối, nhìn một cách tổng quan ông thấy vụ án này nói lên điều gì? Sự yếu kém của tư pháp, việc bao che của cán bộ địa phương hay điều gì khác thưa ông?
Thẩm Phán Phan Quang Tuệ: Tôi đọc bản cáo trạng mà giật mình. Không biết làm sao người ta huy động cả trăm người, chiếm cái cơ sở làm việc mà chính chính phủ đã giao cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn khai thác từ năm 1993, bao nhiêu mồ hôi nước mắt đã đổ ra. Ổng đâu có làm điều gì trái luật đâu? Trong bản cáo trạng rất tức cười, họ nêu ông Vươn xây 5 cái hàng rào! Ổng muốn xây một chục hàng rào thì ổng có quyền xây chớ đâu có cái luật nào cấm người ta xây hàng rào? Rồi nói là ổng gài cái này gài cái kia! Trời đất! Mình gài chống người ăn trộm, khi ăn trộm vô thì người ăn trộm phạm tội chứ đâu phải mình phạm tội!
Chính quyền đóng vai trò ăn cướp lại đi khởi tố nạn nhân, cái người đã đóng góp cho quốc gia. Tôi thấy trong những người tham gia cưỡng chế có nhân vật là bí thư của Đảng Cộng sản. Từ đó mình nhìn vấn đề rộng lớn hơn là tất cả nằm ở chỗ khi Đảng nhảy vô qua Điều 4 Hiến pháp cho là mình lãnh đạo tiên phong, bao trùm mọi hoạt động của Đảng. Từ vụ này tôi thấy người Bí thư phải bị truy tố vì đã xâm phạm tài sản của dân dựa theo bộ luật hình sự. Và vì ông ấy là bí thư thành thử phải có cuộc điều tra Tổng bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính trị bộ phải xem họ có vi phạm các tội vi phạm quyền tự do dân chủ của công dân chiếu theo chương 13 của Bộ hình luật họ có xâm phạm tội xâm phạm quyền sở hữu của dân chiếu theo chương 14.
Sự có mặt của ông Bí thư tại Tiên Lãng đặt ra câu hỏi về vai trò của Đảng Cộng sản trong đó như thế nào. Phải điều tra luôn cả bí thư Hải Phòng, Tổng bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam và toàn chính trị bộ để xem chính sách đất đai của họ đối với đất nước như thế nào.
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.