Hội thảo Biển Đông có cần thiết không?

Kính Hòa RFA
2018.11.15
000_Hkg9894442 Đụng độ giữa tàu hải giám Trung Quốc và Cảnh sát biển Việt Nam, 2014.
AFP

Đầu tháng 11/2018, Hội thảo về Biển Đông lần thứ 10 được tổ chức ở Đà Nẵng. Đây là một cuộc hội thảo thường niên được Việt Nam tổ chức liên tục từ năm 2009 đến nay.

Cơ quan đứng ra tổ chức hội thảo này là Học viện ngoại giao Việt Nam, Hội luật gia Việt Nam, cùng với sự hỗ trợ tài chính của Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

Sau khi hội thảo lần thứ 10 tại Đà Nẵng kết thúc vào ngày 9/11/2018, truyền thông trong nước cho đưa tin rằng hội thảo đã đề cập đến nhiều vấn đề về tranh chấp Biển Đông, những vấn đề pháp lý có liên quan. Ông Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc học viện ngoại giao Việt Nam, được dẫn lời cho rằng Hội thảo đã chứng tỏ tầm quan trọng, thể hiện tính lan toả trong tăng cường nhận thức vấn đề Biển Đông.

Tuy nhiên có một số nhà quan sát trong và ngoài nước lại cho rằng Hội thảo này không có thay đổi nhiều từ lần tổ chức đầu tiên cho đến nay.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu độc lập từ Singapore nói với đài RFA:

Không có gì thay đổi cả. Hồi năm 2014, khi Trung Quốc kéo giàn khoan vào thềm lục địa Việt Nam thì họ có mở ra một số nội dung, nhưng sau đó thì thôi, từ thành phần mời cho đến nội dung.”

Theo ông Hà Hoàng Hợp thì nội dung của những cuộc hội thảo này phải thay đổi theo diễn biến của tình hình mới, với các vấn đề như quá trình quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, việc Trung Quốc xem các căn cứ của mình ở Biển Đông như chuyện đã rồi, sáng kiến Vành đai con đường của Trung Quốc ảnh hưởng Biển Đông như thế nào, tại sau sau Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc thì nước này càng trở nên quyết đoán hơn trên Biển Đông,…

Trong bài viết về bế mạc Hội thảo Biển Đông lần thứ 10 trên trang web của Đài tiếng nói Việt Nam, có nói một số học giả nêu quan ngại về những công trình lưỡng dụng nửa quân sự được xây cất ở Biển Đông, nhưng không nói rõ quốc gia nào xây dựng.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Maine, Hoa Kỳ, cho rằng các cuộc hội thảo này không có thực chất.

Tôi không thấy có gì thay đổi cả trong 10 năm nay.
-Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp.

Chính phủ Việt Nam tổ chức Hội thảo như để chứng minh là mình có làm điều gì đó. Thì cũng tốt thôi khi có tìm cách liên hệ với những nơi này nơi khác. Nhưng nó chỉ là một cái thứ gây chú ý với trong nước.”

Giáo sư Ngô Vĩnh Long trích lời của ông Nguyễn Vũ Tùng, nói vào ngày 8/11, rằng sau 10 năm gốc rễ của vấn đề Biển Đông vẫn chưa xử lý, nhưng mặt khác lại nói là qua hội thảo này, về mặt học thuật thì chủ đề Biển Đông đã trở thành chủ đề nghiên cứu với nội dung đa dạng, đa ngành và đa chiều. Ông Ngô Vĩnh Long cho rằng không biết hiểu thế nào cho đúng ý của ông Nguyễn Vũ Tùng.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long đã bốn lần tham gia Hội thảo về Biển Đông, nhưng ông được một số người tham dự hội thảo nói với ông rằng những giải pháp ông đề ra tại hội thảo tuy rằng tốt nhưng không nên nói ra vào lúc này. Ông đoán rằng có thể vì lý do đó ông không được mời tham gia hội thảo nữa, nhưng ông nói thêm là ông cũng không thấy bổ ích khi tham dự hội thảo.

Lần sau cùng ông tham dự hội thảo là sau phán quyết của Hội đồng trọng tài quốc tế có lợi cho Philippines trong vụ kiện nước này chống yêu sách gọi là chủ quyền lịch sử của Bắc Kinh chiếm 90% Biển Đông. Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói ông đã đề nghị một giải pháp là Việt Nam nên thương lượng trước hết với các quốc gia nhỏ là Philippines, Malaysia, đồng thời Việt Nam là quốc gia có bờ biển và thềm lục địa lớn nhất trên Biển Đông thì phải nên đi đầu trong những vấn đề đấu tranh pháp lý. Nhưng lời đề nghị này của ông không được những người tổ chức tán thành.

Nhà nghiên cứu Biển Đông tại Sài Gòn là Thạc sĩ Hoàng Việt, đã tham gia 9 lần hội thảo, có cái nhìn tích cực hơn về các hội thảo này.

Đối với tôi thì có cái lợi là qua hội thảo các nhà nghiên cứu Việt Nam tiếp xúc được với các học giả thế giới, những người cập nhật tin tức tốt hơn trong nước. Có những nhân vật tham dự hội thảo có thể có những quyền lực nào đó trong quốc gia của họ, thì họ sẽ ảnh hưởng lên những chính sách có lợi cho Việt Nam.”

Ông Hoàng Việt cũng nêu một nhận xét là có sự hỗ trợ về tài chính của Quỹ nghiên cứu Biển Đông cũng đánh dấu sự quan tâm của xã hội đến Biển Đông, dù rằng hiện nay nguồn tài chính này đến từ các công ty nhà nước là chủ yếu như là Tập đoàn dầu khí quốc gia, chứ chưa có các công ty tư nhân khác.

Có những nhân vật tham dự hội thảo có thể có những quyền lực nào đó trong quốc gia của họ, thì họ sẽ ảnh hưởng lên những chính sách có lợi cho Việt Nam.
-Thạc sĩ Hoàng Việt.

Một điểm mà ông Hoàng Việt cho rằng Hội thảo chưa làm được là ảnh hưởng của nó trong dân chúng Việt Nam. Ông lấy ví dụ là ngay khi hội thảo diễn ra tại Đà Nẵng thì trên mạng xã hội có lan truyền một sự bất bình là tại sao tại Hội thảo có dùng đến thuật ngữ Biển Nam Trung Hoa để chỉ Biển Đông. Ông Hoàng Việt nói rằng đó chỉ là một cái tên, không nói lên được điều gì cả, và như thế là sau 10 lần hội thảo, không thấy ảnh hưởng của những phân tích khoa học lan tỏa trong dân chúng Việt Nam mà lại vẫn có một mầm móng chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi phát triển.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.