Vựa lúa xuất khẩu và trận lũ 10 năm
Phản biện không tác dụng
Năm 2011 được xem là năm của thiên tai tại Việt Nam. Chỉ riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có 85 người thiệt mạng vì lũ, hơn 150.000 ngôi nhà bị hư hại, khoảng 10.000 ha lúa vụ ba bị mất trắng. Lũ năm 2011 được xem là ngang ngửa trận lũ lịch sử năm 2000, nhưng đồng bằng sông Cửu Long vẫn cung cấp 90% tổng luợng gạo xuất khẩu hơn 7 triệu tấn của Việt Nam trọn năm 2011.
Tại hội nghị ngày 5/12/2011 tại An Giang, Bộ NN-PTNT định hướng phát triển vụ ba trở thành vụ lúa chính trong năm ở đồng bằng sông Cửu Long. Như vậy hàng loạt phản biện của giới khoa học đã không thay đổi được chủ trương của chính quyền và số đông nông dân.
Giới khoa học có những cảnh báo về tác hại môi trường lâu dài khi hệ thống đê bao khép kín triệt để dồn nước lũ xuống sông rạch, thay vì lũ tràn đều khắp hàng trăm km mặt đất.
Hơn 600.000 ha ruộng bên trong hệ thống đê bao khép kín làm ba vụ quanh năm, khiến nước lũ không vào được để tẩy rửa đồng ruộng cũng như bồi đắp phù sa, đất bạc màu, và nông dân càng ngày phải sử dụng thêm phân bón thuốc trừ sâu.
Tốn kém không hữu dụng...
mấy ông lãnh đạo chỉ chạy theo sản lượng, không thấy cái khổ của người dânTheo GS-TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp nhiều kinh nghiệm, thì ngoài những lý do vừa nêu, làm lúa hai vụ không đê bao, mùa lũ nghỉ dưỡng, năng suất cao ngang ngửa làm ba vụ bên trong đê bao, chưa kể giá thành sản xuất chưa được tính phần xây dựng bảo trì đê bao khá tốn kém.
GS-TS Võ Tòng Xuân
Từ Long An, GS-TS Võ Tòng Xuân nói:
“Trên phương diện khoa học mà nói làm vụ ba rất tốn kém, mấy ông lãnh đạo chỉ chạy theo sản lượng, không thấy cái khổ của người dân. Làm cái đê dân cũng phải bỏ tiền ra, có gì hư hại dân gánh chịu hết.”
Hay vẫn có hiệu quả?
năng suất năm sau cao hơn năm trước và hiệu quả rất tốt
TS Lê Văn Bảnh
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long, nêu ra những lý do khiến Bộ NN-PTNT tán thành làm vụ ba và củng cố hệ thống đê bao khép kín. TS Lê Văn Bảnh nhận định:
“Tất nhiên các nhà khoa học nói cũng có cơ sở, nhưng họ dựa trên lý thuyết, mà trong thực tế không đúng khuôn như vậy. Họ nói làm như thế sẽ cạn kiệt đất đai và gặp nhiều thứ vấn đề, nhưng thực chất 10 năm từ năm 2000 tới nay những vùng làm ba vụ lúa đông xuân, hè thu và thêm vụ ba thu đông đã kết luận rằng năng suất năm sau cao hơn năm trước và hiệu quả rất tốt.
Một vụ lúa khoảng 90 ngày tới 100 ngày là thu hoạch nên cần có đê bao tốt, hệ thống tưới tiêu tốt, có trạm bơm điện xử lý tốt thì có thể làm lúa tốt.”
Theo lời TS Lê Văn Bảnh, bà con nông dân được các nhà khoa học cố vấn, thay vì làm liên tục thì chỉ làm hai năm qua năm thứ ba thì xả lũ giải quyết được chuyện bồi đắp phù sa cho đất.
Một số ý kiến nói là làm vụ ba như vậy rất là vất vả nhưng thực chất bà con nông dân ở vùng này nếu không trồng lúa thì bỏ đất trống đấy chứ không làm gì khác, bởi vì nếu người ta nói 2 lúa một màu thì trồng màu không bán được, làm những thứ khác cũng rất khó. Thành ra do vậy Bộ Nông nghiệp chủ trương nơi nào bà con làm được thì các nhà khoa học hỗ trợ để cho hiệu quả tốt hơn.
Nhà nông không muốn
Một số không nhỏ người dân vùng lũ đồng bằng sông Cửu Long không muốn làm vụ ba trong đê bao nhưng họ không thể đi ngược lại chủ trương, hơn nữa xóm giềng góp tiền góp công lập đê bao thì mình cũng không thể tách biệt. Một người dân vùng lũ đồng bằng sông Cửu Long phát biểu:
làm càng khép kín thì vùng đất càng bị cằn cỗi thêm, càng tốn kém nhiều phân thuốc,
môt nhà nông
Không nên làm đê bao, hồi xưa trước năm 1990 không có đê bao thì nguồn lợi thủy sản rất là phong phú nó có chỗ là nơi sinh sản các loài cá. Bây giờ mình làm đê bao khép kín càng kiên cố hơn thì nguồn lợi thủy sản không có, ngược lại lúa thóc cũng không đạt kết quả.
Bởi vì phù sa không bồ lắng trên vùng đất, anh làm càng khép kín thì vùng đất càng bị cằn cỗi thêm, càng tốn kém nhiều phân thuốc, không có lợi cho người dân. Khi nước lên nghỉ làm lúa thì giăng câu làm cá đặt lợp cũng được đâu có mất mát gì. Chỉ nên làm hai vụ thôi.”
Nhiều người nhắc lại trận lũ lịch sử năm 2000 với đỉnh lũ tháng 9 năm đó ở Tân Châu là 506 cm ngang ngửa đỉnh lũ 2011. Tuy vậy sự thiệt hại về nhân mạng và tài sản của lũ 2011 chỉ bằng một phần rất nhỏ so với lũ 2.000 khi chưa có đê bao hàng loạt ở đồng bằng sông Cửu Long. Năm đó hơn 500 người chết, 5 triệu người bị ảnh hưởng, 825.000 căn nhà bị hư hại, mất trắng toàn bộ vụ lúa hè thu.
Dựa vào những số liệu so sánh, ngành nông nghiệp đã tham mưu cho chính phủ về điều gọi là sự hiệu quả của chủ trương sản xuất lúa vụ ba bên trong hệ thống đê bao khép kín ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Nhưng đã thành quốc sách
TS Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp đề cao khía cạnh an sinh xã hội cho người dân vùng lũ:
“Ở đây không có ý nghĩa đơn thuần làm đê để sản xuất lúa thu đông hay sản xuất lúa, mà có thêm vấn đề có thể bố trí các tuyến dân cư cho nhà ở của người dân nông thôn, đồng thời đảm bảo giao thông nông thôn nữa. Tôi cho rằng việc đầu tư này mang ý nghĩa rất lớn là vừa đảm bảo sản xuất vừa đảm bảo ổn định đời sống vùng lũ.”
Mùa lũ kéo dài 4 tháng mỗi năm ở đồng bằng sông Cửu Long trong khoảng tháng 7 đến tháng 11 âm lịch. Người dân địa phương từ cả trăm năm nay đã quen sống chung với lũ, nhiều nơi còn gọi là mùa nước nổi đem lại nguồn lợi cá tôm cho người dân.
sản xuất lương thực ở đồng bằng sông Cửu Long đã tới ngưỡng, nếu phát triển nữa sẽ phải trả giá…
TS Lê Anh Tuấn
Lũ đồng bằng sông Cửu Long được giới chuyên môn gọi là “lũ hiền từ” nhất Việt Nam vì cường suất chỉ từ 3cm-4cm một ngày lúc cao nhất cũng chỉ 20cm-40cm/ngày. Khi chưa có chủ trương làm lúa vụ ba bên trong các đê bao khép kín, thời gian mùa lũ là để đồng ruộng được nước tẩy rửa và bồi đắp phù sa.
Cách nay một thập niên khi đồng bằng sông Cửu Long chưa có hàng ngàn km đê bao khép kín, mùa lũ về tràn ngập một diện tích khoảng 2 triệu hec-ta. Nhiều chuyên gia tài nguyên môi trường cho rằng gần 2 triệu ha ngập nước của đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên được ví như hai hồ chứa nước của vùng đồng bằng sông Cửu Long trong mùa lũ và điều tiết nước trong mùa khô. Hệ thống đê bao khép kín ngăn lũ để tăng diện tích trồng lúa là phá vỡ thiên nhiên, tác hại về lâu dài là không thể lường hết được.
Một số nhà khoa học trong đó có TS Lê Anh Tuấn chuyên gia về biến đổi khi hậu Đại học Cần Thơ từng có nhận định trên báo chí: làm đê bao có lợi cho vùng này mà có hại cho vùng khác về kinh tế, về môi trường thì nên xem là có hại cho toàn cục. TS Tuấn nhấn mạnh, sản xuất lương thực ở đồng bằng sông Cửu Long đã tới ngưỡng, nếu phát triển nữa sẽ phải trả giá…
Tuy vậy, xem ra người Việt Nam trong đó cả chính quyền và nông dân đều mong muốn có thêm thật nhiều lúa gạo, đê bao đã trở thành quốc sách.