Thiếu tầm nhìn và kế hoạch chặt chẽ dẫn đến hoang phí!
2020.06.09
Ủy ban Nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội vừa thông qua kế hoạch tưới nước rửa đường của 30 quận, huyện, thị xã... Với kinh phí đầu tư trong năm 2020 ước tính trên 114 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách.
Theo lãnh đạo thành phố, việc rửa đường sẽ được thực hiện trên toàn thành phố nhằm giảm ô nhiễm không khí, sạch bụi bẩn. Trong khi năm 2019 chi phí cho việc rửa đường theo UBND Hà Nội chỉ 70 tỷ đồng thì năm 2020 tăng thêm tới 44 tỷ đồng.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do nhận định:
“Tôi nghĩ ở Hà Nội mà 100 tỷ chi cho rửa đường thì không phải là quá nhiều và là việc nên làm cho đỡ bụi. Nhưng có lẽ đấy chỉ là một biện pháp chữa cháy, đúng ra phải làm như thế nào để xe cộ đỡ gây ra bụi, đỡ gây bẩn đường, đấy mới là quan trọng. Vấn đề là rửa khi nào và sẽ tiến hành công khai minh bạch ra sao? Chứ việc làm vệ sinh sạch sẽ, vệ sinh tốt hơn, thì đấy là điều đáng hoan nghênh, không có gì cần bàn cãi.”
Có lẽ đấy chỉ là một biện pháp chữa cháy, đúng ra phải làm như thế nào để xe cộ đỡ gây ra bụi, đỡ gây bẩn đường, đấy mới là quan trọng.
-TS.Nguyễn Quang A
Lo ngại về sự lãng phí và minh bạch trong việc rửa đường không phải là không có cơ sở, khi vào năm 2017, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã cho đầu tư hàng chục tỷ đồng để mua 50 xe hút bụi, với lý do giúp thành phố tiết kiệm 70 tỷ đồng mỗi năm khi ngưng rửa đường. Tuy nhiên đến năm 2019, việc rửa đường lại phải tiếp tục vì xe hút bụi không hiệu quả.
Nhà hoạt động dân sự Lã Việt Dũng cho Đài Á Châu Tự Do biết ý kiến của mình:
“Số tiền lần này lớn hơn ngân sách lần trước, khi Hà Nội quy hoạch về việc rửa đường. Mình nghĩ nếu nó hiệu quả thì tốt thôi, nhưng các vấn đề về môi trường ở Hà Nội cần nhiều biện pháp đồng bộ, chứ không chỉ là rửa đường là xong. Bởi vì các vấn đề khác như xe rác ở Hà Nội chẳng hạn, họ vận chuyển rác thải, nhưng khi đi trên đường thì họ làm rơi vãi rất nhiều... Nếu không ngăn chặn việc đó thì rửa đường chẳng có ý nghĩa gì cả, hay các vấn đề về môi trường đô thị khác.”
Một ví dụ mới nhất trong đầu tư lãng phí tại Hà Nội vừa được báo chí lên tiếng, đó là trường hợp Công viên Tuổi trẻ Thủ đô tại phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội, đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng khoảng 10 năm qua để nhiều hạng mục trò chơi bỏ hoang dẫn đến xuống cấp trầm trọng.
Cụ thể trong công viên nước, hệ thống ống trượt, máng trượt, bể bơi, hồ tạo sóng và những bậc thang bị rêu xanh; những bậc thang bị hoen gỉ, đứt gãy. Các trụ chính của vòng đu quay bong tróc chuyển sang màu đen, nhiều thanh nối đã gãy, tiềm ẩn nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
Liên quan vấn đề này, từ Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhận định:
“Tôi không nghĩ rằng công viên nước do đầu tư công, thường công viên nước hay chỗ vui chơi giải trí thì họ để cho tư nhân đầu tư. Còn chuyện tư nhân đầu tư không hiệu quả thì tư nhân phải chịu lỗ, đấy là một sự trừng phạt với đầu tư của tư nhân. Tất nhiên đấy là sự lãng phí của xã hội nói chung, bởi vì bất kể ai lãng phí tiền bạc thì cũng đều là xã hội lãng phí cả. Nhưng cái đấy là phải để cho khu vực tư nhân trả giá cho chuyện đó.”
Khu vui chơi công viên nước với nhiều hạng mục trò chơi trong công viên Tuổi trẻ Thủ đô, do Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Một Thành Viên, Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội, được TP Hà Nội giao đầu tư xây dựng. Với tổng diện tích đất là 26,43 ha, khai trương vào tháng 10 năm 2004, nhưng chỉ sau 3 năm hoạt động, đã đóng cửa.
Sự lãng phí của xã hội nói chung theo lời Tiến sĩ Nguyễn Quang A không phải là không có lý do, khi hàng chục năm qua, người dân khu vực mất đi nơi có thể tập thể dục, giải trí, trong công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Ngay cả đi bộ gần đó cũng không dám vì lo ngại các công trình có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
UBND phường Thanh Nhàn khi trả lời báo chí trong nước cho biết, đã nhiều lần làm việc với chủ đầu tư và đề xuất với quận, TP Hà Nội để lên phương án xử lý. Tuy nhiên, vẫn chưa có bất kỳ cơ quan nào đứng ra giải quyết.
Đây không phải là lần đầu tiên, chính quyền Hà Nội gây lãng phí ngân sách, vào năm 2017, ba toà nhà tái định cư gồm 150 căn hộ ở khu đô thị Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội cũng bị đề nghị cho phá bỏ, khi đã hoàn thành hơn 10 năm, nhưng bỏ không do người dân không nhận nhà.
Mình nghĩ nếu nó hiệu quả thì tốt thôi, nhưng các vấn đề về môi trường ở Hà Nội cần nhiều biện pháp đồng bộ, chứ không chỉ là rửa đường là xong.
-Lã Việt Dũng
Tòa nhà “bỏ hoang” nhiều năm là những cụm từ mô tả tình trạng hiện nay của nhiều dự án tại Hà Nội. Điển hình như công trình trăm tỷ “bỏ hoang” gần 1 thập kỷ, do Công an thành phố Hà Nội đầu tư xây dựng công trình Nhà công vụ tại số 1-1A Yên Phụ, quận Tây Hồ. Theo truyền thông trong nước, mặc dù TP Hà Nội đã có nhiều chỉ đạo trong việc kiểm tra và xử lý nhưng dự án vẫn “đắp chiếu”. Hơn 100 tỷ đồng ngân sách nhà nước đang lãng phí, thất thoát, trong khi ngân sách nhà nước đang eo hẹp.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Đỗ Mạnh Hùng, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do, nhận định:
“Tôi thấy việc lãng phí thể hiện qua những hiện tượng như lãng phí do chất lượng quy hoạch chưa cao nên đầu tư không trúng, có những cái nhà máy đầu tư hàng trăm tỷ nhưng các điều kiện về hạ tầng không đáp ứng nên khi xây xong thì bỏ hoang. Còn lãng phí trong đầu tư, như đầu tư không đồng bộ, không thống nhất cho nên công trình xây nhiều năm rồi để hoang phí hay bỏ hoang. Việc này theo tôi chỉ nhằm mục tiêu quyết toán được kinh phí cấp cho chương trình đó.”
Còn Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, bà phản đối những đầu tư lãng phí, khi ngân sách còn khó khăn, cuộc sống còn chưa đầy đủ ở những vùng khó khăn. Vào lúc này, khi nền kinh tế Việt Nam đang phải đương đầu với nhiều thách thức, nhất là với dịch bệnh vừa qua ảnh hưởng khá nhiều đến nền kinh tế, nên bất cứ nơi nào dùng tiền ngân sách vào những việc không mang lại lợi ích kinh tế xã hội, theo bà đều là việc không nên làm.