Tình hình Tân Cương vẫn còn nhiều căng thẳng

Tin tức do các hãng thông tấn quốc tế truyền đi từ Urumqi cho hay, tiếng súng vang vọng, có thêm người chết và bị thương. Binh lính vẫn tuần tra ngày đêm, các cửa hàng còn đóng cửa.

0:00 / 0:00

An ninh được tăng cường chặt chẽ trên các đường phố của thủ phủ Urumqi, các loa phóng thanh đặt trên xe tải chạy khắp đường phố, phát đi liên tục lời kêu gọi từ chánh quyền trung ương yêu cầu người dân Uyghur và Hán, tại đây phải đoàn kết và duy trì an ninh, trật tự xã hội.

2 người bị bắn chết

Hàng trăm binh lính và cảnh sát chống bạo động đã phong toả một khu vực trong phạm vi thủ phủ Urumqi, sau khi một toán tuần tra gồm công an võ trang Trung Quốc nổ súng vào nhóm người Uyghur cầm dao và gậy gộc tiến đến gần đơn vị này và có ý muốn tấn công họ.

Có 2 người chết và một người bị thương trong vụ này, qua lời kể của nhiều nhân chứng.

Tin vừa nói do hai nhân chứng đứng cách nơi đó chừng 50 mét kể lại với phóng viên quốc tế.

Một bác sĩ làm việc gần nơi ấy cũng nói là ông nghe 10 phát súng nỗ vang, cùng nhiều tiếng nỗ phụ khác vọng lại.

Tuy nhiên, một viên chức thuộc văn phòng thông tin của Tân Cương cho biết , ông không nhận được báo cáo về sự việc có súng nỗ ở Urumqi.

Sau khi có vụ nổ súng, nhiều cửa hiệu và nhà hàng , mở cửa từ sáng sớm đã vội đóng cửa.

Các toán an ninh gồm từ 5 đến người võ trang súng trường có gắng thêm lưỡi lê, đứng đâu lưng vào nhau, sẵn sàng chống trả mọi cuộc tấn công.

Xinjiang-09072009-305.jpg
Hàng chục ngàn binh lính Trung Quốc được lệnh điều động đến Tân Cưong. (AFP PHOTO)

Nhà báo nước ngoài cũng được công an yêu cầu hãy rởi khỏi khu vực này, được xem là nguy hiểm và có thể gặp bất trắc.

Ngoại trừ khu vực vừa xảy ra vụ súng nỗ, những nơi khác trong thủ phủ Urumqi, xe cộ qua lại dập dìu, nhất là ở vùng phía Nam, sinh hoạt bình thường được tái lập nhanh chóng, khác với không khí hoang vắng của mấy ngày trước, lúc ấy trên đường phố chỉ toàn xe của bộ đội và công an di chuyển ngày đêm.

Vấn đề phức tạp

Trong câu chuyện với phóng viên nước ngoài, một tài xế taxi người Uyghur tên là Mang, giải thích, không nên nhắc tới vụ bạo động đỗ máu vừa rồi, vì đây là một vấn đề rất phức tạp.

Dân chúng cũng không muốn nhắc tới chuyện chết chóc hồi tuần trước, nhưng họ lo ngại bạo động có thể bùng phát trở lại. Tình hình chưa được thật sự ổn định theo như lời khẳng định của chánh quyền Tân Cương.

Theo Tân Hoa Xã thì các cuộc biểu tình chống Trung Quốc diễn ra tại các nhiệm sở ngoại giao của Bắc Kinh tại Châu Âu và Hoa Kỳ thời gian gần đây là có sự giựt giây, khích động của các cộng đồng và tổ chức của người Uyghur lưu vong ở hải ngoại.

Tại các sứ quán Trung Quốc ở Ankara, Oslo, Munich và Hà Lan, đoàn người biểu tình đã ném trứng, bom xăng, và gạch đá vào bên trong, những nhiệm sở ngoại giao này.

Cơ quan truyền thông Trung Quốc nhiều lần cáo buộc bà Rebiya Kadeer, một nữ doanh nhân và là một trong những lãnh tụ Uyghur lưu vong đã dàn dựng cuộc nổi loạn ở Urumqi, hôm chủ nhật mồng 5 tháng 7 vừa qua.

Lên tiếng với các hãng thông tấn quốc tế, bà Kadeer tuyên bố rằng, Trung Quốc đã bất lực trong việc đối phó với một cuộc biểu tình ôn hoà, gây ra cái chết của hàng trăm thường dân, đó là trách nhiệm mà Bắc Kinh không thể chối cãi được.

Cuộc bạo động xảy ra chủ nhật vừa rồi tại thị trấn Urumqi đã gây tử vong cho hơn 180 người và gây thương tích cho trên 1600 người khác, ngoài ra còn có chừng 1500 người bị bắt giữ.

Trong cuộc tiếp xúc với đài Á Châu Tự Do chúng tôi, với tư cách nhân chứng, một người đàn ông Uyghur kể lại những điều mắt thấy tai nghe khi xảy ra bạo động khiến hàng trăm người chết, hàng ngàn người bị thương, hôm ấy.

Ông kể lại là hàng ngàn cảnh sát, công an, bộ đội đã đánh đập người biểu tình không nương tay, trong đó có nhiều bé gái. Rồi họ còn rượt đuổi , hành hung và bắt hàng trăm người khác dẫn đi.

Trong khi đó, chánh phủ Bắc Kinh cảnh cáo, những người chủ mưu hoặc tham gia biểu tình sẽ bị trừng trị thích đáng, kể cả bản án tử hình.

Tin tức gởi đi từ Bắc Kinh hôm qua cho hay, trong cuộc hội kiến với ông Ismail Tiliwaldi, phó chủ tịch uỷ ban thường vụ quốc hội Trung Quốc, ông Ksor Phước, chủ nhiệm ủy ban sắc tộc, quốc hội Việt Nam, lên ủng hộ chủ trương của Trung Quốc về cách ứng xử ở khu vực Tân Cương.