Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đang tìm kiếm sự hỗ trợ của khoa học và công nghệ để phát triển ngành lâm nghiệp khi đất rừng thiếu.
Ý kiến này được Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đưa ra tại buổi hội thảo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hôm 16/5 vừa qua tại Đại học Lâm nghiệp với chủ đề ‘Đinh hướng phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo lâm nghiệp giai đoạn 2022-2030’.
Dịp này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh điểm qua một số thành tựu của ngành lâm nghiệp và kinh tế lâm nghiệp với số liệu được cho là ‘ấn tượng’ như đạt 42% diện tích che phủ rừng, xuất siêu 13 tỉ đô la Mỹ.
Ông Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Quốc Doanh còn khẳng định ‘nhờ có khoa học công nghệ thì ngành lâm nghiệp mới phát triển mạnh được như thế. Và để đánh giá được vai trò của khoa học công nghệ, của các nhà khoa học đối với ngành lâm nghiệp, thì phải nhìn vào một giai đoạn dài chứ không chỉ một vài năm’.
Từ 2006, Việt Nam xử lý và giải quyết môi trường cũng như đa dạng sinh học qua hai cơ quan nghiên cứu lớn thuộc Trường ĐH Lâm Nghiệp là Viện Sinh Thái Rừng và Môi Trường và Viện Khoa học Lâm nghiệp.
Ông Lê Quốc Doanh cho rằng dư địa còn rất lớn để phát triển lâm nghiệp và nền kinh tế lâm nghiệp nhờ vào các vấn đề liên quan với Mỹ, EU được giải quyết tương đối ổn thoả.
Tuy nhiên, ông cho biết thêm là hiện dư địa tài nguyên không còn nhiều vì đất trồng rừng khó có thể mở thêm được nữa. Do đó, ‘Chỉ có khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao mới có thể giúp chúng ta tận dụng cơ hội’.
Dư địa tài nguyên không còn nhiều chính là điểm mấu chốt của vấn đề theo nhận định của Giáo sư Nguyễn Đình Cống, Chủ nhiệm khoa Đại Học Xây Dựng.
Chia sẻ với RFA qua điện thư, Giáo sư Nguyễn Đình Cống viết:
"Dư địa là chỗ đất còn lại để phát triển, hiểu theo nghĩa 'địa' là đất, 'dư 'là có thêm một phần nữa. Dư địa là có thêm phần đất hoặc tài nguyên để phát triển, để khai thác. Dùng từ dư địa là cách dùng rất hiếm gặp, có thể bên Lâm nghiệp họ hay dùng (cho đất trồng rừng). Công cuộc bảo vệ và khai thác rừng của Chính quyền Việt Nam phạm nhiều sai lầm quá."
Còn theo một kỹ sư ngành lâm nghiệp, tạm thời xin giấu tên vì lý do an ninh, dùng từ dư địa tài nguyên là tối nghĩa:
"Dư địa" nên được hiểu là ‘khoảng trống để xoay xở, linh động, phát triển’. Trong lĩnh vực tài nguyên, cụ thể ở đây là tài nguyên thiên nhiên, chẳng ai dùng từ dư địa cả. Tài nguyên thiên nhiên phải đi với trữ lượng”
"Mặt khác, tài nguyên thiên nhiên thì làm gì có khoảng trống, làm gì có phát triển hay gì đó mà xoay xở hay linh động, chỉ có cạn kiệt! Dùng từ trữ lượng (reserve) là chuẩn nhất với tài nguyên thiên nhiên. Còn nếu là tài nguyên trí tuệ, thì dùng từ dư địa phát triển tài nguyên trí tuệ thì tạm chấp nhận được".
Thạc sĩ Lê Anh Tuấn, chuyên gia môi trường và biến đổi khí hậu của Đại học Cần Thơ, góp ý:
"Theo tôi hiểu có lẽ ý mình không còn nhiều không gian trống để phát triển rừng nữa. Nói dễ hiểu hơn là tiềm năng đất đai cho lâm nghiệp không còn nhiều nữa."
“Hiện khoa học công nghệ trong lâm nghiệp cũng đã phát triển nhiều, thí dụ ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra những giống cây mới, nhanh hơn cách thức ngày xưa là phải đợi có hạt hay có cây mới gieo hạt hoặc chiết cây ra trồng thì sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức. Công nghệ sinh học thúc đẩy sự phát triển, đồng thời kỹ thuật lâm nghiệp cũng hiện đại hơn, giúp cho việc trồng rừng tốt hơn”.
Những điều ông Lê Quốc Doanh nói có phần đúng có phần không đúng là nhận xét của Giáo sư Tiến sĩ Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường:
"Đúng là dư địa tức phần đất hay đồi trọc còn ít, mà có thể trồng được cây rừng lại càng ít nữa. Đồi trọc thì có thể rất nhiều nhưng mà sỏi đá thôi, không sử dụng để trồng cây rừng được. Xưa nay ta vẫn dùng khoa học công nghệ làm đòn bẩy, các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, lương thực, thực phẩm đều phải dùng khoa học công nghệ cả, đó cũng là một ý đúng."
“Nhưng vấn đề là không nói cụ thể cái gì, công nghệ nào, 4.0 chẳng hạn, số hóa chẳng hạn hay là định vị toàn cầu gì đó…Phải nói cụ thể để có hướng phát triển, còn nói chung chung thì khó biết mình muốn cái gì”.

Trong lâm nghiệp và kinh tế lâm nghiệp, GSTS Lê Huy Bá nói, phá rừng thì nhanh mà trồng rừng thì rất khó, rất chậm:
“Phá rừng để sản xuất lâm nghiệp, xây nhà, xây cửa xây đô thị… thì nhanh lắm, nhưng mà trồng rừng, gieo rừng, trồng lại rừng rất khó, rất chậm, cả trăm năm mới thành được cánh rừng ổn định.”
“Một nguyên nhân nữa là phá rừng nhiều quá. Cá nhân phá, tập thể phá, cả cán bộ đương chức đương quyền cũng tìm cách bóc lột rừng, chặt cây rừng. Mặc dù có những dự án ‘5 triệu héc-ta rừng, dự án 327’ vân vân và vân vân, nhưng mà cuối cùng diện tích rừng vẫn teo tóp lại.”
"Nhìn trên bản đồ hay đi ngoài đường thì thấy có những khu rừng còn tốt lắm, nhưng đi vào trong nội rừng mới thấy nhiều khoảng bị chặt phá hết rồi. Số liệu trước đây 19 đến 20% là phủ xanh, sau này tổng kết lại thì bảo 34% phủ xanh tức là có rừng. Nhưng mà con số vẫn chưa tin được".
Khi dư địa tài nguyên không còn nhiều, cái mà khoa học công nghệ có thể giúp được cho phát triển lâm nghiệp là:
"Làm gì cũng khó, bài toán hết sức là gay go. Bây giờ phải trồng lại rừng mà rừng quí hiếm chứ không phải rừng tự sinh thì không hay ho gì đâu,"
“Phải chọn những loại rừng có thể sản xuất những loại gỗ có giá trị kinh tế 10 năm, 15 năm sau. Những loại như cây sến, cây táu, cây lim, cây bằng lăng, cũng có thể là thông hai lá, thông ba lá… Những loại đó có giá trị kinh tế cao, thương phầm lớn”.
Tóm lại, đất trồng bị thu hẹp thì phải đưa chất lượng rừng cao lên, GSTS Lê Huy Bá nhấn mạnh. Không chỉ ứng dụng khoa học công nghệ mà còn phải bảo quản rừng và bảo vệ môi trường rừng thì mới được gọi là phát triển bền vững.