Giấy phép đi đường mùa dịch COVID-19 và bao hệ lụy xấu

0:00 / 0:00

Nhiều tỉnh, thành phố tại Việt Nam suốt mấy tháng qua áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tăng cường của Chính phủ, và được giải thích là ‘ai ở đâu, ở yên đó’. Vì vậy đã phát sinh nhiều biện pháp kiểm soát đối với những người được phép ra đường có công việc thiết yếu phục vụ xã hội, một trong số đó là ‘giấy phép đi đường’.

Nhiều bất cập

Tuy nhiên, việc cấp ‘giấy phép đi đường’ cũng như kiểm soát giấy này đã xảy ra nhiều bất cập. Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách, vào tháng 8/2021 đã phải lên tiếng về biện pháp kiểm tra và cấp giấy đi đường cho người dân ở các tỉnh thành trong mùa dịch phải giãn cách.

Ông Vân nêu ví dụ như việc soát xét giấy tờ ở một số chốt khiến những nơi này trở thành điểm tụ tập đông người, mâu thuẫn với quy định về giãn cách xã hội. Không chỉ vậy, việc cấp giấy cũng gây nguy hiểm cho người dân khi quá nhiều người tập trung xin giấy. Chưa kể thủ tục rườm ra khiến nhiều nơi, người dân phải chờ hơn bốn tiếng đồng hồ vẫn chưa có giấy.

Sài Gòn cấp giấy đi đường đã xảy ra ùn ứ rồi, nhưng Hà Nội không chịu rút kinh nghiệm, lại tiếp tục như thế, hình ảnh video ùn ứ ở Hà Nội đầy trên mạng... Không học hỏi các nước văn minh mà cứ khư khư cách của mình rồi tự cho mình là sáng tạo.
-Anh Võ Minh Đức

Anh Võ Minh Đức, một người kinh doanh vận tải ở Sài Gòn khi trả lời RFA hôm 9/9, nhận định:

“Giấy phép đi đường thì cá nhân tôi chưa nhìn thấy tiêu cực, nhưng thủ tục nhiêu khê, điều kiện rất khó khăn... Giao độc quyền cho cơ quan công an thì dư luận nghi ngờ, đặt vấn đề tiêu cực cũng đương nhiên thôi. Thứ hai thì giấy đi đường gây phiền toái cho người đi đường như mất thời gian, ùn ứ tắt đường, nguy cơ lây nhiễm chéo nhau rất cao... vì đông như thế, mội người mất từ 30 giây đến một phút thì mới kiểm tra xong các giấy tờ cá nhân cũng như giấy phép đi đường... Thực tế là Hà Nội và Sài Gòn đều đã xảy ra rồi.”

Anh Võ Minh Đức cho rằng, có lẽ những người quản lý có thẩm quyền điều hành công việc này không chịu rút kinh nghiệm, họ không chịu học tập những cái văn minh tiến bộ hơn của các nước khác... mà cứ làm theo ý chủ quan của mình, để rồi gây phiền hà cho người dân nhiều quá. Ông Đức đưa ra dẫn chứng:

“Sài Gòn cấp giấy đi đường đã xảy ra ùn ứ rồi, nhưng Hà Nội không chịu rút kinh nghiệm, lại tiếp tục như thế, hình ảnh video ùn ứ ở Hà Nội đầy trên mạng... Không học hỏi các nước văn minh mà cứ khư khư cách của mình rồi tự cho mình là sáng tạo. Thậm chí những nhà khoa học, trí thức có bao nhiêu bài góp ý trên mạng xã hội, nhưng hình như vẫn không chịu tiếp thu, ghi nhận để mà sửa. Cứ chồng cái sai này đến cái sai khác, rồi cuối cùng là lây nhiễm... Trong trường hợp Hà Nội thì tôi nghi ngờ không sớm thì muộn thì cũng sẽ theo gót Sài Gòn về con số lây nhiễm, nếu vẫn với cách làm đó. Cho đến thời điểm này, nếu cứ tiếp tục giãn cách với các thủ tục giấy đi đường, giấy phép này kia thì chắc chắn hệ lụy sẽ rất nhiều, hậu quả sẽ rất lớn, cứ cấm không cho đi làm hay thủ tục khó khăn thì rõ ràng người ta sẽ đói.”

Sau thành phố Hồ Chí Minh, nay đến lượt Hà Nội cũng xảy ra ùn ứ vì kiểm soát giấy đi đường. Sở dĩ có tình trạng ùn ứ là do Thành phố Hà Nội ra thông báo siết chặt việc cấp và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội. Theo cơ quan này, do thời gian qua vẫn có nhiều trường hợp cấp và sử dụng giấy đi đường không đúng mục đích, không đúng đối tượng, vì vậy phải tăng cường kiểm soát.

Trước tình trạng ùn ứ trong việc cấp và kiểm soát giấy đi đường tại Hà Nội, Bộ Công an Việt Nam vào ngày 9/9 cho biết sẵn sàng giúp Hà Nội cấp giấy đi đường bằng phần mềm kiểm soát y tế có mã QR.

Trước đó, vào ngày 11/8 Bộ Công an Việt Nam thông báo sẽ quản lý công dân vùng dịch bằng phần mềm có mã QR do Bộ này phát triển. Trong khi hiện tại Bộ Y tế đã quản lý bằng phần mềm... đồng thời người dân luôn phải xuất trình kèm theo căn cước công dân có đầy đủ thông tin cư trú... thì Bộ Công an nói các phầm mềm này gây rối rắm... (!?)

Luật sư Đặng Đình Mạnh thuộc Đoàn Luật sư TPHCM, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này, nhận định:

“Tôi hiểu sự cần thiết phải có một chương trình ứng dụng internet để quản lý công dân vùng dịch trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện nay. Thế nhưng, tại sao lại có tình trạng như “loạn sứ quân” đối với các ứng dụng như vậy? Với góc độ công dân, tôi thật sự lo lắng về tình trạng thiếu nhất quán trong các chính sách phòng chống dịch hiện nay giữa các cơ quan quản lý Nhà nước.”

97c95296-bd2f-4190-80aa-80affca2fa44.jpeg
Bộ Công an Việt Nam hôm 11/8 công bố ứng dụng quản lý công dân vùng dịch bằng phần mềm do Bộ này phát triển. Courtesy bocongan.gov.vn

Ứng dụng khai báo y tế điện tử có tên gọi VNEID chính thức ra đời ngày 9/9, trên cơ sở hệ thống khai báo di chuyển nội địa, lấy mã QR do Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) của Bộ Công an triển khai trước đó qua trang web suckhoe.dancuquocgia.gov.vn

Việt Nam hiện có rất nhiều ứng dụng khai báo y tế như ‘tokhaiyte.vn’, NCOV và Bluezone... đang được Bộ Y tế sử dụng để khai báo y tế. Trong đó, Bluezone là ứng dụng do Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế triển khai dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm phát hiện các trường hợp tiếp xúc gần với ca nhiễm COVID-19 thông qua sóng bluetooth.

Vào ngày 29/5/2021, Bộ Y tế Việt Nam ra quyết định 2666 về việc người dân nếu có smartphone, nếu đến nơi công cộng mà không cài đặt ứng dụng khai báo y tế và bật Bluetooth thì sẽ bị xử phạt. Bây giờ thêm ứng dụng khai báo y tế do Bộ Công an quản lý thì không biết người dân theo ai để khỏi bị phạt?

Không hiệu quả?

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân dù đồng tình nếu thành công tuyệt đối trong việc chống dịch COVID-19 thì thời gian giãn cách xã hội không phải kéo dài thêm... Nhưng ông Vân cũng công nhận việc soát xét giấy tờ ở một số chốt khiến những nơi này trở thành điểm tụ tập đông người, mâu thuẫn với Chỉ thị 16.

Cả Hà Nội và TPHCM cứ thay đổi về giấy phép đi đường khá nhiều lần. Thế thì nếu yêu cầu chặt quá về giấy đi đường, thì sẽ làm nghẽn lại, ách tắc lại... và mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế sẽ khó thực hiện.
-Giáo sư Đặng Hùng Võ

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trướng Bộ Tài nguyên Môi trường, khi trả lời RFA, nhận định:

“Cả Hà Nội và TPHCM cứ thay đổi về giấy phép đi đường khá nhiều lần. Thế thì nếu yêu cầu chặt quá về giấy đi đường, thì sẽ làm nghẽn lại, ách tắc lại... và mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế sẽ khó thực hiện. Việc này vừa phụ thuộc trình tự tạo ra giấy phép để ra đường với một mục đích chính đáng, với việc nếu để lỏng thì người dân mà thiếu tự giác thì cũng sẽ ra đường làm dịch có điều kiện lây lan. Đây là việc khó, phụ thuộc cách thức quan niệm vì cái chung của chính quyền cơ sở để có thể quản lý được việc giãn cách.”

Không chỉ TPHCM và Hà Nội có những bất cập, phát sinh tiêu cực liên quan việc cấp và kiểm soát giấy đi đường... Vào ngày 9/9/2021, Công an Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã phát hiện trong tiệm photocoppy Công Vi ở khu phố 2, phường Bình Đa, giấy đi đường của công an và giấy chứng nhận đã tiêm vắc-xin được làm giả. Chủ tiệm photocoppy sau bị tạm giữ đã khai báo, hành vi làm giả giấy tờ của cơ quan Nhà nước là để bán cho người có nhu cầu nhưng không thể xin cấp phép.

Nhà báo Trương Huy San viết trên trang Facebook cá nhân của mình mới đây cho rằng: “Những người sáng tạo ra tờ giấy đi đường gắn “code QR” có khi chỉ muốn sốt sắng thấy thành quả của mình được đưa ra áp dụng (tôi không suy đoán các động cơ khác) nhưng đối với dân chúng đấy là một sự khủng bố.”

Nhà báo Trương Huy San dẫn lời một doanh nhân cho biết “Bắt dân chúng phải xin giấy đi đường là vi Hiến, bất hợp pháp, sao các anh cứ chỉ bàn về sự phức tạp để xin nó thôi”. Ông San cho rằng, trong giới lãnh đạo Việt Nam, kể cả trong hàng ngũ cao cấp, số người nhận ra tờ giấy đi đường là “vi Hiến, bất hợp pháp” chiếm rất ít. Ngay cả số quan chức hình dung được chuyện dân chúng bị tra tấn khi phải xin xỏ, khi bị chặn đường xét hỏi là không nhiều.