Mục tiêu của ngành Thông tin và Truyền thông là phải phát triển doanh nghiệp công nghệ số, cứ 1.000 người dân, thì phải có 1 doanh nghiệp công nghệ số.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), phát biểu như vậy tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, sáng 28/1/2021. Theo ông Hùng, mục tiêu này nhằm thích ứng với xu thế hiện nay và tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, theo chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030.
Các chuyên gia nói gì về mục tiêu này? Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, khi trả lời RFA từ Hà Nội hôm 29/1, nhận định:
“Tôi không hiểu những mục tiêu ổng tính kiểu gì? Nếu một ngàn dân có một doanh nghiệp, nếu cho là Việt Nam có 90 triệu dân, thì có 90 ngàn doanh nghiệp số. Mà không phải doanh nghiệp viễn thông nói chung, hay doanh nghiệp máy tính... mà chỉ là số. Tôi chưa hiểu là quá ít hay quá nhiều, mà vấn đề ổng phải đặt mục tiêu là để làm gì? Để làm hình ảnh cho sự phát triển của ổng? Hay để xuất khẩu? Không có mục tiêu rõ ràng là để làm gì mà chỉ nêu ra con số, thì nghe không hợp lý lắm.”
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2020 là năm mở ra một giai đoạn phát triển quan trọng mới của đất nước, là năm dấu mốc của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia... Trong đó, ngành Thông tin và Truyền thông xác định chuyển đổi số sẽ tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội Việt Nam.
Tôi chưa hiểu là quá ít hay quá nhiều, mà vấn đề ổng phải đặt mục tiêu là để làm gì? Để làm hình ảnh cho sự phát triển của ổng? Hay để xuất khẩu? Không có mục tiêu rõ ràng là để làm gì mà chỉ nêu ra con số, thì nghe không hợp lý lắm.
-Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Vì sao Việt Nam lại cần nhiều doanh nghiệp số như vậy? Và liệu mục tiêu của Bộ trưởng Hùng có khả thi? Đài Á Châu Tự Do hôm 29/1 liên lạc ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ BKAV, và được ông giải thích:
“Hiện nay xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra trên cả thế giới, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng nhiều hơn, cho nên Việt Nam cần rất nhiều doanh nghiệp số để cung cấp các giải pháp, và triển khai các giải pháp cho các doanh nghiệp khác. Quả thật thì tôi cũng chưa biết đánh giá mục tiêu đấy của Bộ trưởng thế nào, nhưng 100 ngàn doanh nghiệp số thì tôi nghĩ có thể được. Bởi vì hiện nay đang có khoảng 1 triệu doanh nghiệp nói chung, và có 4 triệu hộ kinh doanh cá thể... sẽ cần cung cấp dịch vụ số.”
Nói về tính khả thi, cũng như nguồn lực ở Việt Nam trong ngành này, ông Nguyễn Tử Quảng cho biết, hiện nay trong nước cũng đã có nhiều người làm dưới dạng freelancer tức là một người hay một nhóm người không mở doanh nghiệp nhưng cũng đang cung cấp dịch vụ về công nghệ thông tin (CNTT) cho Việt Nam và cả nước ngoài... Vì vậy ông Quảng cho rằngg mục tiêu của Bộ trưởng Hùng là có thể đạt được. Ông cho biết thêm:
“Tôi nghĩ rằng Việt Nam đang phấn đấu để có nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT cho nước ngoài, giống như ở Ấn Độ họ có hàng triệu lập trình viên, các dịch vụ outsourcing về phần mềm, rồi dich vụ tin học hệ thống cho các nước khác trên thế giới... ngay tại Việt Nam hiện cũng đã có công ty cung cấp dịch vụ outsourcing cho nước ngoài. Tôi nghĩ chủ trương của Bộ TT&TT đưa ra là để cung cấp dịch vụ cho thế giới nữa, chứ không chỉ cho Việt Nam.”

Liệu mục tiêu này của ngành Thông tin và Truyền thông có cần thiết ưu tiên, khi nhiều nơi còn chưa đủ cây xanh, bệnh viện, trường học...?
Đơn cử như tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam. Theo Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam, hiện nay tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam ở mức từ 2 đến 3 m2/người. Nghĩa là cây xanh đô thị của Việt Nam chỉ bằng 1/5 đến 1/10 của thế giới.
Còn theo báo cáo của Cục Kiểm lâm thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2019 tỷ lệ diện tích rừng bình quân của Việt Nam mới đạt 0,146 hecta/người, trong khi bình quân chung của thế giới là 0,970 hecta/người.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nói với RFA từ Việt Nam hôm 29/1 về hiện trạng này:
“Theo tôi thì về quy hoạch thì diện tích cây xanh trên đầu người là đủ, nhưng trên thực tế thì không đủ. Bởi vì khi thực hiện quy hoạch hay bị điều chỉnh, và cũng có yếu tố nhóm lợi ích ở đây. Tức là các nhà đầu tư sau khi thực hiện một quy hoạch được duyệt, thì thường xin rút lại diện tích cây xanh, diện tích mặt nước và các nơi nghỉ ngơi cho người già, trẻ em thường bị rút lại... Thành ra theo thống kê tỷ lệ cây xanh trên thực tế cũng có phát triển, nhưng chưa đạt được tiêu chuẩn cần thiết cho một đô thị.”
Theo thống kê tỷ lệ cây xanh trên thực tế cũng có phát triển, nhưng chưa đạt được tiêu chuẩn cần thiết cho một đô thị.
-Giáo sư Đặng Hùng Võ
Không chỉ về cây xanh, ngành y tế tại Việt Nam cũng đang bị cho là đáp ứng không đủ nhu cầu cho gần 100 triệu dân. Theo Bộ Y tế Việt Nam, tính đến năm 2020, toàn quốc có 9 - 10 bác sĩ và khoảng 26,5 giường bệnh trên 10.000 dân. Thực tế cho thấy rất nhiều bệnh viện không đủ giường, bệnh nhân phải nằm chung, thậm chí nằm dưới gầm giường, nằm ngoài hành lang...
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định thêm:
“Ngành nghề khác tôi không có số liệu thực tế nên khó mà bình luận. Nếu mà ví dụ ngành y tế, các cơ sở làm về khám chữa bệnh, hay lớn hơn là bệnh viện, thì có lẽ số bác sĩ trên 1 ngàn dân thì cũng không đạt được số mà ông Hùng mong muốn trong ngành số. Tôi không hiểu ổng lấy đâu ra người.”
Về giáo dục, tuy còn nhiều bất cập, nhưng được các chuyên gia đánh giá là có tỷ lệ phổ cập giáo dục tương đối cao. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2019 tỷ lệ đi học chung của cấp Tiểu học là 101,0%; cấp Trung học Cơ sở là 92,8% và Trung học Phổ thông là 72,3%. Dù vậy, kết quả Tổng điều tra cũng cho thấy, trung bình có đến 8,3% trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng không đến trường.
Dư luận cho rằng, phải thay đổi cơ chế, thậm chí phải thay đổi cả một chế độ thì mới có thể thực hiện như lời các vị lãnh đạo Việt Nam tuyên bố. Đã có không biết bao nhiêu vị lãnh đạo của Việt Nam cứ tuyên bố trong vòng 10 năm, 20 năm sẽ thế này thế kia… nhưng cho đến bây giờ những thứ đã tuyên bố đó, hầu như vẫn chưa thực hiện được.