Việt Nam sẵn sàng để thu hút đầu tư nước ngoài vào công nghệ cao? (Phần III)

Hòa Ái, phóng viên RFA
2018.12.19
BotruongNguyenChiDung.jpg Bộ trưởng Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng, vào ngày 04/10/18, cho biết Việt Nam sẽ ưu tiên FDI vào công nghệ cao.
Courtesy: Ảnh chụp màn hình vov.vn

Việt Nam được đánh giá là cửa ngõ của khu vực Đông Nam Á thu hút các tập đoàn sản xuất thế giới trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Đài RFA ghi nhận ý kiến của giới chuyên gia xoay quanh thông tin Foxconn đang xem xét mở nhà máy lắp ráp Iphone ở Hà Nội cũng như đã đến lúc Việt Nam sẵn sàng để thu hút đầu tư nước ngoài vào công nghệ cao hay chưa?

Phần III: Thu hút FDI công nghệ cao: Giải pháp-Viễn ảnh

Giải pháp

Bộ trưởng Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng, tuyên bố tại Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút đầu tư FDI tại Việt Nam, diễn ra hồi đầu tháng 10 vừa qua rằng Việt Nam sẽ ưu tiên FDI vào công nghệ cao, thân thiện môi trường trong kế hoạch đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh thu hút FDI thời kỳ mới cần sự dịch chuyển trọng tâm từ thu hút nhà đầu tư phù hợp cho “sản phẩm” của Việt Nam sang phát triển sản phẩm phù hợp cho loại hình đầu tư mà Việt Nam cần trong tương lai, đồng thời phải có chính sách chủ động phát triển doanh nghiệp trong nước lớn mạnh để có thể liên doanh, liên kết các nhà đầu tư nước ngoài cùng phát triển. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng đây là một trong những yếu tố quan trọng Chính phủ Việt Nam cần phải bắt tay làm:

“Vấn đề của Việt Nam bây giờ phải nâng quy mô cũng như trình độ của các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam lên đến một tầm thích hợp để có thể hợp tác và có thể cung ứng các trang thiết bị và dịch vụ cho các hãng có công nghệ cao như Foxconn hay Samsung. Và, đấy là một nỗ lực mà chính quyền địa phương, các bộ ngành cần phải giúp đỡ các doanh nghiệp để họ có thể vươn lên được.”

Nhằm thực hiện mục tiêu thu hút FDI thời kỳ mới, Bộ trưởng Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng còn đề cập đến việc chú trọng tăng cường khâu thực thi pháp luật ở tất cả các ngành, các cấp, nâng cao năng lực khâu kiểm tra, giám sát đối với cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp FDI. Tiến sĩ Ngô Trí Long chia sẻ quan điểm của ông trong yếu tố vừa nêu:

Hiện nay, cuộc chống tham nhũng của Việt Nam đã bước đầu đi vào thực chất hơn. Phải nói thẳng như vậy! Và với cuộc chống tham nhũng đi vào thực chất thì chắc chắn tất cả những rào cản, những tệ nạn đó sẽ được đẩy lùi và cũng sẽ là một điều kiện để tạo thu hút thêm cho môi trường đầu tư nước ngoài vào Việt Nam
-TS. Ngô Trí Long

“Nói chung một trong những nguyên nhân gây trở ngại cho đầu tư tại Việt Nam là vấn đề tham nhũng, quan liêu, cửa quyền của các cơ quan và những người thực thi pháp luật Việt Nam. Vấn đề này tất nhiên tạo ra những rào cản và một môi trường không tốt cho đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Cả một quá trình thì Việt Nam đã cải cách thể chế, đặc biệt trong môi trường chống tham nhũng. Hiện nay, cuộc chống tham nhũng của Việt Nam đã bước đầu đi vào thực chất hơn. Phải nói thẳng như vậy! Và với cuộc chống tham nhũng đi vào thực chất thì chắc chắn tất cả những rào cản, những tệ nạn đó sẽ được đẩy lùi và cũng sẽ là một điều kiện để tạo thu hút thêm cho môi trường đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.”

Bên cạnh đó, yếu tố nâng cao trình độ nguồn nhân lực cho phù hợp với điều kiện làm việc của các nhà đầu tư công nghệ cao vào Việt Nam cũng được ông Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu lên.

Truyền thông trong nước, hồi đầu tháng 10 trích dẫn ý kiến của Tiến sĩ Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài, thuộc Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư cho rằng cần phải đào tạo, hướng dẫn nguồn lao động này qua thực tế, được làm việc tại các doanh nghiệp FDI để tiếp cận, tiếp thu kiến thức lẫn kinh nghiệm và có thể quay trở lại làm việc cho các doanh nghiệp Việt Nam khi có những quá trình chuyển giao công nghệ được thực hiện.

Tiến sĩ Phan Hữu Thắng cũng đưa ra giải pháp Việt Nam cần nên có chính sách thu hút FDI công nghệ cao và ưu đãi khi chuyển giao công nghệ cần phù hợp với nhu cầu đổi mới công nghệ của quốc gia; đồng thời phải nâng cao chất lượng thẩm định, trách nhiệm quản lý công nghệ trong nhập khẩu và vận hành công nghệ FDI tại Việt Nam.

Viễn ảnh

Dự án gang thép Hưng Nghiệp Formosa, dự án FDI lớn thứ nhì đầu tư vào Việt Nam gây ô nhiễm môi trường biển hồi tháng 04/16.
Dự án gang thép Hưng Nghiệp Formosa, dự án FDI lớn thứ nhì đầu tư vào Việt Nam gây ô nhiễm môi trường biển hồi tháng 04/16.
AFP

Trong khi đó, không ít ý kiến của giới chuyên gia cho rằng Việt Nam vẫn sẽ mãi loay hoay trong mục tiêu ưu tiên thu hút FDI về công nghệ cao. Nhà quan sát tình hình Việt Nam-Tiến sĩ Vũ Quang Việt, từng làm việc trong Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh:

“Đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam là rất lớn so với các nước khác. Vấn đề chính của Việt Nam, tức là Việt Nam chưa bao giờ nghĩ đến hoặc là rất ít khi nghĩ những công nghệ gì mà Việt Nam có lợi thế tập trung vào để phát triển.”

Tiến sĩ Vũ Quang Việt dẫn chứng Tập đoàn Foxconn đầu tư vào Việt Nam với mục đích chỉ gia công lắp ráp hay sẽ hoạt động về công nghệ cao, cũng như có ý định chuyển giao một phần công nghệ cao cho Việt Nam hay không? Tiến sĩ Vũ Quang Việt còn nêu lên trường hợp Tập đoàn Samsung, nhà đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam, nhận được nhiều ưu đãi lớn về miễn giảm thuế, hoạt động từ tháng 4 năm 2009 với mức doanh thu hàng năm tăng trưởng cao. Năm 2017, Samsung xuất khẩu trên 40 tỷ USD, đạt mức kim ngạch xuất khẩu khẩu “ngoạn mục” mà chưa một doanh nghiệp nào ở Việt Nam đạt được. Tổng doanh thu và lợi nhuận của Samsung trong năm 2017 tăng 40% so với năm 2016. Tập đoàn Samsung được ghi nhận đóng góp không nhỏ vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Mặc dù vậy, Tiến sĩ Vũ Quang Việt giải thích:

Đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam là rất lớn so với các nước khác. Vấn đề chính của Việt Nam, tức là Việt Nam chưa bao giờ nghĩ đến hoặc là rất ít khi nghĩ những công nghệ gì mà Việt Nam có lợi thế tập trung vào để phát triển
-TS. Vũ Quang Việt

Phần Việt Nam có được là chỉ trong GDP, là phần trả lương cho công nhân của Việt Nam. Còn phần tiền lương rất cao trả cho chuyên gia của Nam Hàn thì sau đó chuyển ra nước ngoài và lợi nhuận của Samsung chuyển về nước ngoài. Tôi tính sơ lược là số tiền Samsung chuyển ra nước ngoài hàng năm lớn hơn số tiền đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam hằng năm.”

Các chuyên gia mà Đài RFA tiếp xúc nêu lên vấn đề chính của Việt Nam trong thu hút FDI về công nghệ cao là cần phải cân nhắc thận trọng và chọn lọc đối với các dự án nào có lợi về lâu dài, có lợi cho phát triển công nghệ tại Việt Nam hay không? Một số vị chuyên gia cho rằng với bối cảnh hiện tại của Việt Nam thì mục tiêu thu hút FDI về công nghệ cao như Bộ trưởng Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng tuyên bố sẽ còn lâu lắm mới có thể được thực hiện, như nhận định của Tiến sĩ Vũ Quang Việt:

“Chẳng hạn, tôi có coi 3 đặc khu (Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc) thì tôi thấy về chuyên môn chẳng có gì cả. Những bản báo cáo, những bản nghiên cứu hoàn toàn không có gì đáng nói đến. Thế mà họ nói công nghệ cao…Cuối cùng thì chia các khu đất cho công ty này, công ty kia và cơ bản thì cũng là được đầu tư ưu đãi đất đai và miễn thuế. Và cơ bản thì chỉ là xây nhà bán và khu đánh bạc. Thế thôi.”

Tiến sĩ Vũ Quang Việt cảnh báo rằng nếu như Việt Nam cố gắng lôi kéo các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, mà những tập đoàn đó chỉ hưởng lợi nhiều và chia chác cho quan chức Việt Nam thì Việt Nam sớm muộn gì cũng trở thành bãi rác công nghệ của thế giới.

Tham khảo: Phần I: Thu hút FDI công nghệ cao: Một bài toán khó

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/is-vn-ready-for-high-tech-fdi-part1-12192018102207.html

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.