Lãnh đạo tiếp tục đòi quản lý thông tin trên mạng xã hội
2019.07.11
Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 15 Hội đồng Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khóa IX sáng ngày 11/7, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu cho rằng việc quản lý mạng xã hội hiện nay chưa được chặt chẽ.
Truyền thông trong nước trích nguyên văn phát biểu của bà Tô Thị Bích Châu là “Xuất hiện ngày càng nhiều đối tượng phát tán các hình ảnh, bài viết phản cảm, bạo lực, bịa đặt làm ảnh hưởng xấu tới lối sống của thanh thiếu niên và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố”.
Lực lượng 47, lực lượng an ninh mạng, rồi lực lượng dư luận viên... rất nhiều, không chỉ ở trên mạng mà còn hợp ở từng phường để tuyên truyền, rải tờ đơn... nhưng tại sao phải lên trên báo nói những điều đó? Chỉ vì một câu thôi: Người dân không tin. - Minh
Vì vậy, bà đề nghị Sở Thông tin - Truyền thông phối hợp với Công an thành phố và các cơ quan liên quan tăng cường quản lý an ninh mạng.
Vẫn theo bà Châu, cần đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng để người dân sử dụng thông tin mạng theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội.
Trước phát biểu này, bạn Minh, người dùng mạng xã hội và quan tâm đến tình hình chính trị cho rằng:
“Chuyện đó bà nói thì nói vì thực sự lực lượng 47, lực lượng an ninh mạng, rồi lực lượng dư luận viên... rất nhiều, không chỉ ở trên mạng mà còn hợp ở từng phường để tuyên truyền, rải tờ đơn... nhưng tại sao phải lên trên báo nói những điều đó? Chỉ vì một câu thôi: Người dân không tin.”
Đây không phải lần đầu một lãnh đạo trong bộ máy nhà nước Việt Nam kêu gọi kiểm soát chặt chẽ thông tin đăng tải trên mạng xã hội.
Trước đó, vào ngày 6/6, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói trước Quốc hội rằng Bộ Thông tin- Truyền thông sắp tới sẽ có yêu cầu cụ thể đối với các nhà mạng phải có các bộ lọc để xử lý thông tin trên mạng xã hội, mà ông gọi là ‘dọn rác.’
Tuy nhiên theo bạn Minh mọi biện pháp của phía cơ quan chức năng sẽ không hiệu quả:
“Căn bản Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền nhưng bị phản tác dụng với dân, nên tình trạng của Sài Gòn năm vừa rồi khi ra dự luật An ninh mạng người ta phản đối rất nhiều. Thêm nữa họ (chính phủ) lên mạng tung những bài báo nói là dung mạng xã hội lừa đảo, cắt cổ, những thông tin sai lệch thế này thế kia nhưng thực sự ra thì bây giờ là thời buổi 4.0, bất kỳ ai cũng có thể là nhà báo, quay phim chứ không chỉ riêng nhà báo được cấp giấy, đó là lý do vì sao mạng xã hội phát triển.”
Vẫn theo bạn Minh, phần lớn người Việt ngày nay biết đến tin tức nhiều đều thông qua Facebook, từ người trẻ đến người cao tuổi đều xài để biết thông tin.
Thêm vào đó, những trình duyệt của Google, Facebook hay Youtube sẽ đề xuất người sử dụng những nội dung liên quan tới từ khóa được tìm kiếm trước đây hoặc theo xu hướng đang được quan tâm nhất. Vì vậy, mọi người sẽ được tiếp cận tin tức nhiều hơn, chứ không phải chỉ biết về nội dung được báo lề đảng đăng tải như bấy lâu nay.
Vì vậy, việc định hướng mà bà Tô Thị Bích Châu nhắc đến theo bạn Minh chỉ là định hướng để người dân không biết được thông tin mà chính phủ Hà Nội không muốn cho dân biết.
Nhận xét về mặt kỹ thuật, anh Nguyễn Lâm Thanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam lại cho rằng việc kiểm duyệt thông tin trên mạng bao giờ cũng là việc khó khăn, chưa hề dễ dàng. Anh giải thích:
“Anh nghĩ việc mọi người đăng ký tài khoản trên mạng xã hội không chính danh, có thể không lấy tên thật nên rất khó để biết. Đôi khi người ta đẩy thông tin rồi xóa, sau đó thông tin được người khác đưa lại. Anh nghĩ những vấn đề này thuộc về platform nền tảng, vì lượng thông tin quá nhiều nên nếu họ quyết tâm làm thì vẫn làm được, nhưng chi phí sẽ rất lớn.”
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hồ Chí Minh cho biết pháp luật Việt Nam hiện có những chế tài đối với việc đưa thông tin sai lệch, nhằm đối phó với việc tin giả lan tràn đang phổ biến trên các mạng xã hội hiện nay:
“Tại Nghị định 174 của Chính phủ có thể phạt từ 10-20 triệu đồng đối với những hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa và lưu trữ sử dụng những thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Mức phạt này được áp dụng với cả tổ chức và cá nhân, với cá nhân thì mức phạt tiền một nửa so với tổ chức.”
Tại Nghị định 174 của Chính phủ có thể phạt từ 10-20 triệu đồng đối với những hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa và lưu trữ sử dụng những thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. - LS. Nguyễn Văn Hậu
Luật sư Nguyễn Văn Hậu nói tiếp trong quy định của Bộ luật hình sự cũng có điều riêng nói về làm nhục người khác, nghiêm trọng hơn tức là xúc phạm danh dự, nhân phẩm hoặc đưa thông tin không có cơ sở, có tính chất vu khống, xuyên tạc. Nếu vi phạm thì có thể bị tội vu khống theo Điều 122 Bộ Luật hình sự.
Người loan truyền những thông tin biết rõ là bịa đặt nhưng muốn xúc phạm, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác nếu bị tố cáo thì các cơ quan pháp luật có thể phạt cảnh cáo hoặc cải tạo không giam giữ đến 2 năm, hoặc bị tù từ 2 tháng đến 3 năm.
Vào ngày 1/1/2019, Việt Nam bắt đầu áp dụng Luật An Ninh Mạng, một luật được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là công cụ để chính phủ Hà Nội hạn chế quyền tự do của người dân trong việc bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội.
Sau khi Luật An Ninh Mạng được triển khai, ngày càng nhiều người bị bắt với các cáo buộc theo những điều luật của Việt Nam bị các tổ chức quốc tế cho là ‘mơ hồ’, đi ngược lại những công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà chính phủ Việt Nam tham gia ký kết.