Đền bù tổn thất tinh thần cho dân bị thu hồi đất: cần đúng luật là tốt lắm rồi!
Tại nghị trường kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, khi bàn luận các vấn đề xoay quanh Luật Đất đai sửa đổi năm 2023; một số đại biểu đưa ra đề xuất được xem “có lợi” cho người dân bị thu hồi đất như “đền bù tinh thần” cho họ. Đối với những người từng bị thu hồi đất, mà theo họ không đúng quy định của pháp luật phải khiếu kiện lâu nay, chỉ cần chính quyền làm đúng luật là đã tốt lắm rồi.
Đề xuất đền bù “tổn thất tinh thần”
VnExpress dẫn lời Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, trong phiên họp Quốc hội về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi hôm 9/6, nói rằng “Nhiều khi Nhà nước tính toán, định giá mảnh đất đó 500 triệu đồng và đền bù 700 triệu đồng, cho rằng như vậy là quá tốt rồi. Nhưng ngoài giá đền bù, còn những yếu tố khác về dòng tộc, tâm linh, môi trường sống quen thuộc của người dân”. Do đó, ông đề nghị dự thảo Luật Đất đai cũng cần tính đến đền bù tinh thần cho người bị thu hồi đất.
Cũng trong phiên họp này, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị thể chế hóa đề xuất “bồi thường về tinh thần” cho người mất đất của ông Nghĩa; đồng thời yêu cầu phải đền bù, hỗ trợ, tái định cư thỏa đáng để người dân cũng được hưởng lợi từ dự án tương lai trên mảnh đất của họ trước đây.
Tiến sỹ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường từ năm 2022 đến 2007, cho biết đề xuất này là hoàn toàn hợp lý và đáng được hoan nghênh:
“Điều đó là quá đúng rồi. Bởi vì cuộc sống của người ta đang bình thường, đang làm ăn, có nghề nghiệp nhưng mà đưa người ta đến chỗ không còn nghề nghiệp nữa thì chắc chắn là nó có ảnh hưởng về tinh thần.
Một cuộc sống thì đâu phải chỉ có vật chất, nhiều khi văn hóa tinh thần còn mang yếu tố quyết định hơn nhiều. Chính vì vậy mà ý kiến đó là hoàn toàn chính xác và ở những nước tiến bộ thì nước nào người ta cũng làm.”
Lấy ví dụ, tiến sỹ Đặng Hùng Võ cho rằng chính cái từ “cưỡng chế” nó cũng đã làm ảnh hưởng lớn đến tinh thần của người có đất bị thu hồi rồi. Do đó, ông cho rằng thay vì cưỡng chế, luật nên quy định về việc đối thoại để đi đến đồng thuận, để các bên cùng thấy việc chuyển dịch đất đai là hợp lý vì lợi ích phát triển đất nước; Đồng thời cần phải kết hợp một số biện pháp khác:
“Ngay khu vực của những người mất đất thì phải ngay lập tức tạo thu nhập cho người ta để cuộc sống của người ta không bị hẫng hụt, không bị mất mát nhiều. Đó chính là có ý nghĩa về tinh thần rất quan trọng.
Rồi tùy từng đồng bào dân tộc thiểu số mà giải quyết những tổn thất kéo theo. Chúng ta cũng phải nghiên cứu về văn hóa, về phong tục tập quán của những người mất đất để giải quyết bồi thường theo đúng tập quán văn hóa, tinh thần của người ta.”
Cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cũng tỏ ra khá lạc quan về việc thông qua đề xuất điều luật này. Điều quan trọng, theo ông Võ là Chính phủ khi thực hiện bồi thường, thu hồi đất cần phải dựa trên nguyên tắc cân bằng lợi ích tất cả các bên:
“Hoàn toàn là khả quan nếu chúng ta quyết tâm làm. Ở trong luật phải quy định rất rõ “tổn thất tinh thần” là những gì. Còn chi tiết hóa đó để thực hiện thì chính phủ phải có những nghị định để hướng dẫn thực hiện. Tôi cho rằng như thế là đủ chứ không có gì nhiều.”
Dân không tin tưởng
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi năm 2023 còn quy định một số điều khoản hứa hẹn mang lại lợi ích hơn cho người dân bị thu hồi đất.
Ví dụ, Điều 89 về “Nguyên tắc bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đất” quy định “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.
Điều 227 đề xuất sửa đổi quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Theo đó, tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. UBND các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho Tòa án giải quyết. Như vậy, với điều luật này, UBND các cấp không còn là nơi vừa có quyền ra quyết định cưỡng chế, vừa có thẩm quyền phân xử nữa.
Tuy nhiên, ở góc độ người dân, đặc biệt là những người bị mất đất, phải đi khiếu kiện hơn chục năm trời, họ tỏ ra không mấy tin tưởng về việc chính quyền sẽ nghiêm túc thực hiện theo luật.
Ông Trịnh Bá Khiêm, một dân oan Dương Nội (ngoại thành Hà Nội) nói với RFA:
“Riêng phát biểu đấy thì tôi cũng đồng tình... nhưng mà Nhà nước này cứ nói một đường làm một nẻo…
Ngày trước Luật đất đai cũng nói là phải đền bù thỏa đáng, bằng hoặc hơn chỗ ở cũ, đền bù để mua được ở chỗ khác… Nhưng thực tế là họ hầu như là cướp trắng. Tôi đồng tình thế thôi chứ cũng không tin được họ sẽ làm đâu.”
Ông Toản, một người dân Thủ Thiêm (TPHCM), đi khiếu kiện vì thu hồi đất đền bù không thoả đáng từ hơn chục năm nay cho biết:
“Cái đó thì quên đi. Chả bao giờ có đâu. Chỉ yêu cầu nó làm đúng trình tự, đúng thủ tục, đúng pháp luật mà nó còn không làm, thì nói gì tới “tinh thần”. Cái vấn đề về tinh thần thì quên đi, chẳng bao giờ nó để ý tới đâu.”
Hồi tháng 4/2023, ông Phan Văn Mãi, chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu đến tháng 6/2023, TP.Thủ Đức phải cơ bản giải quyết các tồn đọng ở Khu Công nghệ cao TPHCM và Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ông Toản cho biết, từ đó cho đến nay chưa thấy chính quyền rục rịch giải quyết dứt điểm khiếu nại cho người dân. Ông nói, đến hết tháng 6 mà không giải quyết xong thì họ sẽ về cất lại nhà trên đất cũ của mình.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên & Môi trường, trong năm 2022, Bộ này tiếp nhận 3.482 lượt đơn khiếu nại, tố cáo, trong đó có đến hơn 96% vụ việc liên quan đến đất đai.