Yêu cầu bạch hóa Hội nghị Thành Đô
2014.10.15
Đại diện của nhóm Mạng Lưới Bloggers Việt Nam hôm nay không thực hiện được kế hoạch trao văn bản ‘Yêu cầu Quốc hội bạch hóa Hội nghị Thành Đô’ tại cả hai nơi là Hà Nội và Sài Gòn.
Không tiếp/đóng cửa
Theo đúng kế hoạch được công khai trên mạng Internet từ ngày đầu tuần, đại diện của Mạng Lưới Bloggers Việt Nam thực hiện ‘Điều chúng tôi muốn biết’ ở cả hai nơi là Hà Nội và Sài Gòn vào sáng ngày 15 tháng 10 đến tại trụ sở Ban Dân Nguyện ngay tại thủ đô Hà Nội và Văn phòng Quốc hội ở phía nam tại Sài Gòn để trao văn bản ‘Yêu cầu Quốc hội bạch hóa Hội nghị Thành Đô’.
Tuy nhiên theo những người tham gia thì ở cả hai nơi họ đều không thể vào bên trong gặp người phụ trách để thực hiện việc trao văn bản như đã định.
Tại Hà Nội, anh Vũ Quốc Ngữ, một trong những người tham gia nhóm khoảng 20 người có mặt tại Ban Dân Nguyện vào sáng ngày 15 tháng 10 kể lại như sau:
Đến trước tòa nhà đó thì họ chặn lại, có cả người mặc quân phục, có người mặc đồ dân sự. Họ nói ở đây không tiếp đơn từ gì mà đây chỉ là nơi làm việc của Quốc hội; nếu muốn gửi đơn từ gì thì về số 1 Ngô Thì Nhậm ở quận Hà Đông. Chúng tôi không được vào tòa nhà của quốc hội đó.
Đến trước tòa nhà đó thì họ chặn lại, có cả người mặc quân phục, có người mặc đồ dân sự. Họ nói ở đây không tiếp đơn từ gì mà đây chỉ là nơi làm việc của Quốc hội
Vũ Quốc Ngữ
Ở Sài Gòn, anh Bùi Tuấn Lâm, người theo dõi sinh hoạt trao văn bản như vừa nêu cũng cho biết:
Sáng hôm nay, ở Sài Gòn những anh em trong nhóm chủ chốt đi trao hầu như đều bị an ninh canh giữ ở nhà hết rất ít người ra ngoài được. Còn tôi không trực tiếp tham gia mà đóng vai người quan sát, ghi lại hình ảnh chứ không ở trong nhóm trực tiếp sáng nay đến văn phòng Quốc hội. Khi tôi đến quan sát thì văn phòng 2 Quốc hội đóng cửa, không làm việc. Tôi không biết bên trong có làm việc hay không nhưng bên ngoài đóng cửa giống như nghỉ làm việc hoàn toàn. Công an, an ninh, dân phòng, công an phường bố trí quanh khu vực đó rất nhiều, hầu như anh em không tiếp cận được nơi đó và tôi không thấy đến đó để giao.
Dư Luận Viên xuất hiện
Tại khu vực Văn phòng Dân Nguyện ở Hà Nội vào sáng ngày 15 tháng 10 ngoài lực lượng bảo vệ còn xuất hiện những người mặc thường phục nhằm chống lại nhóm người đến trao văn bản. Anh Vũ Quốc Ngữ cho biết tình hình như sau:
Thanh niên mặc áo đỏ sao vàng đến ‘hục hặc’; và cũng có xô xát một tí nhỏ thôi. Mọi người tránh không để sự việc xảy ra nặng nề nên cũng giải tán.
Yêu cầu được biết
Nội dung của văn bản yêu cầu mà Mạng lưới Bloggers Việt Nam muốn gửi đến Quốc hội để kiến nghị bạch hóa Hội nghị Thành Đô nêu rõ những thực tế mà người dân chứng kiến xảy ra trên đất nước Việt Nam suốt gần một phần tư thế kỷ qua với những thua thiệt trước Trung Quốc. Đó là lý do mà họ muốn biết tại Thành Đô hồi đầu tháng 9 năm 1990, hai phía đã có những thỏa thuận gì.
ở Sài Gòn những anh em trong nhóm chủ chốt đi trao hầu như đều bị an ninh canh giữ ở nhà hết rất ít người ra ngoài được...Công an, an ninh, dân phòng, công an phường bố trí quanh khu vực đó rất nhiều, hầu như anh em không tiếp cận được nơi đó và tôi không thấy đến đó để giao
Bùi Tuấn Lâm
Anh Vũ Quốc Ngữ nhắc lại:
Bởi họ căn cứ vào tình hình thực tế ở Việt Nam từ trước đến nay. Từ năm 90 đến nay có nhiều chuyện mà phía Việt Nam nhân nhượng về chủ quyền đất đai, chủ quyền biển đảo. Rồi về chính trị, kinh tế, văn hóa… Việt Nam quá lệ thuộc. Cho nên một người bình thường cũng có phân tích, tìm hiểu thông tin trên mạng. Và họ có một dấu hỏi rất lớn về sự việc xảy ra ở Thành Đô.
Tôi chưa được biết sự giải thích của họ, nhưng tôi nghĩ theo bản chất của họ, họ không bao giờ bạch hóa việc đó ra vì có ảnh hưởng đến tính chính danh của đảng, uy tín của đảng. Nếu công khai hóa ra, nhiều người dân không còn tin tưởng vào đảng, nên họ không bao giờ tuyên bố ra dù có thật hay không!
Anh Bùi Tuấn Lâm cũng nêu lên thắc mắc về hành xử của nhà cầm quyền Việt Nam khiến người dân có quan tâm như anh thắc mắc và đòi hỏi được biết:
Đương nhiên để thông tin về Hội nghị Thành Đô rõ ràng thì không ai có đủ khả năng, đủ hiểu biết để xác định nó như thế nào; trừ khi nó được bạch hóa một cách hoàn toàn.
Chính vì sự che đậy của phía nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam từ trước đến giờ nó tạo ra những luồng dư luận. Gần đây, sau những vụ như giàn khoan Trung Quốc đưa vào thì có nhiều hồ sơ từ phía Trung Quốc cũng như từ phía Việt Nam của những người đối kháng; và từ phía Trung Quốc cũng đưa ra những dư luận ‘úp úp, mở mở’ về vấn đề đó. Theo tôi, vấn đề ‘chúng tôi muốn biết’ là bình thường. Cho dù Hội nghị Thành Đô như thế nào, có đúng như những gì mà mọi người đang lo lắng, hoặc không phải đi chăng nữa thì cũng cần thiết phải được bạch hóa. Bởi vì đó gần như là ‘tiền đồ, tương lai’ của đất nước, của dân tộc.
Là nhà cầm quyền khi ký bang giao những gì với các nước khác cần phải cho người dân biết. Chưa kể điều trước khi ký kết tại Hội nghị Thành Đô, Việt Nam và Trung Quốc hầu như thù hằn nhau, sau khi Liên Sô sụp đổ còn lại hai nước cộng sản, không biết Việt Nam muốn giữ thế và sự lãnh đạo nên đã làm những gì với phía Trung Quốc để được chấp nhận vấn đề gọi là ‘bảo hộ’.
Tôi nghĩ gần đây Ban Tuyên giáo ra văn bản cho rằng có kích động là điều sai lầm. Đúng nhất là họ không nên chuẩn bị một hồ sơ để phản bác lại mà hãy công khai, minh bạch điều đó thì mọi chuyện sẽ sáng tỏ.
Vừa qua nhóm 61 đảng viên kỳ cựu và 20 cựu sĩ quan lực lượng vũ trang Việt Nam cũng ra thư ngỏ yêu cầu đảng và chính phủ cần công khai những điều đã ký kết với phía Trung Quốc tại cuộc gặp cấp cao ở Thành Đô năm 1990. Ban Tuyên giáo Trung ương của đảng cộng sản Việt Nam gần đây cho phổ biến một tài liệu về cuộc gặp đó; tuy nhiên nhiều người quan tâm vẫn cho rằng cách làm như vậy là chưa thỏa đáng mà cần phải bạch hóa tất cả cho người dân biết.