Ý kiến đối với cáo buộc “xuyên tạc, chống phá” Quốc hội Việt Nam?
2024.10.16
Đại tá Đỗ Mạnh Cường – Tổng Biên tập Tạp chí Lịch sử quân sự mới đây có bài viết đăng trên báo nhà nước cho rằng, những ý kiến trái chiều về vai trò hoạt động của Quốc hội Việt Nam là ‘xuyên tạc, chống phá’.
Cụ thể, với các bình luận trên mạng xã hội và báo chí hải ngoại như: ‘Quốc hội Việt Nam chỉ là cơ quan hợp thức hóa ý chí, quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam, chứ không phải là đại diện cho quyền lực, ý chí của nhân dân Việt Nam’…; hay ‘Khi nào Quốc hội ta trở thành nơi hội tụ trí tuệ của nhân dân thì khi đó, đất nước mới có tương lai’...; hay ‘Quy trình Đảng cử, dân bầu vẫn khiến Quốc hội chỉ là cây cảnh của Đảng hơn là cơ quan quyền lực tối cao’… thì ông Đỗ Mạnh Cường cho rằng là ‘xuyên tạc, chống phá’...
Ông Trần Anh Quân, một người trẻ hoạt động xã hội, hôm 16/10/2024 khi trao đổi với RFA cho rằng, người viết bài báo này là đại tá, Tổng biên tập Tạp chí Lịch sử Quân sự nhưng lại không có tư duy lý luận tốt, nên chỉ dùng những câu chữ cũ kỹ từ mấy chục năm nay để xào chẻ ra một bài nghe thì có vẻ hay nhưng chẳng có gì mới, và cũng không có chỗ nào đúng. Ông Quân lý giải:
“Nội dung bài báo này chỉ dùng những luận điệu cũ để chụp mũ dư luận xã hội. Chứ người dân Việt Nam thừa biết Quốc hội là đám bù nhìn của Bộ Chính trị chứ không hề có quyền lực tối cao gì như trong Hiến pháp quy định.”
Nội dung bài báo này chỉ dùng những luận điệu cũ để chụp mũ dư luận xã hội. Chứ người dân Việt Nam thừa biết quốc hội là đám bù nhìn của bộ chính trị chứ không hề có quyền lực tối cao gì như trong Hiến pháp quy định.
-Ông Trần Anh Quân
Theo ông Quân, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam dựng lên Quốc hội làm bức bình phong để người dân nghĩ là có bầu cử, có dân chủ. Nhưng thực ra Quốc hội không có quyền quyết định các chính sách quan trọng của đất nước và cũng không do dân bầu ra, Quốc hội cũng không có quyền bầu ra lãnh đạo quốc gia. Mọi thứ đều do Bộ Chính trị quyết định. Ông Quân nêu ví dụ:
“Ví dụ chuyện bầu cử Chủ tịch nước mới đây, Bộ Chính trị đã chọn ông Tô Lâm làm Chủ tịch nước, cả nước đều biết, rồi sau Quốc hội chỉ hợp pháp hoá bằng lá phiếu của các đại biểu. Hoặc lần phế truất ông Võ Văn Thưởng, thì Quốc hội cũng chỉ được bỏ phiếu miễn nhiệm sau khi có chỉ đạo của Bộ Chính trị, chứ đại biểu Quốc hội có ai dám có ý kiến gì đâu. Mà thật ra năm 2023 thì chính cái Quốc hội đó cũng đã bỏ phiếu bầu ông Thưởng, sau khi có lệnh của Bộ Chính trị. Thì Quốc hội đó làm gì có thực quyền.
Đó là chưa nói tới việc các đại biểu Quốc hội mua ghế, như trường hợp bà Châu Thị Thu Nga đã khai trước tò là bỏ 1,5 triệu đô la để mua ghế đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2011-2016.”
Ông Trần Anh Quân cho rằng, ghế đại biểu mà mua bán được, thì chuyện bỏ phiếu bầu cử chỉ là mị dân, chứ không thể đại diện người dân, và tuyệt đối không phải là dân chủ gì hết!
---------------
Quốc hội và HĐND giám sát, làm sao để không chỉ là hình thức?
Quốc Hội Việt Nam: Cơ quan quyền lực cao nhất, hay là công cụ “luật hoá” của đảng?
Bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc Hội có tác dụng đến đâu?
---------------
Luật sư Nguyễn Văn Đài từ Đức quốc hôm 16/10 nhận định với RFA:
“Theo Hiến pháp của Nhà nước Việt Nam, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước. Thế nhưng trên thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Như chúng ta biết trước khi Quốc hội họp thì Ban Chấp hành Trung ương của Đảng CSVN bao giờ cũng họp, sau đó ra nghị quyết, rồi tất cả những người có liên quan, chẳng hạn như một Ủy viên Bộ Chính trị là Chủ tịch Quốc hội và các Bộ trưởng tiếp tục công việc đó. Tất cả những nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương đều được Quốc hội thông qua và ý kiến chỉ là thức hình thức.”
Theo luật sư Nguyễn Văn Đài, Ban Chấp hành Trung ương không thể hiện nguyện vọng, ý chí của người dân Việt Nam. Ông Đài lý giải:
“Bởi vì trong Quốc hội chỉ có một phần nhỏ Ủy viên Trung ương Đảng, mà họ lại quyết định mọi vấn đề của đất nước, thì điều này hoàn toàn không đúng. Cho nên nói rằng Quốc hội Việt Nam là một cơ quan bù nhìn cho Đảng Cộng sản Việt Nam là hoàn toàn chính xác. Chúng ta biết có những thời kỳ như thời ông Nguyễn Phú Trọng hay gần đây là ông Tô Lâm, kể cả Ban Chấp hành Trung ương, thì họ cũng không hoàn toàn mang tính chất độc lập trong rất nhiều vấn đề. Ví dụ như trong vấn đề nhân sự, ai làm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội hay Thủ tướng hay trong những vấn đề quyết sách khác, thì đều bị ảnh hưởng bởi một cá nhân áp đặt lên.”
Theo ông Đài, như vậy là mang tính bù nhìn có tính hệ thống dây chuyền, Ban Chấp hành Trung ương cũng chỉ là bù nhìn, rồi đến Quốc hội cũng chỉ là bù nhìn.
Cho nên nói rằng Quốc hội Việt Nam là một cơ quan bù nhìn cho đảng Cộng sản Việt Nam là hoàn toàn chính xác.
-Luật sư Nguyễn Văn Đài
Hiến pháp 2013 quy định Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; Đảng Cộng sản Việt Nam phải chịu sự giám sát của Nhân dân. Tuy nhiên cho đến nay, quyền giám sát của Nhân dân đối với Đảng Cộng sản Việt Nam được cho là chỉ nằm trên giấy!
Trở lại với bài viết của Đại tá Đỗ Mạnh Cường, một nhà báo tại Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 16/10 nhận định với RFA dưới một góc nhìn khác:
“Khái niệm chống phá của thế lực thù địch đã có từ hàng chục năm qua. Dĩ nhiên khi gọi như vậy tức là phải xác định luôn luôn chống phá bằng mọi thủ đoạn… Nếu như vậy thì đây là nhiệm vụ của công an, quân đội là hai lực lượng võ trang của nhà cầm quyền, chứ không nên dùng truyền thông để than vãn hay chỉ trích, sẽ tỏ ra không hiệu quả, bởi nó đã diễn ra hàng chục năm qua rồi chứ không phải mới đây.”
Thứ hai, theo nhà báo này, khi đã tuyên bố bị chống phá như vậy thì phải cụ thể ra hậu quả hữu hình, chứ không thể là hậu quả vô hình. Ông nói tiếp:
“Trong khi đó tại Việt Nam trong hàng chục năm qua và ngày càng dầy đặt, hậu quả làm cho xã hội tan nát như hiện nay lại đến từ các đảng viên… Quốc hội thì cũng toàn là đảng viên ví dụ như bà Châu Thị Thu Nga bị án tù chung thân, rồi gần đây có ông Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân… họ đều là những vị đảng viên và quan chức thuộc hàng cao cấp trong Quốc hội… Hầu hết hậu quả đều đến từ đảng viên… từ tham nhũng, hối lộ cho đến tất cả các tệ nạn xã hội khác… Chứ tôi không thấy một hậu quả nào mà từ thế lực thù địch.”
Thứ ba, theo vị ký giả này, nhà cầm quyền Việt Nam phải coi lại hệ thống luật pháp, tư pháp và phải coi lại mô hình quản trị quốc gia hữu hiệu ra sao, mà tại sao suốt nửa thế kỷ qua hoạt động của bộ máy công an, quân đội ở đâu mà cứ để cho báo chí phải lên tiếng ‘bị thế lực thù địch chống phá’:
“Ông bà mình có nói ‘Tiên trách kỷ, hậu trách nhân’… phải coi lại như thế nào? Chứ lúc nào cũng than vãn, lên án, chỉ chích như vậy thì tôi thấy nó không xứng tầm với cái gọi là một nhà nước mang tính chính danh được Liên Hiệp Quốc công nhận và ban giao với hàng trăm quốc gia trên thế giới.”
Theo nhà báo này, cách báo chí Nhà nước tuyên truyền như lâu nay là một cách tuyên truyền không xứng tầm với một nhà nước hợp pháp.