COVID-19: Phụ huynh lo ngại sau vụ trẻ tử vong vì tiêm vắc-xin?
2021.12.02
Dư luận hoang mang
Thêm một bé trai 12 tuổi, ngụ tại huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước được thông báo tử vong, một ngày sau khi tiêm vắc-xin COVID-19. Tính tới ngày 1/12/2021, đã có tổng cộng ba trẻ em tại Việt Nam tử vong vì bị cho là “sốc phản vệ độ 4” sau khi tiêm vắc-xin ngừa COVID-19.
Một trường hợp mới nhất là một trẻ 12 tuổi ở Bình Phước. Hai trường hợp trước đó là một nữ sinh 15 tuổi học lớp 9 tại huyện Thường Tín - Hà Nội, cũng đã tử vong một ngày sau khi đi tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 và một nam sinh 16 tuổi ở Bắc Giang, tử vong sau bốn ngày tiêm vắc-xin.
Bộ Y tế Việt Nam đã triển khai tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi từ đầu tháng 11/2021 với loại vắc-xin được sử dụng là Pfizer. Sau một tháng tiêm, ngoài ba em tử vong nêu trên, đã có hơn 10.000 trẻ bị phản ứng sau tiêm, khiến dư luận, nhất là các bậc phụ huynh có con em ở độ tuổi học sinh, không khỏi lo ngại.
Hai cháu nhỏ nhà tôi sẽ không cho chích, vì không biết chắc thuốc đó có phản ứng gì với bọn trẻ con không. Tôi lo ngại vì hiện tại Việt Nam đang chích cho lứa tuổi từ 12 đến 18 tuổi, nhưng có vài cháu tử vong.
-Chị Thu
Một người dân không muốn nêu tên (vì lý do an toàn) tại TPHCM khi trả lời RFA hôm 2/12 cho biết đang rất lo lắng:
“Hiện tại bây giờ dịch tới đâu thì mình chạy theo tới đó thôi. Chú con dại cái mang, mình sinh ra chín tháng 10 ngày cũng oải lắm, mà chăm sóc một đứa con đâu phải chuyện dễ đâu. Cho nên mình phải cân nhắc kỹ mới dám cho con đi chích.”
Trong khi nhiều người dân đang lo lắng về việc “sốc phản vệ” sau tiêm đối với trẻ thì mới đây, thông tin về việc hai lô vắc-xin COVID-19 của hãng Pfizer hết hạn ngày 30/11/2021 được Bộ Y tế gia hạn thêm ba tháng sử dụng, càng khiến người dân hoang mang. Mặc dù sau đó Hà Nội đã cho dừng tiêm hai lô vắc-xin này, nhưng người dân vẫn lo ngại, nhất là khâu tổ chức bảo quản vắc-xin và tiêm phòng ở Việt Nam.
Cô Thu, phụ huynh của hai cháu nhỏ, khi trả lời RFA từ Hà Nội hôm 2/12 cho biết:
“Hai cháu nhỏ nhà tôi sẽ không cho chích, vì không biết chắc thuốc đó có phản ứng gì với bọn trẻ con không. Tôi lo ngại vì hiện tại Việt Nam đang chích cho lứa tuổi từ 12 đến 18 tuổi, nhưng có vài cháu tử vong. Không những thế mới đây Việt Nam lại ra một văn bản gia hạn thuốc ngừa COVID-19 thêm ba tháng nữa, dù đã hết hạn. Nên tôi lo ngại về tính an toàn của thuốc.”
Anh Lâm, một phụ huynh ở Đà Nẵng cũng cho biết anh không chấp nhận cho ba con gái nhỏ của anh chích ngừa COVID-19:
“Em sẽ không tiêm vắc-xin cho con em, thứ nhất là em muốn bảo vệ sức khỏe cho con mình. Thứ hai em nghĩ chuyện tiêm vắc-xin cho con nít còn quá nhỏ là không tốt. Vì vắc-xin hiện tại vẫn đang là thử nghiệm... Mà con nít lỡ có bị dính COVID-19 thì mức độ nguy hại cũng không cao.”
Tử vong là chuyện bất thường?
Để trấn an dư luận, hôm 30/11, Hội đồng chuyên môn thuộc Bộ Y tế cho biết đã xác định nguyên nhân dẫn tới cái chết của các học sinh sau khi tiêm vắc-xin ngừa COVID-19. Theo đó, Bộ này khẳng định, việc ba trẻ tử vong không phải do vắc-xin hay liên quan đến quá trình thực hành tiêm chủng.
Ý kiến của các chuyên gia y tế như thế nào về sự vụ này, RFA hôm 2/12 liên lạc Bác sĩ Đinh Đức Long và được ông nhận định:
“Mình không có thông tin cụ thể nên khó kết luận, đầu tiên là vắc-xin của nước nào? Còn hạn hay không? Quy trình tiêm có đúng không? Nhưng rõ ràng chết là chuyện không bình thường rồi. Trong y học đã nói rõ, bản chất vắc-xin là một loại vật chất lạ đưa vào cơ thể con người có thể dung nạp hoặc không. Ví dụ như có người ăn tôm, uống thuốc bị dị ứng, vắc-xin cũng vậy, nhưng phản ứng đến chết người là chuyện không bình thường.”
Bác sĩ Đinh Đức Long cho biết thêm, dù không kết luận được nguyên nhân nhưng sốc phản vệ là điều đã được dự báo trước, không chỉ vắc-xin mà tiêm kháng sinh cũng có thể bị. Vị bác sĩ này giải thích thêm:
“Một số thuốc, thậm chí như phấn hoa làm lên cơn hen cũng là sốc phản vệ nhẹ. Tóm lại những cái gì không phải của mình mà của môi trường đều là lạ, mà lạ thì cơ thể con người phản ứng khác nhau, tùy theo từng người, có người chấp nhận, có người phản ứng lại, mà mức độ phản ứng. Mình biết thì mình lường trước, xử lý cấp cứu ngay thì có thể thoát chết, còn không lường trước là không thực hiện đúng quy trình, phải điều tra vì để nhẹ thành nặng, chứ rủi ro thì có thể xảy ra, không ai ngăn chặn được.”
Mình biết thì mình lường trước, xử lý cấp cứu ngay thì có thể thoát chết, còn không lường trước là không thực hiện đúng quy trình, phải điều tra vì để nhẹ thành nặng, chứ rủi ro thì có thể xảy ra, không ai ngăn chặn được.
-Bác sĩ Đinh Đức Long
Nếu tính luôn cả những người trên 18 tuổi, trong tuần qua Việt Nam đã ghi nhận ít nhất sáu trường hợp tử vong sau khi tiêm vắc-xin ngừa COVID-19, khiến Văn phòng Chính phủ hôm 28 tháng 11 đã có văn bản yêu cầu Bộ Y tế và Bộ Công an vào cuộc điều tra. Cụ thể là các Bộ phải tìm ra nguyên nhân về bốn người tử vong sau khi tiêm vắc xin Vero Cell của Trung Quốc ở Thanh Hóa.
Hiện, gần 30 tỉnh, thành ở Việt Nam đã tổ chức tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho trẻ em. Theo thống kê của Bộ Y tế, khoảng 20% trẻ em tại VN đã được tiêm ít nhất một mũi.
Nhìn nhận ở việc nên hay không nên tiêm vắc-xin cho trẻ sau các sự cố không may xảy ra, một phụ nữ sống tại Sài Gòn nói với RFA rằng cô sợ nếu ngày càng có nhiều vụ “không may” xảy ra với trẻ, sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác chống dịch:
“Có lo lắng... tại vì tiêm vắc-xin cho trẻ mà cứ xuất hiện triệu chứng phụ như vậy hoài thì có thể việc tiêm vắc-xin không được phổ biến rộng, cho các trẻ em khác... thì có thể công tác phòng chống dịch cho trẻ em gặp khó khăn hơn... Theo tôi khi mà tiêm mà xuất hiện triệu chứng gì bất thường thì phải báo liền luôn, tại vì cũng sợ xảy ra chuyện này nọ.”
Mặc dù vậy, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hôm 2/12 ra chỉ thị tiếp tục tiêm vắc-xin cho trẻ em và tiêm mũi thứ ba cho người từ 18 tuổi trở lên. Ông Chính cho rằng vì dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ xâm nhập biến chủng Omicron và số ca mắc, tử vong do COVID-19 có xu hướng tăng... do đó cần tăng cường tiêm vắc-xin.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục dự báo tốt tình hình dịch COVID-19; kiên trì thực hiện ‘thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19’.