Ông Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong buổi Hội nghị của Chính phủ Hà Nội về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật diễn ra ngày 24/11 có nhắc đến nội dung chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác làm chính sách.
Cụ thể, theo lời người đứng đầu Chính phủ được báo Nhà nước Việt Nam đăng tải cho hay: “Phải chống cho được lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật. 90% luật là do các bộ, ngành soạn thảo thì tránh cho được chuyện “quyền anh quyền tôi” rất quan trọng.”
Bên cạnh đó, theo yêu cầu của ông Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch tỉnh phải là người trực tiếp chỉ đạo xây dựng và thi hành pháp luật. Theo đó, những người lãnh đạo phải coi đây là nhiệm vụ quan trọng với người đứng đầu, không được tránh né và đùn đẩy nhiệm vụ.
Trao đổi với RFA vào tối cùng ngày, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam ở Sài Gòn cho hay:
“Việc chống lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách nếu tôi nhớ không nhầm thì trong dự thảo Luật phòng chống tham nhũng thì tôi cũng có một cảnh báo về vấn đề này. Chúng ta phải khắc phục lợi ích của những người xây dựng pháp luật, lợi ích ở đây là lợi ích cục bộ, đặc biệt là lợi ích nhóm. Trong thời gian vừa qua thì làm chính sách pháp luật tôi cho rằng làm sao có sự liêm chính trong đó, đây là việc làm rất cần thiết và phải vì nhân dân. Đặc biệt là phải xây dựng và quản lý đất nước bằng pháp luật. Đây là vấn đề rất quan trọng mà trong lợi ích nhóm cũng không tránh khỏi. Lợi ích nhóm ở đây là chỉ biết tới ngành mình chứ không biết tới toàn cục. Đây là vấn đề được nói rất lâu từ khi xây dựng Luật Phòng chống tham nhũng, phải đưa việc nào vào trong dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sắp đến.”
Từ Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự, nêu lên nhận định cho rằng chính Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng pháp luật ở đất nước Việt Nam, không một nhóm nào khác. Bên cạnh đó, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng nêu lên thực tế qua câu phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:
“Chứng tỏ bản thân trong Đảng Cộng sản Việt Nam cũng có rất nhiều nhóm lợi ích khác nhau. Đấy là một thực tế mà bây giờ với cách nói của ông ấy là một sự thừa nhận gián tiếp rằng bản thân các ông, bản thân Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều nhóm lợi ích. Cái đấy là chuyện bình thường, không có gì đáng lên án bởi vì làm chính sách luôn luôn xung đột, cọ sát giữa các nhóm lợi ích khác nhau và nhóm nào thắng thế thì chính sách nghiêng về nhóm ấy được hình thành. Đấy là việc thông thường, luôn luôn như vậy ở khắp nơi, không phải chỉ Việt Nam.”
Vì vậy, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng việc kêu gọi chống các nhóm lợi ích vào các chính sách như thế là một chuyện vô phương không thể làm được, có chăng chỉ là thay đổi cách thức thực hiện. Ông tiếp lời:

“Vấn đề là lợi ích một nhóm nào đấy trong Đảng Cộng sản Việt Nam, ví dụ như Bộ Công an, hay Bộ Giao thông, Bộ Tài chính, hay chính quyền của chính những người của Đảng, tất cả đều là nhóm lợi ích. Bây giờ phải chiếu vào mục tiêu là họ luôn nói rất to là vì lợi ích của người dân, của đất nước này. Giờ hãy nếu rõ tiêu chí thế nào là vì lợi ích của đất nước, của nhân dân, so với các tiêu chí ấy thì để tất cả các nhóm lợi ích trong Đảng Cộng sản Việt Nam công khai bảo vệ lợi ích của nhóm mình, để nhóm khác tranh luận ngược lại, vạch ra rằng không phải vậy, nhóm kia phải chứng minh một cách có cơ sở thực tiễn bằng số liệu, bằng chứng cho thấy họ nêu ra tức lợi ích hợp với lợi ích toàn dân theo những tiêu chí đã định sẵn thế này.”
Trong buổi hội nghị ngày 24/11, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho rằng vai trò yêu cầu ngành tư pháp, Bộ Tư pháp tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo trong xây dựng hoàn thiện pháp luật, thi hành pháp luật của chính phủ, mà theo lời ông là “Thành bại là ở Bộ Tư pháp”.
Người đứng đầu Chính phủ Hà Nội nhận định “Chống tham nhũng nói chung là rất quan trọng, nhưng chống tham nhũng trong làm chính sách, pháp luật còn quan trọng hơn”.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành luật, Luật sư Nguyễn Văn Hậu đưa ra đề nghị:
“Tôi nghĩ Luật Phòng chống tham nhũng được sửa đổi nhiều lần. Việt Nam cũng xây dựng rất nhiều thể chế để kiểm soát quyền lực, tức chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm. Trong việc này tôi thấy trong chính sách pháp luật thì cũng phải chống và tôi nghĩ rằng Luật Phòng chống tham nhũng cũng cần phải sửa đổi theo hướng chống tham nhũng trong chính sách pháp luật, ngày càng được mọi người nhấn mạnh, cũng cần sự liêm chính trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam.”
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Quang A lại đưa ra hướng giải quyết khác:
“Thực sự để tránh sự lạm dụng cho một nhóm riêng làm tổn hại đến lợi ích chung của đất nước thì chỉ có cách là công khai, minh bạch để thảo luận. Thảo luận cặn kẽ, không hạn chế, kể cả những nhóm bảo vệ một cách chính đáng lợi ích của họ, mà có thể không giống lợi ích của toàn đa số. Còn nói thế và đánh đồng nhóm của mình với lợi ích quốc gia thì thực sự đó là sự tuyên truyền mà thôi. Chỉ có sự thảo luận công khai, minh bạch, công minh như thế thì những chuyện đấu tranh về các nhóm lợi ích bên ngoài hay trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam, làm được việc như tôi vừa nói là sự tiến bộ lớn trong nhận thức.”
Tình trạng các quan chức tham nhũng kinh tế đang là vấn đề được nhiều người dân quan tâm, khi truyền thông Nhà nước Việt Nam ngày càng đưa tin rộng rãi về nội dung này.
Nhiều nhận định cho rằng nếu chính phủ không cải cách thể chế và cách thức vận hành, chiến dịch “đốt lò” do Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khởi xướng sẽ không đem lại kết quả triệt để.