Đầu tư nước ngoài đang chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam

Nhiều nhà đầu tư quốc tế bắt đầu rời bỏ thị trường lao động và sản xuất của Trung Quốc để nhắm tới thị trường Việt Nam. Liệu Việt Nam có thể kỳ vọng là làn sóng này sẽ trở nên mạnh mẽ hoặc thành xu hướng lâu dài hay không?

0:00 / 0:00

Giới đầu tư nước ngoài, từ các doanh nghiệp đơn lẻ cho tới các tập đoàn đa quốc gia, muốn mở rộng hoạt động kinh doanh hay cơ sở sản xuất, thường ngắm tới Trung Quốc, nơi có quỹ đất và lực lựơng nhân công dồi dào, giá rẻ. Lượng vốn nước ngoài mà quốc gia này gom về hồi năm ngoái là 83 tỷ mỹ kim.

Thay thế Trung Quốc

Mặc dù cho tới nay, Trung Quốc vẫn được đánh giá là điểm dừng chân phổ biến nhất của giới đầu tư quốc tế, nhưng ngày càng nhiều chủ đầu tư đã bắt đầu để ý tới những thị trường cạnh tranh khác ngoài Trung Quốc, trong đó Việt Nam đang là mục tiêu hấp dẫn.

Họ muốn chọn Việt Nam, thứ nhứt là để so sánh với lợi thế của Trung Quốc trong việc giá rẻ; thứ hai nữa là các nhà đầu tư nước ngoài không muốn dồn rủi ro vào một nơi. Giả sử như là Trung Quốc sau này có biến động chính trị gì đó làm khó khăn cho họ, thì họ phân tán ra.

LS Trọng Thành

Nếu như trong ba năm gần đây, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc tăng 1/3, vào Philippines tăng gấp đôi, và vào Ấn Độ tăng gấp năm, thì Việt Nam tăng hơn 8 lần, số thu về trong năm ngoái là gần 18 tỷ mỹ kim.

Một vài ví dụ điển hình, tập đoàn danh tiếng thế giới Canon hiện không nghĩ đến chuyện xây mới hay mở rộng cơ xưởng tại Trung Quốc nữa, mà thay vào đó là nâng con số nhân sự tại một nhà máy sản xuất máy in ở ngoại thành Hà Nội lên gấp đôi thành 8 ngàn.

Tập đoàn công ty Nissan cũng đang mở rộng một trung tâm gần đó. Công ty sản xuất đồ lót nhãn hiệu Hanes của Mỹ cũng đang thành lập 2 xưởng sản xuất tại đây. Ngay cả tập đoàn dệt may Texhong từ Thượng Hải cũng đang mở rộng bản doanh ở Việt Nam.

Luật sư Trần Duy Cảnh, Công ty luật hợp danh Luật Việt, chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp nước ngoài vào làm ăn tại Việt Nam, cho biết:

"Các nhà đầu tư nước ngoài người ta đang lựa chọn thị trường và người ta lựa chọn thị trường Việt Nam hơn là thị trường Trung Quốc có thể là chuyện bình thường. Gần đây các nhà đầu tư đang đầu tư ở Trung Quốc người ta đã dọn nhà máy, người ta chuyển nhà máy sang Việt Nam. Rất nhiều chi phí phát sinh nhưng người ta vẫn chấp nhận. Cái xu hướng đây thì đã âm thầm diễn ra."

Vietnamese_Workers_Strike_305.jpg
Tình trạng đình công của công nhân trong các công ty đầu tư ngoại quốc cũng là một trong những ưu tiên mà Việt Nam cần nhanh chóng tìm ra giải pháp. AFP PHOTO (AFP PHOTO)

Nguyên nhân của "xu hướng âm thầm" này là gì? Phải chăng thị trường Việt Nam đang dần trở nên hấp dẫn hơn Trung Quốc?

Lợi thế nhân công rẻ

Luật sư kinh tế Trần Duy Cảnh phân tích:

"Tôi không nghĩ rằng là Việt Nam hiện nay hấp dẫn hơn Trung Quốc do cái thị trường Trung Quốc bây giờ cạnh tranh tương đối khốc liệt, và đời sống kinh tế cao ở Trung Quốc tương đối phát triển hơn Việt Nam rất là nhiều, cho nên người ta đang kỳ vọng tương lai của Việt Nam hơn là Trung Quốc.

Việt Nam có nhiều cơ hội kinh doanh hơn bởi vì người ta nghĩ rằng Việt Nam cũng như Trung Quốc cách đây 15-17 năm về trước, và người ta kỳ vọng Việt Nam sẽ phát triển như Trung Quốc hiện nay. Ai đến trước thì là người hưởng lợi nhiều hơn."

Còn luật sư kinh tế Trọng Thành, một nghiên cứu sinh đang làm luận án tiến sĩ về luật thương mại quốc tế tại nước ngoài, thì nhận định răng:

"Họ muốn chọn Việt Nam, thứ nhứt là để so sánh với lợi thế của Trung Quốc trong việc giá rẻ; thứ hai nữa là các nhà đầu tư nước ngoài không muốn dồn rủi ro vào một nơi. Giả sử như là Trung Quốc sau này có biến động chính trị gì đó làm khó khăn cho họ, thì họ phân tán ra."

Việt Nam phải đầu tư vào giáo dục và đào tạo. Mình phải đi đến cái trình độ là mình có cái chất lượng nhiều hơn là chỉ có cái gọi là cái lương bổng thấp. Đến khi mà Bangladesh, nó nghèo hơn mình và nó rẻ hơn thì người ta lại qua Bangladesh.

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa

Trong khi đó, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, người thường xuyên quan sát, nghiên cứu diễn tiến thị trừơng thế giới và Việt Nam cho rằng:

"Ở Việt Nam cái lương bổng tương đối còn thấp hơn so với Trung Quốc, và họ thấy rằng Trung Quốc có cái thế lực lớn quá thành ra nếu mà dồn đầu tư vào càng ngày càng nhiều vào Trung Quốc thì càng bất lợi. Cái chuyện thứ ba nữa là họ cũng bắt đầu thấy Trung Quốc có những cái chỉ dấu bất ổn, có những cái khó khăn trong nội bộ về mặt xã hội với khoảng cách giàu nghèo bên trong."

Lương nhân công tại Trung Quốc hiện dưới 1 đô-la mỗi giờ trong khi công nhân tại Việt Nam đựơc trả trung bình 50 đô-la/ tháng, với 48 giờ làm việc mỗi tuần, kể cả ngày thứ bảy. Hiện giới làm ăn Tây Phương đang kháo nhau rằng Việt Nam là "Trung Quốc thứ hai", và Campuchea, với giá nhân công còn rẻ hơn nhiều, sẽ là "Việt Nam thứ hai".

Đối diện với cạnh tranh

Nhưng nhân công giá rẻ liệu có là thế mạnh cạnh tranh lâu dài và có lợi cho Việt Nam? Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa nhận định: "So sánh giữa hai bên về dài thì cái mạnh của Việt Nam vẫn chưa đủ, nó không có được cái mạnh của Trung Quốc."

Trung Quốc người ta chuyển cái nền kinh tế sử dụng nhiều nhân công sang một nền kinh tế mà các sản phẩm chứa nhiều hàm lượng chất xám hơn, nhiều tri thức hơn, thì Việt Nam lại trở thành một cái xưởng sản xuất của Châu Á cho thế giới như Trung Quốc mười mấy năm về trước.

LS Trần Duy Cảnh

Luật sư Trọng Thành dự đoán:

"Dựa vào yếu tố nhân công giá rẻ thì cái đó là một vấn đề ngắn hạn mà thôi. Tương lai thì giá nhân công còn phải tăng lên để đảm bảo mức sống bình thường cho người dân bởi vì cái giá nhân công bây giờ rất rẻ và không thể chấp nhận được. Công nhân họ đã biểu tình rất là dữ dội để mà đòi giá cao lên."

Ngược lại, trong số các điểm đựơc coi là bất lợi cạnh tranh thì hệ thống đường giao thông, cơ sở hạ tầng của Việt Nam không đựơc cải thiện nhanh như ở Trung Quốc.

Và một điểm khác theo luật sư Duy Cảnh tại Sài Gòn là:

"Khi mà xã hội Trung Quốc người ta chuyển cái nền kinh tế sử dụng nhiều nhân công sang một nền kinh tế mà các sản phẩm chứa nhiều hàm lượng chất xám hơn, nhiều tri thức hơn, thì Việt Nam lại trở thành một cái xưởng sản xuất của Châu Á cho thế giới như Trung Quốc mười mấy năm về trước."

Một mối lo ngại khác của giới đầu tư về thị trường Việt Nam, theo khảo sát của Grant Thornton, là việc thu hút và duy trì nguồn nhân lực giỏi nghề tại Việt Nam khó hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới.

Vậy, làm thế nào để Việt Nam có thể nâng cao tính cạnh tranh hơn nữa đối với thị trường lớn mạnh của Trung Quốc?

Những việc cần làm

Luật sư Duy Cảnh, người có kinh nghiệm nhiều năm tư vấn cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đề nghị:

"Theo tôi nghĩ, cần phải thay đổi nhiều về mặt cơ chế, quản lý kinh doanh, kinh tế, cũng như thủ tục hành chính. Tư duy pháp lý, tư duy kinh tế của cán bộ nhà nước thì cũng đang có nhiều vấn đề cần cải thiện. Cần có đội ngũ quản lý, quản trị bậc cao, có khả năng, có kinh nghiệm, thì Việt Nam đang thiếu trầm trọng, mà đấy là cái nó thúc đẩy chi phí doanh nghiệp lên rất là cao."

Việt Nam cần phải hoàn thiện nhiều hơn nữa để mà có thể đảm bảo cho môi trường đầu tư vào Việt Nam mình nó rõ ràng, thông thoáng một cách thực sự. Nó nâng cao tính dự đoán của nhà đầu tư nước ngoài, nâng cao tính minh bạch, tức là làm cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ yên tâm hơn khi mà đầu tư vào Việt Nam.

LS Trọng Thành

Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa từ Hoa Kỳ góp ý:

"Cái quan trọng là làm thế nào mình nâng cao cái chất lượng, tức là năng suất, và như vậy tức là phải đầu tư vào giáo dục và đào tạo. Mình phải đi đến cái trình độ là mình có cái chất lượng nhiều hơn là chỉ có cái gọi là cái lương bổng thấp. Đến khi mà Bangladesh, nó nghèo hơn mình và nó rẻ hơn thì người ta lại qua Bangladesh."

Luật sư Trọng Thành bổ sung thêm:

"Để nâng cao lợi thế so sánh thì Việt Nam còn phải tạo một môi trường thuận lợi hơn. Về phía hành chính thì phải có tính minh bạch, hợp với pháp luật. Thì đây là một điều mà Việt Nam cần phải hoàn thiện nhiều hơn nữa để mà có thể đảm bảo cho môi trường đầu tư vào Việt Nam mình nó rõ ràng, thông thoáng một cách thực sự. Nó nâng cao tính dự đoán của nhà đầu tư nước ngoài, nâng cao tính minh bạch, tức là làm cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ yên tâm hơn khi mà đầu tư vào Việt Nam."

Môi trường làm ăn minh bạch và nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là hai yếu tố nội lực thiết yếu mà giới chuyên gia cao cấp quốc tế từng khuyến cáo Việt Nam cần nỗ lực vươn tới, nếu muốn trở thành một địa điểm thu hút đầu tư nước ngoài một cách hiệu quả và lâu dài.