Giao tư nhân giám sát thu phí vỉa hè: Cần minh bạch

RFA
2023.09.05
Giao tư nhân giám sát thu phí vỉa hè: Cần minh bạch Ảnh minh họa: Một quán ăn vỉa hè TPHCM.
AFP PHOTO

Cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) vừa đề xuất giao tư nhân giám sát việc quản lý, thu phí cho thuê vỉa hè.

Lý giải về đề xuất này, Viện Nghiên cứu và Phát triển TPHCM cho rằng, do lực lượng trật tự đô thị không thể kiểm tra vỉa hè 24/24h, vì vậy có thể giao tư nhân quản lý, giám sát thu phí cho thuê vỉa hè.

Tiến sĩ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và quản lý đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận định với RFA hôm 5/9/2023:

“Có nhiều luồng ý kiến khác nhau, người ta sinh sống thì phải có cái gì để mưu sinh, nếu không cho buôn bán thì người ta không biết thế nào để nuôi sống gia đình. Nhưng khi buôn bán vỉa hè có thể làm nhếch nhác quan cảnh, mất vệ sinh… kiểm soát không hết. Trước bối cảnh này, nếu có khu nào để đưa những người buôn bán vỉa hè tập trung lại một khu sạch sẽ là tuyệt vời nhất. Nhưng điều đó không khả thi vì Nhà nước không có đủ ngân sách. Cho nên phải chọn giải pháp dung hòa là cho phép tư nhân quản lý, thu phí cho thuê vỉa hè.”

Mặt trái của việc này là tư nhân có thể làm không hết trách nhiệm hoặc làm theo kiểu lợi nhuận trên hết, sẽ đưa đến những vấn đề tiêu cực…
-Tiến sĩ Trần Quang Thắng

Theo Tiến sĩ Trần Quang Thắng, cho tư nhân quản lý sẽ có trách nhiệm hơn, tư nhân sẽ cùng với chính quyền quản lý… để những vấn đề ‘không mong muốn’ được kiểm soát. Tuy nhiên ông Thắng nói tiếp:

“Mặt trái của việc này là tư nhân có thể làm không hết trách nhiệm hoặc làm theo kiểu lợi nhuận trên hết, sẽ đưa đến những vấn đề tiêu cực… Cho nên phải có những tiêu chí khi giao cho tư nhân, hợp đồng cam kết rõ ràng, nếu tuân thủ mới cho làm… Nếu không đạt được sẽ bị phạt, thậm chí phạt nặng, hoặc phải chuyển đổi cho những tư nhân khác phụ trách.”

Ông Trần Quang Thắng cho rằng, tiêu cực hay không là do chính con người nhận thức, con người mặc dù làm để kiếm sống để đem lại nhu cầu mưu sinh, nhưng đồng thời phải có ý thức trách nhiệm xã hội… Nếu không đặt ra điều đó thì theo ông Thắng chắc chắn sẽ có những chuyện rất ‘không mong muốn’ xảy ra.

53ac3e42-c93f-4c88-89ee-f74795dedc17.jpeg
Ảnh minh họa: Những người bán thịt trên vỉa hè. AFP.

Ủy ban Nhân dân TPHCM từ tháng 7 năm 2023 đã ban hành quyết định thu phí một phần lòng đường, vỉa hè ở những vị trí đủ điều kiện, áp dụng từ tháng 9 năm 2023. Những tuyến đường được cho thuê phải đảm bảo điều kiện có tối thiểu 1,5 m bề rộng cho người đi bộ và hai làn ôtô cho một chiều đi.

Một người sinh sống ở Sài Gòn, ông C. nói với RFA ý kiến của ông về việc này hôm 5/9/2023:

“Mấy ổng làm như trò chơi đánh lừa dư luận thôi, chứ còn tư nhân là tư nhân nào mới được… Còn đây là tư nhân của mấy ổng chọn, là người của mấy ổng, chứ không phải tư nhân bình thường, phải hiểu cái đó. Còn nếu cho một người dân bình thường giám sát thì tốt, nhưng đây là người của họ, còn người dân bình thường đâu có được ý kiến ý cò gì?”

Ông C. cho rằng, nếu vỉa hè nào người đi bộ còn khoảng trống để đi bộ thì tận dụng cho thuê được thì tốt. Nhưng ông C. cũng lo ngại đời sống người buôn gánh bán bưng ở vỉa hè:

“Những người nghèo buôn gánh bán bưng thì đa số người ta thấy chỗ nào trống thì người ta ngồi bày hàng ra bán. Khi nào chính quyền đuổi thì họ lại đi chỗ khác, chứ mấy người đó mà thuê thì tiền đâu sinh sống hằng ngày.”

Nếu cho một người dân bình thường giám sát thì tốt, nhưng đây là người của họ, còn người dân bình thường đâu có được ý kiến ý cò gì?
-Ông C.

Đây không phải lần đầu tiên TPHCM đề xuất cho thuê vỉa hè, vào năm 2017 cơ quan này cũng đã trình Ủy ban Nhân dân TPHCM đề xuất phân ô cho thuê vỉa hè, nhưng đã vấp phải phản ứng của dư luận. Vào thời điểm đó, các thành phố lớn ở Việt Nam đang tiến hành chiến dịch lấy lại vỉa hè để trả cho người đi bộ.

Vào tháng 2 năm 2023, trong Dự thảo thay thế Quyết định 74/2008 về quản lý và sử dụng lòng đường, hè phố... Sở Giao thông- Vận tải TPHCM đề xuất cho sử dụng vỉa hè làm điểm giữ xe, kinh doanh, quảng cáo... có thu phí, sau khi đã chừa đủ tối thiểu 1,5 m cho người đi bộ.

Theo Điều 35 tại Luật giao thông đường bộ ban hành năm 2008 , vỉa hè và lòng đường chỉ được sử dụng cho các mục đích giao thông. Các trường hợp đặc biệt, sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, lòng đường vào mục đích khác... phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố quy định, nhưng phải không gây ảnh hưởng đến trật tự và an toàn giao thông.

Nếu đem vỉa hè ra cho thuê kinh doanh một cách rộng rãi, thì nhiều ý kiến cho rằng có thể ảnh hưởng đến mỹ quan, văn minh đô thị... Hiện tại, Nhà nước chưa cho thuê vỉa hè mà một số người dân kém ý thức còn chiếm dụng vỉa hè để buôn bán... Nếu cho thuê vỉa hè rồi, liệu có thể đảm bảo người thuê không đặt ghế bàn, chiếm luôn 1,5 m dành lối cho người đi bộ. Khi đó dù tư nhân hay nhà nước quản lý cũng sẽ phát sinh thêm chi phí quản lý, kiểm soát, bắt phạt... thì có khác gì hiện nay?

Ông T., một người về hưu ở quận 1, TPHCM khi trả lời RFA liên quan vấn đề này cho biết ý kiến:

“Tôi thấy chính sách cho thuê vỉa hè có điểm hay nhưng mà có điểm cũng chưa được. Hay, là bây giờ không còn cảnh người buôn bán trên vỉa hè mà phải cuốn gói chạy trốn trong khi đội trật tự đường phố đến hốt xe, hốt bàn ghế, hốt tủ... Điểm tôi thấy chưa được là bây giờ Nhà nước thu tiền cho thuê vỉa hè sẽ gây khó khăn cho những người buôn bán trên vỉa hè hoặc là những người buôn gánh bán bưng, vì họ phải có tiền mà thuê vỉa hè, phải chịu cái sự cạnh tranh giữa những người buôn bán với nhau.”

Theo ông T., tốt hơn hết là giao lại cho người dân buôn bán như ngày xưa, và các cơ quan chức năng chỉ làm nhiệm vụ là làm sao cho trật tự an toàn cho người đi bộ, và đảm bảo được văn minh đường phố.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.