Giáo sư Trần Quang Hải – Vua Muỗng Việt Nam
2013.09.15
Ngoài nghệ thuật đàn môi nhạc sĩ Trần Quang Hải còn được mệnh danh là vua muỗng Việt Nam, để tìm hiểu thêm về nghệ thuật độc đáo mà người nghệ sĩ tài danh này đã cất công nhiều thập kỷ qua giới thiệu đến bè bạn quốc tế, chúng tôi trân trọng gửi tới quí vị cuộc trao đổi với ông dưới đây.
Vũ Hoàng: Thưa nhạc sĩ Trần Quang Hải, chúng tôi được biết ông là người rất tâm huyết với nghệ thuật đàn muỗng và đã dành gần trọn cả sự nghiệp của mình để theo đuổi niềm đam mê đàn muỗng, hôm nay, qua làn sóng của đài RFA, ông có thể một lần nữa giới thiệu lại môn nghệ thuật độc đáo này được không ạ?
N.S Trần Quang Hải: Tôi có trình bày kỹ thuật đặc biệt của người Việt Nam là cặp muỗng, tôi đã học cách đây 65 năm ở Việt Nam. Tôi đã phát triển và tạo thành (môn nghệ thuật) duy nhất trên thế giới, tôi là người đầu tiên và duy nhất trên thế giới độc tấu đàn muỗng, chưa có một dân tộc nào làm hết vì đa số các dân tộc khác ở Nga, Mỹ, Anh, Canada, Pháp hay nhiều xứ bên Châu Âu để đệm, đó là nhạc cụ để đệm, chứ không phải một nhạc cụ độc tấu. Do vậy, bây giờ tôi sẽ biểu diễn một số kỹ thuật do tôi sáng chế ra, vì thế, tại Việt Nam năm 2011 tôi đã được hội Kỷ Lục Việt Nam tặng cho tôi kỷ lục gia là “vua muỗng của xứ Việt Nam.” Sau đây, tôi sẽ trình bày kỹ thuật đánh muỗng của người Việt Nam, với 2 cái muỗng rất là bình thường, tôi có thể tạo thành những âm thanh khác hay những tiết tấu khác nhau. Những tiết tấu đơn giản nhất là tiết tấu nhịp 2 đánh thành trên đùi và trên bàn tay 1 – 2… đánh càng ngày càng mau… đổi vị trí cây muỗng… đánh bằng nhịp 3… đánh bằng 3 ngón tay… 4 ngón tay… 5 ngón tay… kéo lên trên phía ngon tay trỏ và ngón tay cái… kéo lên lưng ngón tay trỏ… kéo về hết cánh tay… đánh lên trên miệng.
Tôi là người đầu tiên và duy nhất trên thế giới độc tấu đàn muỗng, chưa có một dân tộc nào làm hết vì đa số các dân tộc khác ở Nga, Mỹ, Anh, Canada, Pháp hay nhiều xứ bên Châu Âu để đệm, đó là nhạc cụ để đệm, chứ không phải một nhạc cụ độc tấu.
N.S Trần Quang Hải
Vũ Hoàng: Vâng, xin cám ơn nhạc sĩ Trần Quang Hải đã cho thính giả nghe những gì ông vừa biểu diễn xong. Vũ Hoàng muốn biết là đàn muỗng thường được sử dụng trong những dịp nào và đàn muỗng ngoài sử dụng độc tấu ra còn dùng trong các trường hợp nào khác thưa nhạc sĩ?
N.S Trần Quang Hải: Đối với tôi, chiếc muỗng từ xưa ở Sài Gòn được sử dụng trong những đại nhạc hội do em thần đồng Quốc Thắng 10 tuổi, biểu diễn trên sân khấu, vừa gõ lóc cóc vừa diễn vừa hát, ngoài ra, chiếc muỗng còn được dùng trong những buổi sinh hoạt hướng đạo, thay cho những nhạc cụ gõ, người ta dùng chiếc muỗng để gõ, đánh thành nhịp để mọi người vỗ tay theo và hát theo, đó là những sinh hoạt trong giới trẻ.
Hồi năm 1969, tôi và ba tôi là giáo sư Trần Văn Khê đã có ý nghĩ là đưa cái muỗng này vào trong nhạc cổ truyền Việt Nam, thành ra, có tạo ra một trường phái nhạc tùy hứng – nhạc tùy hứng giữa đàn kiềm, trống với muỗng. Khi đó, chúng tôi tập với nhau và tạo ra một thể nghiệm, nghĩa là âm nhạc truyền thống theo kiểu mới, và đã làm ra một đĩa hát bên Pháp và xuất bản vào năm 1973. Trong đó, ba tôi đánh trống, tôi đánh muỗng, ba tôi đánh đàn kiềm điệu chầu văn, tôi gõ muỗng thay thế cho sinh tiền, từ đó, về sau là đem cái muỗng thành một nhạc cụ gõ thay thế cho sinh tiền. Rồi năm 2011, tôi đã trở về Việt Nam, tôi đến lớp dạy học của chị Phạm Thúy Hoa, nhóm Tiếng Hát Quê Hương, tôi đã tạo ra được một số khoảng 20-30 cô cậu nhỏ trong một khóa học và sau đó mấy cháu đã sử dụng thể nghiệm trong một loại nhạc, nghĩa là đem mười mấy cặp muỗng đánh vào nhau tạo thành một ban hợp tấu muỗng chung với nhạc cổ truyền Việt Nam. Đó là một hình thức thể nghiệm đem muỗng vào trong nhạc cổ truyền hiện đại.
Hồi năm 1969, tôi và ba tôi là giáo sư Trần Văn Khê đã có ý nghĩ là đưa cái muỗng này vào trong nhạc cổ truyền Việt Nam, thành ra, có tạo ra một trường phái nhạc tùy hứng – nhạc tùy hứng giữa đàn kiềm, trống với muỗng
N.S Trần Quang Hải
Vũ Hoàng: Cám ơn N.S Trần Quang Hải đã có những chia sẻ như vậy, trong suốt một thời gian dài mà ông không những biểu diễn ở Việt Nam mà còn truyền dạy cho các thế hệ sau và biểu diễn trên thế giới, ông thấy đàn muỗng của Việt Nam phối hợp với các nhạc cụ khác thế nào?
N.S Trần Quang Hải: Tôi là người đầu tiên đem muỗng vào trong buổi nhạc tùy hứng tập thể, nghĩa là tôi đánh muỗng chung với một người nhảy flamengo hãy những anh Phi Châu đánh trống djembe hay người Ấn Độ đánh trống tampla. Thành ra, tất những cái đó, tôi đánh với từng người rồi sau đó tổng hợp lại tất cả những nhạc cụ gõ chẳng hạn cây đàn mộc cầm, trống djembe hay những giàn trống khác và các nhạc cụ gõ khác. Tôi trở thành người hướng dẫn, chỉ đạo trong các ban nhạc tùy hứng tập thể ở trong các festival.
Vũ Hoàng: Thưa nhạc sĩ, ông có thể chia sẻ thêm một chút về việc truyền dạy môn nghệ thuật độc đáo này của ông cho các thế hệ sau được không ạ? Và điều gì khiến ông tâm đắc?
N.S Trần Quang Hải: Cách đây 15 năm, trong một chương trình dạy về nhạc thế giới, tôi có đề nghị là đem muỗng vào thể nghiệm trong một lớp học, một dàn nhạc toàn muỗng không, không có một nhạc cụ nào khác, tôi để 20 em nhỏ chơi bằng muỗng cà phê và 20 em chơi bằng muỗng súp và 2 bên có 5 em đánh những cái muỗng to, thành ra, trong dàn nhạc vừa có muỗng nhỏ, muỗng vừa và muỗng to, giống như trong dàn nhạc có cây đàn violin, violoncello, đàn cello và đàn constrabass và vì thế tạo ra những công thức về tiết tấu, tôi chế ra, thí dụ em nhỏ hàng một đánh cóc cóc cóc, hàng thứ nhì đánh nhịp ngoại, còn hàng sau cùng dùng muỗng to đánh tung tung tung… giúp cho những người đó giữ nhịp và đối đáp với nhau.
Nhưng đôi khi, tôi lại cho 2 em, 2 bên với 2 cái muỗng khác nhau, 2 âm thanh khác nhau, âm thanh cao cho đàn bà, âm thanh trầm cho đàn ông và 2 bên tìm cách tạo ra một cuộc đối thoại tùy hứng và lúc đó, ở phía sau lưng các nhịp khác đi theo tùng … cóc… tùng … cóc… từ đó, sự đa tiết được phát hiện và làm cho những em đó thấy rằng các muỗng không tốn tiền mà lại tạo thành một loại nhạc tùy hứng rất hào hứng cho các em bắt đầu để ý đến âm nhạc và thích âm nhạc.
Vũ Hoàng: Chúng tôi xin chân thành cám ơn ông rất nhiều.